Thứ 2, 25/11/2024, 07:33[GMT+7]

Giữ mãi nét hồn nhiên trẻ thơ

Thứ 2, 21/06/2021 | 14:30:56
3,387 lượt xem
Tôi có 2 đứa con, đứa lớn 7 tuổi và đứa nhỏ 4 tuổi. Khỏi phải nói khi nghe bố mẹ bàn kế hoạch gửi về quê với ông bà để “trốn Covid-19” bọn trẻ vui biết chừng nào. Cả tháng chạy nhảy ở quê, khi đón lên thành phố chúng cứ còn cứ nhì nhằng mãi.

Ảnh minh họa.

Nhớ hồi bé, tuổi thơ của tôi và bạn bè cùng trang lứa là những chiều đi mót khoai, vơ trấu, bắt cua để phụ giúp gia đình, là những buổi trưa không ngủ để nghịch pháo đất, chơi quãng, chơi chuyền, những buổi tối chơi trốn tìm, kéo nhau bằng mo cau đi quanh ngõ hay bắt đom đóm làm đèn. Tụi con trai hay chơi trò đánh khăng, chọi ngựa, tụi con gái thì chơi đồ hàng, chơi trò mẹ con... Hầu như đứa nào cũng lấm lem, đen nhẻm nhưng vui vẻ chạy nhảy suốt. Mọi người vẫn gọi đùa nhau “tuổi thơ dữ dội” có lẽ là bởi những trò nghịch ngợm hồn nhiên ấy đã in dấu sâu vào tâm khảm - quãng thời gian vui vẻ, không lo toan mà khi càng trưởng thành chúng ta mới càng thấy nó quý giá.

Đôi khi nghĩ vẩn vơ, tôi cứ cảm thấy tiếc và thương tụi trẻ con bây giờ. Chúng đầy đủ gấp nhiều lần thời của bố mẹ, ông bà về mặt vật chất nhưng nhiều cháu cũng tỷ lệ nghịch ngần ấy với thế hệ trước về sự thiếu thốn, gò bó về mặt tinh thần, đúng hơn là thiếu đi những vui chơi hồn nhiên, những nghịch ngợm lấm lem theo lứa tuổi, cả sự tự khám phá ra những điều thú vị của thiên nhiên, đồng ruộng.

Nhiều người lớn vẫn hay nói đùa với nhau, trẻ con bây giờ sạch quá, nhất là trẻ con thành phố. Sạch theo kiểu được người lớn giữ gìn quá cẩn thận để khỏi bẩn tay, bẩn quần áo, chơi cũng vừa phải thôi không lại mướt mát mồ hôi dễ bị cảm lạnh... chứ nói gì đến chuyện nghịch đất, nghịch cát, dãi nắng như thời xưa nữa. Trẻ con và cả bố mẹ chúng đều bị cuốn vào lịch học dày đặc ở trường, ở trung tâm, ở nhà cô; hết học văn hóa lại học kỹ năng sống, năng khiếu, nghệ thuật... Đến ăn, ngủ còn vội nói gì đến chơi. Nhiều nhà muốn cho con về quê mà cũng phải tranh thủ lắm.

Những nhà có điều kiện thì thỉnh thoảng cuối tuần được bố mẹ cho đi siêu thị, đi ăn nhà hàng, hè được một vài lần đi tham quan, du lịch. Còn lại thời gian rảnh, trẻ xem điện thoại, tivi hay lên mạng, hay tự chơi đồ chơi trong nhà. Và rồi nhiều ông bà, bố mẹ lại than thở: con nhà chị nó tồ lắm, có biết gì đâu, đứa này, đứa kia như gà công nghiệp ấy... Tất nhiên không phải lỗi của trẻ, càng không phải gia đình nào cũng vậy, đứa trẻ nào cũng vậy nhưng thực tế ấy vẫn khiến người lớn chạnh lòng.

Làm cha mẹ, ai cũng muốn con cái lớn lên được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và cảm xúc. Để có được điều đó, không chỉ học văn hóa chính khóa mới quan trọng mà chơi cũng quan trọng không kém. Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng trẻ sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin và vui vẻ hơn khi được tự tay chạm vào khám phá mọi thứ xung quanh. Từ đó, trẻ sẽ học cách xử lý vấn đề, kích thích tư duy sáng tạo. Thay vì bao bọc, giữ trẻ quá sạch sẽ, hãy để chúng quen dần với nắng, gió để tăng sức để kháng, thậm chí nghịch lấm lem một chút cũng chẳng sao. Thay vì lo sợ trẻ vô cảm, hãy để chúng biết rung cảm với những thứ xung quanh: trước một khung cảnh đẹp, trước một hoàn cảnh đáng thương, trước sự vất vả của bố mẹ; khuyến khích trẻ nói ra những suy nghĩ và cảm xúc thật của mình. Và nếu như có thể, hãy cho trẻ được trải nghiệm càng nhiều càng tốt với người lớn như: cùng lao động, cùng đi chợ, cùng nhặt rau… hay đơn giản chỉ là tung tăng chạy nhảy ngoài cánh đồng để biết đến ruộng lúa, bờ kênh, triền đê... để những “trĩu hạt nặng bông” hay “thẳng cánh cò bay” không phải là những từ ngữ sáo rỗng trong trang văn của trẻ.

Phương Loan
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

  • Từ khóa