Thứ 3, 19/11/2024, 03:47[GMT+7]

Nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội

Thứ 3, 22/01/2013 | 14:16:15
1,042 lượt xem
Muốn có một xã hội tốt đẹp, phát triển bền vững đòi hỏi các thành viên, các tổ chức và tất cả mọi người phải có ý thức trách nhiệm xây dựng, vun đắp. Ý thức trách nhiệm xã hội được xây dựng trên nền tảng văn hóa, gắn liền với lối sống và đạo đức của con người.

Ảnh minh họa

Mặt trái của cơ chế thị trường cùng với những ảnh hưởng văn hóa  độc hại từ bên ngoài tràn vào đã "đẻ" ra lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền, làm cho thang giá trị đạo đức bị đảo lộn. Cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận không ngần ngại hủy hoại môi trường, đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí còn chứa cả chất độc hại. Cứ mỗi khi Tết đến là nạn hàng giả, rượu giả lại tràn lan. Vì lợi nhuận, có những doanh nghiệp còn đem cả thực phẩm ôi thối dùng hóa chất chế biến rồi đưa vào các cửa hàng ăn, bán ra thị trường. Người chăn nuôi muốn cho vật nuôi lớn nhanh  để kiếm nhiều lãi đã nhồi nhét cho chúng đủ các loại thức ăn  tăng trọng khiến cho thịt, cá chứa đầy hóa chất. Người trồng rau, hoa quả cũng vậy, bón cho cây đủ thứ hóa chất không đúng liều lượng rồi phun thuốc trừ sâu vô tội vạ. Ngay cả đến quà bánh cũng đủ thứ hàn the, phẩm mầu, chất bảo quản khi phân tích ai cũng thấy rùng mình... Những người đưa ra thị trường các sản phẩm gây tổn hại cho sức khỏe  con người thậm chí gây ngộ độc, ung thư chết người không phải không biết hậu quả, tác hại của nó mà vẫn làm chỉ vì   lợi nhuận trước mắt "sống chết mặc bay". Lối sống ích kỷ, cá nhân đã khiến cho họ vô cảm trước sự nguy hiểm đến tính mạng của người khác.

Thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội cho mọi đối tượng. Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Dù ở lĩnh vực hoạt động nào, làm nghề gì, mỗi người phải có lương tâm, có đạo đức nghề nghiệp, từ đó đề cao ý thức trách nhiệm với xã hội. Ðối với doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội không chỉ dừng ở chỗ làm từ thiện, đóng góp cho các hoạt động xã hội mà cái quan trọng nhất, cốt lõi nhất là giữ chữ "Tâm" trong sáng, xây dựng thương hiệu uy tín, cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, góp phần giữ vững an sinh xã hội. Ðối với ngành y tế thì trách nhiệm với xã hội là các bác sĩ phải hết lòng chữa bệnh, cứu người, thực hiện "Lương y như từ mẫu"... Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội từ những công việc rất cụ thể như tham gia xây dựng khu dân cư văn hóa,  giữ vững an ninh trật tự, thực hiện tốt luật lệ đi đường, ngay cả những hành vi nhỏ nhất như không xả rác ra  đường, không hút thuốc ở nơi đông người, không làm mất trật tự nơi công cộng... Ý thức trách nhiệm xã hội cao sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển lành mạnh đồng thời tăng thêm sự gắn kết cộng đồng.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội, bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục, rất cần có những biện pháp chế tài đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi vô trách nhiệm gây tác hại cho xã hội, cho cộng đồng. Trước mắt, trong dịp Tết Nguyên đán 2013 phải xử lý thật nghiêm những cá nhân, những cơ sở sản xuất vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý những trường hợp vi phạm luật giao thông và các tệ nạn xã hội.

Theo nhandan

  • Từ khóa