Thứ 7, 23/11/2024, 10:31[GMT+7]

Chào mừng ngày Gia đình Việt Nam 28/6 Gia đình văn hóa: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 5, 27/06/2024 | 20:48:30
26,188 lượt xem
Là nội dung nòng cốt của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, hơn 20 năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, dành nguồn lực để triển khai thực hiện. Với 93,2% gia đình trên địa bàn tỉnh đạt danh hiệu gia đình văn hóa vào năm 2023, trong đó có những gia đình nhiều năm liên tiếp giữ vững danh hiệu này đã cho thấy công tác xây dựng gia đình văn hóa không chỉ nâng cao về số lượng mà chất lượng, hiệu quả thực chất của phong trào đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương của gia đình ông Đỗ Văn Nhuận, xã Thụy Văn (Thái Thụy).

Đóng góp xây dựng quê hương 

Về thôn Văn Tràng, xã Thụy Văn (Thái Thụy) hỏi thăm gia đình ông Đỗ Văn Nhuận không ai không biết. Nay đã ở tuổi 88, ông Nhuận có 8 người con, tất cả đều là đảng viên, trong đó có những người thành đạt, giữ chức vụ quan trọng. Có lối sống giản dị, hòa đồng, gia đình ông được bà con làng xóm tin yêu, quý trọng. Công tác, sinh sống ở mọi miền đất nước nhưng con cháu ông Nhuận luôn hướng về quê hương, chung tay góp sức xây dựng thôn Văn Tràng và xã Thụy Văn ngày thêm đổi mới.

Là con cả của ông Nhuận, ông Đỗ Văn Nhương sau khi nghỉ hưu đã phát huy chuyên môn kỹ sư xây dựng, thường xuyên về quê kết hợp cùng chi bộ, chính quyền thôn xây dựng các công trình công cộng của làng phục vụ tín ngưỡng, phát triển phong trào văn hóa, thể thao, không chỉ tạo diện mạo mới cho làng quê mà còn thiết thực nâng cao đời sống tin thần của nhân dân. 

Ông Nhương chia sẻ: Là anh cả trong gia đình nên tôi luôn hướng về quê hương, gia đình lớn của mình. Tôi luôn tâm niệm “Uống nước nhớ nguồn”, 27 năm sinh sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, đều đặn cứ cách 1 năm tôi lại đưa cả gia đình về quê ăn tết bởi tôi luôn nghĩ chính bản thân mình phải là tấm gương, là sợi dây gắn kết để các con, các cháu noi theo, hướng về quê hương, tổ tiên, dòng tộc. Sau khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian dành cho mong muốn của bản thân, tôi về quê thiết kế chỉ đạo thi công những công trình nhà thờ họ, nhà tiếp linh, cổng làng, khuôn viên đầu làng, nhà thờ mẫu, cải tạo tu sửa tòa tam bảo chùa Văn Tràng, trung tâm văn hóa thể thao thôn. Tổng số vốn đầu tư cho các công trình này khoảng 15 tỷ đồng là tiền xã hội hóa do nhân dân đóng góp, con em xa quê gửi về, trong số đó cũng có một phần lớn do tôi trực tiếp vận động anh em trong gia đình, bạn bè và những doanh nghiệp có tâm huyết với quê hương cùng công đức xây dựng. Toàn bộ chi phí tư vấn thiết kế, giám sát, chỉ đạo thi công khoảng 300 triệu đồng tôi hiến tặng quê hương. 

Gương mẫu trong hoạt động cộng đồng 

Là một trong những gia đình có uy tín với làng xóm ở thôn Xuân La, xã Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ), ông Trần Văn Phơ và bà Nguyễn Thị Nõn thường xuyên tham gia công tác hòa giải tại địa phương, nhiều năm liền được bình xét là gia đình văn hóa tiêu biểu ở khu dân cư. Ông bà luôn tự hào về 2 con gái của mình bởi vượt qua muôn vàn khó khăn, quyết tâm không sinh thêm con thứ ba, ông bà đã nuôi nấng, dạy dỗ các con khôn lớn, trưởng thành, không chỉ chăm lo cho gia đình mà còn nhiệt huyết với hoạt động xã hội. Năm 2017, từ niềm đam mê của bản thân cùng sự ủng hộ, khích lệ của bà con trong xóm ngoài làng, ông Phơ đứng ra thành lập CLB dân vũ thể thao thôn với sự tham gia của vợ và con gái trong vai trò những thành viên tích cực. Đến nay, CLB ngày càng thu hút đông hội viên trong thôn, xã tập luyện hàng ngày, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nông thôn. Yêu thích tiếng hát chèo, mong muốn góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống của địa phương, ông Phơ là thành viên tiêu biểu trong các hoạt động tập luyện, biểu diễn của CLB văn nghệ xã Quỳnh Xá. Tích cực thúc đẩy các hoạt động văn nghệ, thể thao trong cộng đồng dân cư, ông đã đảm nhận vai trò đạo diễn nhiều chương trình văn nghệ của lứa tuổi học sinh trên địa bàn xã và tham gia các CLB bóng bàn, bóng đá, hội sinh vật cảnh của xã. Năm 2016, ông Phơ vinh dự được trao tặng kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Ông chia sẻ: Phát triển kinh tế, tôi cùng vợ và các con cháu trồng, chăm sóc cây hương bài - nguyên liệu làm hương bài truyền thống. Hàng năm, gia đình tôi cung cấp ra thị trường hàng chục vạn hương, được mọi người tin dùng. Ngoài ra, chúng tôi duy trì diện tích ao nuôi cá đủ cung cấp cho cuộc sống gia đình và tạo nguồn thu nhập đáng kể. 

Ông Trần Văn Phơ và bà Nguyễn Thị Nõn, xã Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ) chăm sóc vườn cây, phát triển kinh tế gia đình. 

Ông Trần Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Xá đánh giá: Gia đình ông Phơ gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng và lao động, sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. 

Phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định 

Ý thức tự giác của các gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa còn được thể hiện qua phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo. Trường hợp của gia đình ông Phạm Ngọc Hoàng, bà Hà Thị Loan, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) là một điển hình. Lập nghiệp nghề may từ năm 1999, nhờ bảo đảm chất lượng, uy tín trên thị trường nên cơ sở của gia đình ông từng bước được mở rộng. Với tâm niệm “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, vượt qua những khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn, đầu ra sản phẩm, gia đình ông đến nay đã nâng cấp từ tổ may lên xưởng may với trên 30 công nhân sản xuất khép kín, lượng hàng hóa tiêu thụ lớn, thu nhập của công nhân bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Tạo công việc, thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương, vợ chồng ông mong muốn mở rộng cơ sở sản xuất, góp phần hình thành làng nghề, xã nghề tại quê hương. 

Ông Hoàng cho biết: Chúng tôi xây dựng cơ sở sản xuất từ năm 2007, đến năm 2015 nâng cấp lên xưởng may. Hiện nay, tại địa phương có nhiều mô hình phát triển theo hướng sản xuất này, từ đó đã tạo thêm việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế địa phương. 

Vợ chồng ông Hoàng quyết tâm nuôi dạy 2 con gái nên người, không sinh thêm con thứ ba. Hiện con gái lớn đang là sinh viên đại học tại Hà Nội, con gái thứ hai là học sinh tiểu học. 

Ông Đỗ Xuân Rính, Trưởng thôn Đông Hòe, xã Đồng Tiến chia sẻ: Đối với bà con trong thôn, gia đình ông Hoàng được tin yêu, bản thân ông không chỉ phát triển kinh tế mà còn tham gia tổ hòa giải của thôn, gắn bó, có trách nhiệm với khu xóm. Khi có mâu thuẫn xảy ra ở gia đình nào trong khu dân cư, ông đều là thành viên đến hòa giải, khuyên nhủ để mọi người đoàn kết, thương yêu nhau. Gia đình ông Hoàng đã nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu gia đình văn hóa, được các cấp khen thưởng. 

“Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn”, từ tấm gương của những gia đình văn hóa tiêu biểu, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Với những việc làm thiết thực và ý nghĩa, các gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy vai trò trong xây dựng đời sống nông thôn mới tại mỗi cộng đồng dân cư, đồng thời góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Xưởng may của gia đình ông Phạm Ngọc Hoàng, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. 

Tú Anh