Thứ 2, 25/11/2024, 09:32[GMT+7]

Mùa hoa bưởi

Thứ 2, 15/03/2021 | 09:08:29
3,850 lượt xem
Mỗi độ sau tết, hoa bưởi nở trắng vườn nhà. Vào khoảng thời gian này, khoảnh khắc dễ chịu nhất trong ngày là thức dậy thật sớm để ra vườn, hít căng lồng ngực mùi hương thơm dịu dàng, ngọt ngào mà rất đỗi thanh khiết ấy.

Mỗi năm, hoa bưởi chỉ có một thời điểm nở rộ nhất là từ khoảng giữa tháng Giêng đến đầu tháng 2 âm lịch. Khoảng thời gian ngắn ngủi nên với những người không bận lòng để tâm sẽ chỉ thấy rộn ràng một đợt hoa bưởi được bày bán ở khắp các khu chợ lớn, nhỏ từ thành thị tới nông thôn rồi bẵng đi tới cả năm sau mới có thể gặp lại khung cảnh ấy. So với độ bền và giá thành của một số loài hoa khác, hoa bưởi được bán đắt hơn khá nhiều và đây cũng là loại hoa được bán theo cân, theo lạng thay vì theo bó, theo lẵng. Tuy nhiên, bởi chỉ có một lần trong năm nên các bà, các cô hay tranh thủ mua về dâng lên ban thờ tổ tiên, làm nguyên liệu để nấu chè, làm trà hoa bưởi, ướp đường, ướp bột sắn, nấu nước gội đầu, nước rửa mặt... Chỉ một nụ hoa nhỏ, dù có ướp vào lọ đường, lọ bột sắn cả năm trời, tới khi mở nắp, món quà bất ngờ vẫn là hương thơm thoang thoảng, rất đỗi dịu dàng. Còn nhớ, trong gói bột sắn làm quà gửi sang châu Âu cho người họ hàng, mẹ tôi đã ướp theo ít hoa bưởi như một thói quen lưu giữ mùa hoa này vào mỗi năm. Món quà bình dị ấy sau hàng tháng trời vận chuyển đã trở thành niềm xúc động bất ngờ bởi người họ hàng đã nửa đời người xa quê, bỗng chốc giữa trời Âu mới được gặp lại hương thơm hoa bưởi, loài hoa đã đi cùng những năm tháng tuổi thơ chân lấm, tay bùn…

Hoa bưởi - thứ hoa dân dã, thôn quê, vào độ tiết trời u ám, sập sùi sẽ theo những gánh hàng rong, những chiếc xe đạp cọc cạch, cũ kĩ, hay thậm chí là những chiếc xe rùa xuống phố. Cứ thế, khi tết đã qua, thời tiết như muộn phiền một điều gì đó là người ta lại ngóng chờ mùa hoa bưởi, ngóng chờ những nụ hoa trắng ngần, nhỏ xinh như chờ đợi một khúc giao mùa trong cái lãng đãng, bình yên. Trong một gánh hàng rong, từng chùm hoa bưởi kề sát bên nhau, cả nụ, cả lá, cả bông còn tươi nguyên với hương thơm ngát làm rung động bao tâm hồn. Có lẽ chính bởi thế mà những lời ca của ca khúc “Hương thầm” cứ lại vang lên vào mỗi độ hoa bưởi bung nở tinh khôi:  

Khung cửa sổ hai nhà cuối phố

Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ

Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp

Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa

Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay

Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm

Bên ấy có người ngày mai ra trận

Bên ấy có người ngày mai đi xa…

Chùm hoa bưởi nhỏ nhắn, mỏng manh đã thay lời thổ lộ của một tình yêu thầm kín, để rồi khi chàng trai đã ra nơi chiến trường thì thứ hoa dân dã ấy vẫn như hiện hữu tấm lòng trắng trong, e lệ của cô gái nơi quê nhà.

Còn trong tâm trí của tôi, hoa bưởi luôn gắn liền với hình ảnh của những người phụ nữ tảo tần “một nắng hai sương”, chắt chiu, dành dụm từ những chùm hoa nhỏ. Để có gánh hoa bưởi mang ra chợ bán, những người phụ nữ thôn quê ấy thức dậy từ sớm tinh mơ, ra vườn lựa những chùm hoa đẹp nhất, tươi tắn nhất, có đủ cả nụ, hoa và lá, bó thành những bó nhỏ xinh, rồi lại tất tả mang hoa ra chợ cho kịp giờ. Bên gánh hoa bưởi là ít quả vườn nhà, vài quả đu đủ chín dở, ít ớt, ít chanh, nải chuối chín vàng… Gánh hoa, gánh quả tuy mộc mạc, ít ỏi nhưng là bao trông ngóng, đợi chờ về những tháng ngày bớt cực nhọc, lo toan.

Ảnh minh họa.

Ông cụ hàng xóm thở dài: Mùa hoa bưởi năm nay sao trôi nhanh đến thế! Mưa nhiều làm hoa rụng, dập nhiều trong cái tiết trời lạnh lẽo, ẩm ương. Bà cụ hàng xóm vẫn cần mẫn ra vườn nhặt những nhành hoa còn tươi, còn đẹp, mong sao nhanh hửng trời còn đẩy chiếc xe rùa ra chợ.

Tú Anh