Thứ 7, 23/11/2024, 20:48[GMT+7]

Tục thờ thủy thần ở Thái Bình

Chủ nhật, 31/03/2024 | 23:23:01
4,315 lượt xem
Thái Bình ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển. Các làng ven sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, ven biển có tục thờ thủy thần, khi mở hội thường cuốn hút du khách trong và ngoài tỉnh về trảy hội. Tuy số hội làng ven sông, ven biển chiếm tỷ lệ không cao so với tổng số hội làng ở Thái Bình nhưng lại có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân Thái Bình. Ở những hội này thường thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, có hầu bóng, xóc thẻ và nhiều lễ thức tín ngưỡng dân gian cổ xưa.

Di tích lịch sử cấp quốc gia đền Đồng Bằng, xã An Lễ (Quỳnh Phụ). Ảnh tư liệu

Tục thờ thủy thần là một tín ngưỡng khá phổ biến của các thế hệ cư dân từ xưa đến nay thuộc lưu vực sông Hồng từ thượng nguồn cho tới hạ lưu. Phần đông các cộng đồng làng xã hai bên triền sông Hồng và ven các sông thuộc chi lưu của sông này đều có tục thờ thủy thần ở các đền, miếu; có khi còn phối thờ ở các đình, chùa của làng. Dường như càng xuôi về phía hạ lưu thì hiện tượng thờ thủy thần càng thấy đậm đặc hơn và dễ nhận biết hơn. 

Thái Bình là vùng đất có mạng lưới sông ngòi dày đặc nằm trong hệ thống sông Hồng với các chi lưu chằng chịt. Vốn đã lắm sông, nhiều bến lại có nhiều sông sâu, bến hiểm. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam còn lưu truyền nhiều câu ca gắn với những huyền thoại về vùng sông nước này như: “Nhất cao là núi Tản Viên/ Nhất sâu là nước Thủy Tiên, Ngô Đồng”; “Một trăm cửa bể phải nể cửa Tuần Vường”; “Cửa Vường phải nhường cửa Kem”; “Cửa Vường phải nhường cửa Cun”; “Sóng cửa Trà, ma cửa Hộ”... Những cửa sông này đều có đền thờ thủy thần. 

Đền Tam Tòa (đền Chòi) nằm kề biển, nay thuộc địa phận huyện Thái Thụy vốn nổi tiếng linh thiêng, từng thu hút cư dân nhiều vùng miền trong nước về lễ bái. Bản thần tích còn lưu tại đền cho biết về sự tích của vị thần này thật oai linh hiển hách có thể coi là sự tổng hợp về sức mạnh của các yếu tố tâm linh Phật - Lão và Thủy phủ. 

Một vị thủy thần được coi là có uy linh nhất cõi mà xưa nay vẫn được những người tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ tôn xưng là Vua Cha Bát Hải Động Đình được thờ ở đền Đào Động (đền Đồng Bằng). Là một trong những trung tâm hầu bóng hát văn ở vùng châu thổ sông Hồng, là nơi kết nối những người tín ngưỡng Tam, Tứ phủ từ đền quan hoàng ở Bảo Hà, Lào Cai đến quan lớn Tuần Tranh ở Hải Dương xuôi dòng vào chầu các quan hoàng ở phía Nam đồng bằng sông Hồng. Theo tâm thức hội hè của cư dân Bắc Bộ “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Hội đền Đồng Bằng vào ngày 20 tháng 8 (âm lịch) hàng năm với uy linh của vị thủy thần được coi là Vua Cha đã từng khiến tất cả những người có căn duyên theo hầu Tam phủ, Tứ phủ các nơi phải tìm về. 

Tương truyền, tại vùng đất nay thuộc địa phận các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Đông Hưng của tỉnh Thái Bình ngày nay có 10 vương tử (thập vị quan hoàng) đều hiển hách, anh linh. Vua cha Bát Hải lấy đất thực ấp vua ban gồm 8 trang của Đào Động chia cho 8 quan hoàng làm đất thang mộc, xây 8 phủ điện cho 8 quan hoàng từ quan Đệ Nhị đến ông Hoàng Mười. 

Dọc theo tuyến sông Hồng, phần chảy qua địa phận huyện Hưng Hà, tại ngã ba cửa sông Luộc có Thánh Mẫu Cửa Luộc, đến Mỹ Xá có đền thờ 5 vị thủy tướng nở ra từ trứng rồng, từng trấn giữ từ Bạch Hạc, Việt Trì sang Đà Giang qua cửa Luộc ra đến Biển Đông. 

Đoạn sông Hồng chảy qua địa phận huyện Vũ Thư có tới 7 đền thờ thủy thần: thôn Mỹ Bổng thờ Ả Rồng; thôn Trà Khê thờ Thủy Tề Long Vương, đệ nhất Long Vương, đệ nhị Long Vương; thôn Trà Động thờ Huệ tinh công chúa; làng Thuận Vi thờ Thủy Hải Long Quân; làng Văn Lâm thờ Bắc Hải, Mã Giang; làng Hoàng Xá thờ Hải Thanh, Hải Tĩnh; làng Thiện Tường thờ Đại Hải, Thủy Tề. Đoạn chảy qua huyện Kiến Xương có đền Mộ Đạo thờ Chàng Hai Long Vương. Huyện Tiền Hải là nơi con sông Hồng đổ về biển cả có tới 23 làng thờ Nam Hải Đại Càn Thánh Mẫu và Tứ vị Hồng Nương vốn là hoàng hậu của vua Tống và các hoàng phi, sau khi thất trận ở Nhai Sơn đã tuẫn tiết, xác trôi dạt về cửa Hương Càn, được vua Lê Thần Tông ban phong mỹ tự: Đại Càn quốc gia Nam Hải Đại vương, trông nom vùng sông biển của Việt Nam. Làng Trung Lang thờ Thập bát Long thần; làng Định Cư thờ Hải Tĩnh trấn; các làng Quân Bác, Bác Trạch và Phương Trạch thờ Hà Hải Linh, Đông Hải Linh, Tây Hải Linh với truyền thuyết kỳ vĩ: thân các ngài cao vạn trượng, đầu to trăm thước, lấy sông làm nhà, lấy biển làm vườn, hít thở ngàn dặm, phun nước vạn thùng, tựa có 800 ngôi sao phù giúp sáng rực. Thần quẫy đuôi thành dông bão, đứng hàng đầu trong các vị thủy thần… 

Dọc theo hệ thống sông Trà Lý, về phía hữu ngạn thuộc địa phận Vũ Thư, gần ngã ba Tuần Vường có làng Đức Hiệp thờ Thủy Hải Long Quân; thôn Khê Kiều thờ Vân Đồn, Hải Môn; thôn Đoan Túc thờ Dương Minh lang (cá, rồng quy phục); làng Lạc Đạo thờ Trương Long (con vua thủy thần Bố Hải); làng Phúc Khánh thờ Tây Hải. Phía tả ngạn thuộc địa phân huyện Hưng Hà có làng Xuân Đài thờ thần Tam Giang; thuộc địa phận huyện Đông Hưng có thôn Tràng Quan thờ thần Mang Công; thuộc địa phận huyện Kiến Xương có các làng An Trạch, Thụy Lũng thờ Thanh Kiều, Bạch Trúc, Tống Thánh; thôn Quân Hành thờ Mai Hoa công chúa, Thủy Tinh công chúa… xuôi dòng ra phía biển các làng cận kề hai bên cửa Trà Lý thuộc huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy đều thờ Nam Hải Đại Càn Thánh Mẫu. 

Các làng xã nằm trong lưu vực sông Diêm Hộ thuộc địa phận các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ cũng đậm đặc các đền miếu thờ thủy thần mang các vị hiệu: Sát Hải, Đông Công, Điển Công, Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba Long Vương, Nam Hải Tạo Lực, Cấp Cước, Bích Ba Đại vương, quan lớn Tuần Tranh… 

Có thể bước đầu lý giải về hiện tượng cư dân ở Thái Bình sùng tín việc thờ thủy thần là do nguồn gốc cư dân. Vốn những lớp cư dân đầu tiên về khai phá phần đông là từ phía thượng nguồn sông Hồng xuôi dòng về sống chủ yếu bằng nghề đánh cá trên sông biển, cuộc sống bấp bênh, đầy rẫy những rủi ro. Họ tin vào các lực lượng siêu nhiên như thần biển, thần sông có thể che chở hộ mệnh để họ có thể trụ vững ở môi trường sông nước hoang sơ và họ phải thường xuyên cầu xin các vị thủy thần làm thần hộ mệnh. Thế rồi, những lớp cư dân đến tiếp theo cứ theo đó mà lễ bái, sau dần tín ngưỡng này trở thành phong tục. Khi đã lên bờ định cư, lập thành trại ấp, những cư dân này vừa đánh bắt thủy hải sản vừa cấy lúa và gieo trồng ngũ cốc và đã ngược dòng tìm về làng cũ nơi họ sinh ra, nơi mà cha ông tổ tiên họ đã từng sống xin rước chân nhang thờ phúc thần về để thờ. Vốn là sự hợp cư “chín người mười làng” nên mỗi làng Việt ở vùng hạ lưu sông Hồng thường có nhiều phúc thần. Có làng thờ đến 14 - 15 vị phúc thần với những lai lịch khác nhau, trong đó tín ngưỡng thờ thủy thần vẫn được xem là mang tính thiêng sâu đậm. 

Mặt khác, cư dân đánh cá trên sông biển thường nay đây mai đó, giao lưu rộng, đâu có sẵn cá tôm thì họ tìm đến, đến cửa sông nào thì vào thắp hương thờ thủy thần ở cửa đó. Thêm nữa, trong truyền thống, phương tiện giao thông đi lại chủ yếu bằng đường sông. Người dân vùng hạ lưu sông Hồng thường dong buồm ngược dòng về kinh đô và các tỉnh miền ngược để giao lưu, buôn bán hoặc xuôi bè đưa vật liệu, hàng hóa về xuôi. Muốn cho việc ngược xuôi theo thủy đạo được buồm xuôi gió thuận, họ thường phải vào các bản đền thờ thủy thần ở giang biên, bến trấn để lễ bái. Chính vì thế mà đức tin của các vị thủy thần thường dễ truyền lan trong các cộng đồng dân cư. Để rồi, từ thuở hình thành đất đai và dân cư, tín ngưỡng thờ thủy thần đã ngự trị trong đời sống tâm linh không chỉ riêng với cư dân ngư nghiệp, cư dân nông nghiệp mà còn là đối với mọi tầng lớp cư dân ở Thái Bình.

NGUYỄN THANH 

Vũ Quý, Kiến Xương

  • Từ khóa