Chủ nhật, 24/11/2024, 15:09[GMT+7]

Hà Tĩnh đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Thứ 7, 24/06/2023 | 15:22:07
1,201 lượt xem
Sáng 24/6, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 310 năm Năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-2023), 280 năm Năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự (1743-2023), 240 năm Năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783-2023) và đón Bằng công nhận Văn bản Hán Nôm Làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho tỉnh Hà Tĩnh.

Trình bày diễn văn tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: Hà Tĩnh là vùng địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử-văn hoá, là nơi hội tụ nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được cả nước và thế giới biết đến, như: Ca trù, Dân ca Ví-Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là 3 di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.800 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 86 di tích cấp quốc gia và 550 di tích cấp tỉnh.

Hòa chung dòng chảy lịch sử dân tộc, dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu - có nhiều danh nhân tiêu biểu, đóng góp nhiều thành tựu trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị, ngoại giao, lịch sử, địa lý, y học… Các thế hệ dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu luôn có sự kế tục, trao truyền, kết tinh và lan tỏa nhiều giá trị truyền thống, để lại nhiều di sản văn hóa rực rỡ cho đến ngày nay.

Với sự tâm huyết, dày công, trách nhiệm của các thế hệ con cháu trong dòng họ và sự quan tâm của tỉnh, của Trung ương, tháng 11 năm 2022, Văn bản Hán Nôm Trường Lưu vinh dự được ghi vào danh sách di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là bộ sưu tập gồm các sắc phong của triều Hậu Lê, triều Nguyễn nhằm tôn vinh, ban tặng, phong chức cho một số người dân thuộc các dòng họ Nguyễn Huy, họ Trần, Hoàng, Phan thuộc làng Trường Lưu… Các văn bản này được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm trên giấy dó và lụa trong quãng thời gian từ năm 1689 đến 1943. Những văn bản này hiện là những tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục, mỗi tư liệu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, Trường Lưu là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có 3 di sản được ghi danh là di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây thật sự là vinh dự lớn của dòng họ Nguyễn Huy, của người dân làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh. Các tư liệu này mãi là nguồn tài sản vô giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho hậu thế chúng ta.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hoàng Đạo Cương chúc mừng Hà Tĩnh khi Văn bản Hán Nôm Trường Lưu được ghi vào danh sách di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việc Hà Tĩnh long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 310 năm năm sinh Nguyễn Huy Oánh, 280 năm năm sinh Nguyễn Huy Tự, 240 năm năm sinh Nguyễn Huy Hổ, công bố Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương là sự kiện văn hóa quan trọng, minh chứng sinh động cho ý thức kế thừa, nối tiếp và tôn vinh các bậc hiền nhân của tỉnh, của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng mong muốn các dòng họ, các chủ sở hữu di sản tiếp tục chung tay, góp sức với Nhà nước để bảo vệ, khai thác thật hiệu quả, khoa học tổng thể kho tàng di sản văn hoá của dân tộc, coi đó là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm lớn lao của mỗi người dân đối với quê hương, đất nước.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) do Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ chủ trì sưu tầm và cùng tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ trình Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Đây là bộ sưu tập viết bằng chữ Hán và chữ Nôm gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ (Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng) tại làng Trường Lưu. Trong đó, 26 tư liệu là các sắc phong thời kỳ Nhà Lê và Nhà Nguyễn (1689-1943), trong tôn vinh - ban thần, ban mỹ tự - trong ban tước, phong chức; 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu dưới thời Nguyễn (1803-1943) và 3 bức trướng có kích thước: 97x197cm, 121x177cm và 70x127cm tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt. Mỗi tư liệu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo...


Theo nhandan.vn