Thứ 2, 25/11/2024, 05:34[GMT+7]

Phát huy truyền thống dòng họ hiếu học

Thứ 7, 01/01/2022 | 09:18:38
1,714 lượt xem

Từ đường dòng họ Đỗ, xã Song Lãng - nơi thờ Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm và Tiến sĩ Đỗ Lý Oánh.

Xuân này về xã Song Lãng (Vũ Thư), tôi đến với dòng họ Đỗ hiếu học, thăm ngôi từ đường họ Đỗ đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Anh Đỗ Hữu Xuyên, nguyên Chủ tịch UBND xã Song Lãng cho biết: Song Lãng là miền quê trù phú, có truyền thống yêu nước nồng nàn. Người dân Song Lãng thông minh và cần cù lao động. Một xã mà có hơn 10 vị đỗ đầu trong các vương triều là một điều rất hiếm. Người dân nơi đây rất tự hào với câu ca:

“Ngoại Lãng xưa nay vốn mạnh giàu
Có vương, có tướng, có công hầu
Khôi nguyên văn chiếm tên trên bảng
Thao lược võ công tước đứng đầu”.

Song Lãng có ngôi chùa Phúc Thắng (tên nôm là chùa Lạng). Chùa thờ Đỗ Đô đại sư. Đỗ Đô là thiền sư nổi tiếng của triều Lý. Thế kỷ X, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông đều tôn ngài làm Quốc sư. Ngài có pháp danh là Đạt Ma thiền sư - một trong An Nam Tam thánh. Người họ Đỗ rất tự hào về đức thánh Đỗ Đô. Danh sĩ Trần triều đã khắc đôi câu đối, ca ngợi công đức thiền sư: “Chiếm Bạch Liên khoa, Lý thế nhị tôn suy thượng phụ/Dẫn Hoàng Giang phái, Trúc Lâm tam tổ nhận thiền sư”. Có nghĩa là: Thi đỗ đầu khoa Bạch Liên, hai thời vua Lý đều coi là bậc thượng phụ. Dẫn đầu phái Hoàng Giang, ba vị tổ phái Trúc Lâm coi là người thầy đi trước.

Anh Xuyên cho biết: Cùng với nhiều dòng họ khác ở Song Lãng, họ Đỗ là một dòng tộc cư trú rất sớm và có công khai lập làng. Cách đây gần chục năm, nhà nước công nhận từ đường họ Đỗ là di tích lịch sử văn hóa. Từ đường họ Đỗ thờ Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm và Tiến sĩ Đỗ Lý Oánh - hai danh nhân  lịch sử thời hậu Lê, thế kỷ XV. Các chi, các giáp họ Đỗ hiện nay ở Song Lãng khá đông, người họ Đỗ cùng các dòng họ trong xã đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Một cụ già trong họ đọc cho tôi ghi đôi câu đối trong từ đường: “Phẩm hạnh nho sư tiêu sỹ vọng/Khoa danh quốc sủng dụ gia hương”. Tôi chăm chú đọc cuốn tộc phả họ Đỗ: “Cao tổ khảo Đỗ Thế Duyên (tức cụ Diên) thi đỗ Trạng nguyên khoa Ất Tỵ (1185). Phát tích từ làng Cổ Liêu, tổng Bạch Sam (nay là thôn Liêu Xá, xã Nghĩa Hiệp, Mỹ Văn, Hưng Yên - thời vua Lý Cao Tông). Ngay sau khi đỗ Trạng, cụ đem thổ trạch tiến cúng làm chùa, lấy tên là Chúc Thánh Báo Ân. Trạng được phong giữ chức triều nghị đại phu, thị nội sảnh kiêm pháp quan hình sự, kiêm ngự đại trung triều. Ngài sinh được hai con trai là Đỗ Lý Minh và Đỗ Lý Thành. Cụ Đỗ Lý Thành chuyển cư về Ngoại Lãng (nay thuộc xã Song Lãng, huyện Vũ Thư). Cụ chính là người khởi tổ dòng họ Đỗ ở vùng này. Từ đó đến nay đã 800 năm, họ Đỗ đã có trên 25 đời con cháu. Từ đời cụ Đỗ Lý Thành đến đời thứ 6, họ Đỗ ở Song Lãng có một gia đình có hai anh em ruột học rộng, tài cao. Đó là Đỗ Lý Khiêm và Đỗ Lý Oánh. Cụ Đỗ Lý Khiêm thi đỗ Trạng nguyên năm Kỷ Mùi (1499), đời vua Lê Hiển Tông. Cụ làm Phó đô ngự sử đài và được cử đi sứ sang Minh hai lần.

Lần thứ hai vào năm 1510, cụ giữ chức Chánh sứ. Ba năm nơi đất khách quê người, cụ đã có nhiều hoạt động ngoại giao, làm tốt đẹp mối bang giao hai nước. Trên đường về nước, cụ bị giặc cướp chặn đường ám hại. Vua Lê truy tặng cụ chức Đô ngự sử công bộ thượng thư và phong làm phúc thần làng Ngoại Lãng, chuẩn cho dân lập miếu thờ. Cụ Đỗ Lý Oánh là em ruột cụ Đỗ Lý Khiêm, thi đỗ Hội nguyên tại kinh đô Thăng Long năm 1505, được bổ làm Đông các thị thư, sau đó làm trưởng ban võ bảo vệ triều đình. Trong cuộc dẹp loạn Trịnh Duy Sảnh, bảo vệ vua lánh nạn, cụ đã anh dũng hy sinh. Vua Lê truy tặng cụ là Thượng thư bộ Lễ, hàm Thái Bảo, chuẩn cho dân Ngoại Lãng xây miếu thờ, tôn làm phúc thần. Từ đường họ Đỗ còn được vua ban cho 2 chữ Trung - Hiếu. Bẩy triều đại: Từ Vĩnh Khánh đến Khải Định đều ban sắc ghi công Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm, Tiến sĩ Đỗ Lý Oánh. Bức trướng do vua Tự Đức đề tặng anh em Trạng nguyên, Hội nguyên họ Đỗ: “Cảnh thống Trạng nguyên, Đoan khánh Hội nguyên, Tình nghĩa hồng đàm bằng tường suý tiết thanh cao”.

Phát huy truyền thống, người họ Đỗ ở Song Lãng ngày nay đã có nhiều thành tích mới. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trai gái họ Đỗ đã lên đường, xẻ dọc Trường Sơn đi đánh giặc. 17 người con họ Đỗ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, được công nhận là liệt sĩ. Ba người con dâu họ Đỗ là các bà: Nguyễn Thị Bột, vợ ông Đỗ Miễn; Nguyễn Thị Mùi, vợ ông Đỗ Hạ; Đậu Thị Vân, vợ ông Đỗ Trích đã được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Ngày nay, họ Đỗ cùng các dòng họ ở Song Lãng đoàn kết xây dựng quê hương, Song Lãng vẫn phát huy được truyền thống miền quê hiếu học. Phần lớn các dòng họ ở Song Lãng đều có người học rộng, tài cao, hàng trăm người có học vị trên đại học và đại học. Trong kháng chiến: 2.000 người con của Song Lãng đã nhập ngũ, gần 300 người đã hy sinh, 100 người đã gửi lại một phần xương máu ở các chiến trường. Xã có 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trước từ đường họ Đỗ, tôi được một cụ già đọc cho nghe mấy vần thơ, xin lấy thay cho lời kết:

Một nén hương thơm, một đóa hoa
Một bình rượu ngọt, một tách trà
Một mâm cỗ mọn, xin dâng cúng
Để lòng tưởng nhớ tới ông cha
Xin dâng tiên tổ một lạy này
Khắc cốt ghi tâm chẳng hề phai
Truyền thống Đỗ gia xin giữ trọn,
Để ngàn năm vẫn ngát hương say.

Cao Bá Khoát
Vũ Thư

  • Từ khóa