Chủ nhật, 24/11/2024, 18:50[GMT+7]

Người trẻ với hành trình bảo tồn nghệ thuật múa lân

Thứ 3, 18/04/2023 | 21:48:24
11,428 lượt xem
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 10 đoàn lân sư rồng đang hoạt động, đa phần đều được gây dựng và phát triển bởi những người trẻ có tình yêu với loại hình nghệ thuật truyền thống. Bận rộn vào mỗi dịp tết Trung thu hàng năm nhưng những người trẻ vẫn luôn tâm huyết trên hành trình chinh phục đam mê cùng mong muốn mang đến niềm vui, tiếng cười rộn rã theo mỗi bước nhảy dứt khoát, uyển chuyển của lân.

Màn so tài của những con lân tại giải múa lân kỷ niệm 133 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình.

Vinh dự đạt giải nhất tại giải múa lân kỷ niệm 133 năm ngày thành lập tỉnh diễn ra vào tháng 3 vừa qua, đoàn lân sư rồng Hưng Nghĩa Đường (thành phố Thái Bình) hiện là nơi sinh hoạt của 40 thành viên. 

Anh Nguyễn Văn Hưng, trưởng đoàn cho biết: Đoàn được thành lập đã 15 năm, xuất phát từ mong muốn được xem biểu diễn múa lân thường xuyên vào mỗi dịp lễ, tết trong năm, đặc biệt là tết Trung thu cổ truyền. Thời gian đầu thành lập nhiều khó khăn nhưng từ nhiệt huyết và đam mê của những người trẻ, đến nay đoàn không những biểu diễn múa lân sư rồng mà còn trực tiếp làm các vật dụng đáp ứng nhu cầu tập luyện, biểu diễn của đoàn và cung ứng trong, ngoài tỉnh. Số lượng thành viên tương đối đông nên trong đoàn chia thành các nhóm nhỏ, tập luyện định kỳ 3 buổi/tuần, sau khi việc tập tại các nhóm nhuần nhuyễn mới tiến hành khớp bài theo cả đoàn. Ban đầu chỉ có ít anh em tham gia tập luyện nhưng nhận thấy tác dụng mà bộ môn này mang lại nên ngày càng có đông bạn trẻ xin tham gia. Có câu “từ võ mới đến lân”, vì các động tác trong một bài múa đa phần xuất phát từ võ nên với những người đã tập võ, việc tập luyện thuận lợi hơn. Còn những người chưa tập sẽ cần tinh thần nỗ lực cùng quyết tâm cao và được hướng dẫn tỉ mỉ từ cách đứng tấn, cách di chuyển sao cho vừa nhịp nhàng, uyển chuyển, vừa oai hùng, dũng mãnh...

Các đoàn lân truyền nghề theo phương pháp người đi trước chỉ bảo cho người đi sau, gây dựng phong trào luyện tập, biểu diễn ngày càng phát triển.

Tham gia tập luyện, biểu diễn múa lân đã hơn 2 năm, em Nguyễn Đắc Thành Đạt, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) cho biết hiện đang là sinh viên, cũng không xác định múa lân sẽ là công việc chính nhưng bởi niềm đam mê với múa lân nên đã quyết định dành thời gian tập luyện bộ môn này. Theo Đạt, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của một màn múa lân là tinh thần đồng đội đoàn kết của các thành viên. Thông thường, một bài múa được tập luyện qua 4 - 5 tháng mới đi biểu diễn nên đa phần các thành viên đều đã nhuần nhuyễn mọi động tác, nhịp điệu, tuy nhiên, vẫn luôn thường trực những tình huống bất ngờ xảy ra nên cần đến sự phối hợp nhịp nhàng cũng như tinh thần gắn kết. Đạt còn nhớ, bản thân mình trong một buổi biểu diễn sau khi bật nhảy lên đầu, tiếp đất sai kỹ thuật nên bị lật cổ chân, dù rất đau nhưng vẫn cố gắng không làm gián đoạn nhịp độ của toàn bài. Khi một thành viên gặp sự cố, các thành viên khác trong đoàn cũng sẽ linh hoạt trong biểu diễn để tương trợ kịp thời.

Từ nhiệt huyết của những người trẻ, giải múa lân tỉnh Thái Bình trong năm đầu tiên được tổ chức đã thu hút hơn 200 vận động viên đến từ 10 câu lạc bộ tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Các vận động viên thi đấu hết mình, thả hồn vào những con lân khoác trên người với bước đi uyển chuyển, khi nhịp nhàng, duyên dáng, khi oai hùng. Mỗi phần thi được chấm điểm theo các tiêu chí như độ khó, thời gian, trang phục biểu diễn... 

Phụ trách vị trí đánh trống, anh Ngô Thế Hiển, thành viên một đoàn lân cho biết: Khác với các loại trống thông thường, trống múa lân chỉ có một mặt. Trong dàn nhạc múa của một buổi biểu diễn, trống lân đóng vai trò quan trọng nhất. Tiếng trống điều khiển những động tác của con lân, các nhạc cụ như chũm chọe, thanh la đánh theo tiếng trống. Thường thì người xem chỉ chú ý tới con lân, xem múa có hay, có đẹp, có nhiều động tác khó không. Nhưng đằng sau những động tác ấy là tiếng nhạc điều khiển. Nhạc chậm thì lân ngủ, nghỉ; nhạc nhanh dần thì lân sẽ thức giấc và đứng dậy; khi nhạc dồn dập, náo động thì lân sẽ thực hiện các động tác nhảy cao, biểu diễn đứng bằng hai chân.

Anh Khiếu Ngọc Lương, đoàn múa lân Tam Hoa Đường (Vũ Thư) cho biết: Lần đầu tiên được giao lưu với nhiều đoàn lân trong tỉnh nên các thành viên đều có sự chuẩn bị tốt nhất với những tiết mục ấn tượng nhất. Mong rằng giải đấu sẽ diễn ra thường xuyên qua các năm, là niềm cổ vũ, động viên tinh thần, đồng thời cũng là sân chơi ý nghĩa để mỗi người trẻ hăng say hơn trên con đường chinh phục đam mê, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian.

Là khán giả nhiệt tình theo dõi các đoàn múa lân, ông Đinh Công Điệp, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) nhận xét: Các cháu biểu diễn rất nhiệt huyết, nhiều động tác khó được thể hiện nhuần nhuyễn, tôi ấn tượng nhất với tiết mục lân trèo cột. Múa lân là môn nghệ thuật, võ thuật mang ước vọng về sự phát đạt, hanh thông trong công việc lẫn cuộc sống, như lời chúc nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng cho khởi đầu mới nên không chỉ trẻ nhỏ mà cả khán giả lớn tuổi cũng yêu thích múa lân.

Với nhiệt huyết, đam mê của những người trẻ không ngại khó, ngại khổ, mong rằng các giải múa lân sẽ thường xuyên được tổ chức, để bộ môn nghệ thuật này không chỉ xuất hiện thường xuyên vào mỗi dịp tết Trung thu mà sẽ từng bước trở thành sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá về mảnh đất và con người Thái Bình đang trên đà hội nhập, phát triển.

Biểu diễn lân sư rồng tại lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) năm 2023.

Tú Anh