Chủ nhật, 24/11/2024, 09:56[GMT+7]

Lớp học khiêu vũ đặc biệt

Thứ 6, 08/09/2023 | 08:42:56
4,368 lượt xem
Với mong muốn nâng cao đời sống tinh thần cho người khiếm thị, hơn 1 tháng qua, lớp học khiêu vũ miễn phí đã trở thành nơi truyền lửa đam mê cho nhiều người vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống. Đây cũng là lớp học khiêu vũ đầu tiên dành cho người khiếm thị tại Thái Bình.

Anh Đỗ Thanh Tuấn hướng dẫn từng động tác cho các học viên khiếm thị

 Hàng tuần, vào sáng thứ 3 và thứ 5, các học viên lại đến tầng 3 của trụ sở Hội Người mù tỉnh để tham gia “lớp học khiêu vũ đặc biệt”. Gọi là “lớp học khiêu vũ đặc biệt” bởi các học viên đều là người khiếm thị, tiếp thu và cảm nhận những điệu nhảy bằng trái tim mà không phải bằng đôi mắt. Dù không nhìn thấy ánh sáng nhưng các học viên vẫn tự tin, nhịp nhàng lướt chân theo từng giai điệu, nhún nhảy theo tiếng nhạc trầm bổng. Sự hồ hởi, phấn khích hiện rõ trên gương mặt từng người. 

Anh Lê Thanh Tùng, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) cho biết: Đối với những người khiếm thị như tôi, vốn dĩ ít vận động thì lớp học khiêu vũ đã giúp chúng tôi khắc phục được nhược điểm đó, tăng thêm cơ hội giao lưu, học hỏi giữa những người khiếm thị với nhau. Từ khi tham gia lớp học khiêu vũ, tôi không những được rèn luyện sức khỏe mà còn có thêm nhiều niềm vui và những người bạn mới.

Chị Lã Hoài Thu, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Bản thân tôi rất yêu âm nhạc, mỗi lần nghe nhạc là tôi lại khao khát được nhảy múa. Khiêu vũ là mong muốn của tôi từ rất lâu rồi nhưng đến bây giờ mới thực hiện được. Tham gia lớp học, chúng tôi được thầy giáo hướng dẫn rất tận tình nên chúng tôi có thể dễ dàng cảm nhận được từng nhịp điệu và động tác cụ thể.  

Lớp học khiêu vũ miễn phí dành cho người khiếm thị do Hội Người mù tỉnh phối hợp với Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) khai giảng từ đầu tháng 7/2023. Các học viên tham gia lớp học chủ yếu trong độ tuổi từ 30 - 40. Là giáo viên dạy khiêu vũ lâu năm, anh Đỗ Thanh Tuấn (phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) đã tình nguyện hỗ trợ dạy miễn phí cho lớp học. 

Anh Tuấn chia sẻ: Khiêu vũ là sự giao tiếp, sự kết nối về hình thể giữa hai người. Học khiêu vũ với người bình thường đã khó, với người khiếm thị còn khó hơn rất nhiều. Mỗi người khiếm thị sẽ có những đặc điểm riêng nên tôi không dạy theo một giáo trình nào mà luôn đặt mình vào vị trí của mỗi học viên để hiểu và có phương pháp dạy hiệu quả nhất cho từng người. Bên cạnh đó, tôi phải chia nhỏ các động tác, chỉ dẫn cho học viên từng bước chân, miêu tả chi tiết từng chuyển động. Ban đầu khi nhận lớp tôi cũng gặp không ít khó khăn nhưng chính sự khao khát học hỏi và nỗ lực cố gắng của các học viên đã giúp tôi say sưa truyền dạy và gắn bó với lớp học.

Đến “lớp học khiêu vũ đặc biệt”, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được sự nhiệt huyết của thầy giáo cũng như các học viên. Những thanh âm của bước nhảy hòa cùng những bản nhạc đã tạo nên niềm vui, động lực cho những vũ công khiếm thị được hòa nhịp hơn với cuộc sống. Với những người khiếm thị, khiêu vũ chính là nguồn vui giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng. 

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Bên cạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, những năm gần đây, Hội Người mù tỉnh luôn hướng tới việc nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên. Và lớp học khiêu vũ chính là một trong những hoạt động nhằm mục đích đó. Thông qua lớp học này, chúng tôi mong muốn người khiếm thị sẽ có sân chơi bổ ích để rèn luyện sức khỏe cũng như động lực để tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Anh Đỗ Thanh Tuấn hướng dẫn từng động tác cho các học viên khiếm thị.


Thu Hoài