Thứ 7, 23/11/2024, 23:02[GMT+7]

Sôi nổi sới vật hội Lạng ngày xuân

Thứ 6, 23/02/2024 | 17:22:21
6,817 lượt xem
Hội Lạng xã Song Lãng (Vũ Thư) diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày 11 tháng Giêng hàng năm có rất nhiều nghi lễ, hoạt động mang nét văn hóa độc đáo, riêng biệt, trong đó có thi đấu vật cổ truyền. Những sới vật truyền thống đầu xuân không chỉ giáo dục tinh thần thượng võ mà còn thể hiện ước nguyện mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa vụ tốt tươi của người dân địa phương.

Sới vật tại hội Lạng luôn thu hút đông đảo đô vật ở nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia.

Cụm di tích lịch sử đền, chùa Phúc Thắng, xã Song Lãng hay còn gọi là chùa Hội - đền Thượng là nơi thờ danh nhân văn hoá Đỗ Đô, một vị quốc sư có ảnh hưởng lớn dưới thời nhà Lý ở thế kỉ XI. Để tưởng nhớ tới công lao của vị quốc sư, hàng năm dân làng tổ chức lễ hội, mà người dân quen gọi là hội Lạng. Trong lễ hội có nghi thức rước kiệu thánh, lễ phật, cúng khoa, khai bát trí thực và thông hành tịnh trùy. Ngoài ra còn tổ chức tục lệ, trò chơi dân gian như làm cỗ chay, thi cờ tướng, chọi gà… Đặc biệt, những ngày diễn ra lễ hội có thi đấu vật truyền thống, một môn võ cổ truyền mang nét văn hoá đặc trưng của người Việt xưa nhưng đến nay ít nơi còn lưu giữ được. 

Các bậc cao niên ở đất Lạng cũng không rõ các sới vật có tự bao giờ trên quê hương mình, chỉ biết từ xa xưa hễ có hội làng thì sẽ có tục thi đấu vật. Tục truyền rằng môn đấu vật được hình thành ở đây từ thuở xa xưa không chỉ bởi dân làng yêu thích môn thể thao có tinh thần thượng võ này mà còn bởi người dân làng Lạng sớm có ý thức rèn luyện thể lực, luyện tập võ công, sẵn sàng góp sức cùng nhân dân cả nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Trải qua hàng trăm năm, các nét đẹp văn hóa của môn đấu vật truyền thống vẫn được gìn giữ và phát huy thông qua các kỳ lễ hội tại địa phương.

Sới vật truyền thống tại hội Lạng là một sân chơi đầu xuân ý nghĩa, độc đáo thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham gia, theo dõi mỗi độ xuân về. 

Vừa hoàn thành một trận đấu, đô vật Nguyễn Xuân Trung, 34 tuổi, thôn Trung, xã Song Lãng chia sẻ: Từ khi 10 tuổi, tôi đã được các ông, các bác là những đô vật giỏi của xã truyền dạy các kỹ thuật của môn vật. Tôi cùng với nhiều đô vật khác của địa phương đã từng tham gia, giao lưu tại nhiều giải đấu vật trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, công việc bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian tập luyện, thi đấu vật thường xuyên, nhưng hội làng đầu xuân năm nào tôi cũng tham gia. Tôi và các đô vật ở đây đều có suy nghĩ thắng hay thua không quan trọng mà mục đích là được hòa mình vào không khí lễ hội và gìn giữ môn đấu vật truyền thống của quê hương.

Đô vật nhí Trần Nhật Giang, 12 tuổi, thôn Hội, xã Song Lãng cho biết, được các ông, các bác trong làng tận tình truyền dạy, đến nay em đã nắm được các kỹ thuật cơ bản của môn đấu vật. Học môn đấu vật em thấy rất vui vì môn thể thao cổ truyền này giúp em rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí và tinh thần thượng võ. 

Sới vật ở hội Lạng hình tròn tượng trưng cho trời được đặt trước sân đền, chùa hình vuông tượng trưng cho đất; kết hợp với nhau tạo thành trời đất, âm dương vẹn toàn, thể hiện ước vọng mưa thuận gió hòa, mọi việc tươi tốt, hanh thông, trọn vẹn. Lệ làng quy định, các đô vật dự đấu, tranh tài tại sới vật có thể là người địa phương, nhưng cũng có thể là du khách đến dự lễ hội. Trước khi vào các kèo đấu, các đô vật sẽ thực hiện thủ tục xe đài thể hiện tinh thần thượng võ, tôn sư trọng đạo và giúp đô vật "khoe” thần thái, bản lĩnh của mình. Mỗi trận đấu vật cổ truyền ở đây thường có 2 hiệp, mỗi hiệp khoảng 3 phút. Đô vật có thể sử dụng nhiều kỹ thuật như uốn, cuộn, gồng... Đô vật nào hạ đo ván, làm cho đối thủ bị “lấm lưng trắng bụng” hoặc nhấc bổng toàn thân đối phương rời khỏi mặt đất là người chiến thắng. Trong lúc các đô vật thi đấu, có các hồi trống giục, cờ phất và khán giả vây kín quanh sới reo hò, cổ vũ khiến không khí thi đấu hết sức sôi nổi, rộn rã. 

Thi đấu vật cổ truyền tại hội Lạng đã trải qua hàng trăm năm tồn tại và được lưu giữ đến ngày nay.

Ở tuổi 72, lão đô vật Trần Văn Ngọ, thôn Hội, xã Song Lãng không lên sới thi đấu nữa nhưng kỳ lễ hội hàng năm, ông cùng với các đô vật khác và dân làng vẫn luôn sốt sắng chuẩn bị, tổ chức chu đáo hội thi đấu vật.

“Một mặt, chúng tôi quan tâm lan tỏa, thu hút lớp trẻ tham gia tập luyện môn vật cổ truyền của quê hương. Mặt khác, chúng tôi cố gắng duy trì, phát huy tổ chức các sới vật truyền thống đầu xuân tại lễ hội, thông qua đó gìn giữ và phát huy đấu vật truyền thống, nét văn hóa độc đáo của quê hương” , ông Ngọ chia sẻ.

Những đô vật thi đấu với tinh thần thượng võ và cầu nguyện năm mới sức khỏe, bình an đến muôn nhà, kết quả thi đấu dù thế nào vẫn luôn vui vẻ.

Những sới vật là sân chơi ý nghĩa, sôi nổi, điểm du lịch lý thú cho nhân dân, du khách trong những ngày đầu xuân, đồng thời thể hiện ước vọng muôn nhà mạnh khỏe, bình an, mùa màng tươi tốt của những người dân vùng đất Lạng, hương Mần từ bao đời qua.

Quỳnh Lưu