Chủ nhật, 24/11/2024, 06:02[GMT+7]

Hội thảo quốc tế về giá trị văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á

Thứ 6, 17/11/2023 | 14:44:04
1,332 lượt xem
Ngày 17/11, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á”.

Đại biểu tham quan cổ vật Óc Eo.

Đến dự hội thảo có 160 đại biểu đến từ các bộ ngành Trung ương, các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu, các viện trường; các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học trong và ngoài nước, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thông cáo báo chí tại hội thảo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội thông tin, với giá trị đặc biệt và tầm vóc lớn của văn hóa Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) , Nền Chùa (tỉnh Kiên Giang)".

Đây là đề án khoa học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, và là nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm quốc gia.

Mục tiêu chính của đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo nhằm thu thập tư liệu và làm sáng rõ hơn lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. 

Đồng thời nghiên cứu sâu hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và châu Á; cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Óc Eo trên vùng đất nam bộ, đặc biệt là phục vụ cho công tác nghiên cứu xây dựng nội dung Hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới. 

Sau gần 4 năm thực hiện nhiệm vụ (2017-2020), kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng như kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá và đồ gỗ cùng nhiều dấu tích sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trang sức bằng đá quý, thủy tinh và bằng vàng.

Đặc biệt, cuộc khai quật đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh.

Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học của đề án bao gồm nhiều phát hiện mới rất quan trọng, khẳng định Óc Eo - Ba Thê là trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm tôn giáo của văn hóa Óc Eo - Vương quốc Phù Nam.

Những phát hiện nêu trên cho thấy, với tầm nhìn hướng biển và mở rộng giao lưu với thế giới rộng lớn bên ngoài, Óc Eo – Ba Thê không chỉ đóng vai trò là một đô thị hay thành phố ven biển và mở rộng giao lưu với thế giới, một trung tâm buôn bán, trung chuyển thương mại giữa Đông Nam Á và Tây Nam Á mà còn thực sự là một trung tâm gia công, sản xuất hàng hóa lớn của Đông Nam Á.

Theo nhandan.vn

  • Từ khóa