Thứ 2, 25/11/2024, 10:01[GMT+7]

Mừng tuổi ngày tết giữ mãi nét đẹp

Thứ 3, 09/02/2021 | 17:50:25
15,193 lượt xem
Những ngày tháng Chạp - tháng cuối cùng của năm âm lịch đang trôi mau, phố phường, lòng người đã bắt đầu rộn ràng không khí tết. Cùng với sắm sửa chuẩn bị cho tết Nguyên đán có một khoản chuẩn bị không nhỏ đối với nhiều người - đó là tiền mừng tuổi.

Mừng tuổi hay còn gọi là lì xì là phong tục tốt đẹp của người Việt Nam từ bao đời nay với ý nghĩa chúc cho một năm mới thật nhiều sức khỏe, tài lộc và may mắn. Nhưng mừng tuổi thế nào cho đúng, mừng bao nhiêu để không làm khó xử cả người tặng và người nhận vẫn là nỗi băn khoăn của không ít người.

Ngày xưa chuyện mừng tuổi khá đơn giản nhưng vẫn giàu ý nghĩa. Cứ vào sáng mùng một tết Nguyên đán, con cháu sẽ tập trung cúng lễ tổ tiên, nói lời chúc tết ông bà, cha mẹ mình, biếu quà và mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ khỏe mạnh, sống lâu. Sau đó, con cháu cũng sẽ được ông bà, cha mẹ mừng tuổi cho một phong bao màu đỏ - tượng trưng cho sự may mắn, cát tường. Con cháu nhận bao đỏ mừng tuổi như nhận tình yêu thương của ông bà, cha mẹ với lời chúc mọi điều tốt đẹp trong năm mới. Nhiều người kỹ lưỡng chọn tiền mừng tuổi là tiền lẻ “có lẻ có loi” để biểu thị cho sự sinh sôi nảy nở. Tương tự như vậy, khi khách đến thăm nhà vào những ngày tết cũng không quên mừng tuổi cho con cháu của gia chủ, kèm theo lời chúc đầu năm, đồng thời đón nhận lại những lời chúc sức khỏe, may mắn, phát đạt. Những giá trị tốt đẹp đó vẫn lưu truyền trong phong tục từ xưa đến nay.

Tuy vậy, tục mừng tuổi đã có nhiều biến đổi theo thời gian. Không chỉ người lớn mừng tuổi cho trẻ nhỏ mà con cháu cũng mừng tuổi cho bố mẹ, ông bà, lãnh đạo mừng tuổi cho nhân viên... Việc mừng tuổi cũng không bó hẹp trong 3 ngày tết mà có thể diễn ra trước và sau tết một số ngày. Bao lì xì cũng vậy, với đa dạng kiểu dáng, màu sắc: đỏ, vàng, xanh, tím...

Song mừng tuổi thế nào cho phù hợp vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều người. Vấn đề mừng bao nhiêu là đủ được đem ra bàn luận với nhiều ý kiến khác nhau. Người cho rằng giờ cuộc sống khấm khá hơn, mừng tuổi cũng phải “tươi” lên một tý. Người khác lại nghĩ chỉ nên mừng một chút gọi là lấy may, đừng nên nặng nề về số tiền. Có những người chờ đầu kia mừng tuổi trước để “lựa cơm gắp mắm”... Thực tế có không ít những tình huống làm khó xử cho cả bên tặng và bên nhận vì chuyện mừng ít, mừng nhiều; ít thì thấy ngại vì người ta mừng cho con mình nhiều, còn nhiều thì thấy bản thân phải cố quá; rồi quan niệm người mừng sau phải nhiều hơn người mừng trước; thậm chí nhìn lễ mừng tuổi, hay mặc định người khá giả phải mừng tuổi nhiều... Cá biệt có những ông bố, bà mẹ dạy con gợi ý tiền mừng tuổi từ khách, làm khách buộc phải mừng tuổi; vô tư để trẻ bóc bao lì xì ngay trước mặt khách, thấy tiền ít tỏ thái độ không vui hoặc so sánh với người này, người khác...

Thiết nghĩ việc mừng nhiều hay mừng ít không quan trọng miễn là thấy phù hợp và thoải mái trong lòng, quan trọng là cách chúng ta trao gửi yêu thương cho những người xung quanh như thế nào. Người xưa để tiền mừng tuổi trong bao lì xì đỏ chứa đựng rất nhiều sự tinh tế. Không chỉ vì màu đỏ tượng trưng cho thịnh vượng và may mắn mà còn bởi tính kín đáo, không muốn có sự so bì về số tiền bao nhiêu ở trong dẫn đến những sự không vui trong ngày tết. Thay vì đưa trực tiếp tờ tiền như cách mà một số người vẫn làm, chúng ta hãy nên cho những số tiền ấy vào bao lì xì, vừa đẹp vừa kín đáo, tế nhị. Người lớn cũng cần dặn dò con trẻ không nên mở phong bao lì xì ngay khi vừa được tặng vì đây là hành động thiếu tôn trọng người khác, bị đánh giá coi trọng vật chất hơn là tình cảm.

Cha ông đã dạy “của cho không bằng cách cho”, thay vì chỉ đưa bao lì xì cho trẻ và nói “cô mừng tuổi cháu nhé”, hãy dành thêm vài giây nữa để chuyện trò, chúc cháu học giỏi, ngoan ngoãn, thậm chí một chút biến tấu với một tệp lì xì cho trẻ được lựa chọn sẽ tăng thêm không khí vui vẻ ngày tết. Với người lớn cũng thế, một cái nhìn trìu mến, nụ cười ấm áp và những lời chúc tốt đẹp sẽ làm tăng giá trị của mừng tuổi lên gấp nhiều lần. Ngược lại, với người nhận, nhất là trẻ nhỏ, người lớn cần dạy cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì hay cách tiết kiệm tiền mừng tuổi để mua sách vở, đồ dùng học tập. Đặc biệt, tránh để trẻ con nảy sinh tâm lý so bì tiền mừng tuổi giữa người này người khác...

Bên cạnh đó, chính người lớn chúng ta không nên biến tục lì xì trở thành cái “cớ” phục vụ cho những mục đích thực dụng cá nhân hay trở thành nỗi “ám ảnh” khi chuẩn bị tiền mừng tuổi tết để cho bằng người này người khác, nhà này nhà khác, coi quà tết, tiền mừng tuổi là thước đo tình cảm...

Mừng tuổi đầu năm mới là phong tục đẹp, thể hiện sự kính già, yêu trẻ và ước mong một năm mới thuận lợi, may mắn. Để giữ mãi nét đẹp văn hóa vốn có phong tục mừng tuổi, rất cần cởi bỏ đi những đắn đo nặng nhẹ về vật chất mà chú ý đến tính biểu trưng của nó, để người tặng và người nhận đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ trong năm mới.

Phương Loan

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy