Thứ 7, 23/11/2024, 14:27[GMT+7]

Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Ninh Bình lan tỏa giá trị từ bi, trí tuệ và tri ân

Chủ nhật, 19/05/2024 | 10:30:21
2,104 lượt xem
Ngày 18/5, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình phối hợp chùa Bái Đính long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568-Dương lịch 2024.

Đông đảo tăng ni, phật tử tham dự Đại lễ.

Tới dự có lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, cùng hàng nghìn tăng ni, phật tử và nhân dân.

Đại lễ Phật đản - Lễ Tam hợp (lễ Vesak) là ngày lễ quan trọng nhất đối với tất cả những người con Phật, chào mừng 3 sự kiện quan trọng của đức Phật cũng như Phật giáo thế giới: Đức Phật đản sinh, đức Phật thành đạo và đức Phật nhập Niết bàn. Đại lễ đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết công nhận là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới.

Đây cũng là dịp để các tăng ni, phật tử thể hiện lòng biết ơn, kính trọng đối với đức Phật thông qua thực hành những giáo lý nhà Phật. Từ đó, sống có ý thức, trách nhiệm, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, hạnh phúc.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc thông điệp Phật đản, Phật lịch năm 2568 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình đọc diễn văn và ý nghĩa của Phật đản.

Theo đó, thông điệp và diễn văn Phật đản kêu gọi tất cả những người con Phật hãy tinh tấn thực hành những lời dạy vàng ngọc của đức Phật, lan tỏa tình yêu thương, đoàn kết, chung sống vị tha, kiến tạo thế giới hòa bình, an lạc; tịnh hóa tâm thức; chuyển hóa tam độc tham, sân, tuệ; nhất tâm cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt, hận thù tiêu tan.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hoàng Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết: Tỉnh Ninh Bình, là một trong những địa phương mà Phật giáo được truyền vào từ rất sớm, là nơi còn ghi nhiều dấu tích về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Năm 2014, sự kiện Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc tại Bái Đính, ra Tuyên bố Ninh Bình là dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng với bạn bè quốc tế.

Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh luôn phát huy tinh thần "Lục hòa, cộng trụ", hướng dẫn tăng ni, tín đồ phật tử sống theo giáo lý Phật giáo, chấp hành pháp luật nhà nước, làm tròn nghĩa vụ công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình mong muốn, thời gian tới, Ban Trị sự, các vị chư tôn đức, tăng ni và đồng bào Phật giáo Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân", phương châm "Đạo pháp Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới; với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và mỗi tăng ni, tín đồ Phật giáo sẽ cụ thể hóa Thông điệp Phật đản của Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của Phật giáo trong đời sống xã hội. Qua đó, góp phần cùng với các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh, xây dựng Ninh Bình ngày càng phát triển, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Các đại biểu thực hiện nghi thức tắm Phật tại Đại lễ Phật đản.

Trong không khí thành kính, trang nghiêm, các đại biểu cùng các tăng ni, phật tử tham gia các nghi lễ Phật đản truyền thống như: dâng hương, cầu nguyện, tắm Phật… với mong muốn quốc thái, dân an, mọi người nhiều sức khỏe. 

Theo nhandan.vn

  • Từ khóa