Thứ 5, 14/11/2024, 03:49[GMT+7]

Lung linh sắc màu văn hoá tại Festival Thổ cẩm Lào Cai 2024

Thứ 3, 12/11/2024 | 08:25:33
562 lượt xem
Festival Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa thổ cẩm miền sương mây", mang đến nhiều hoạt động văn hóa thú vị, phục vụ du khách trong và ngoài nước.

"Festival Thổ cẩm Lào Cai – Sắc màu văn hóa, được tổ chức vào mùa mây đẹp nhất trong năm tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Ảnh: Song Hà

Thổ cẩm không chỉ là trang phục mà còn là văn hóa và sản phẩm du lịch đặc biệt của vùng đất biên cương của Tổ quốc, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Suốt chiều dài lịch sử, Lào Cai luôn vững vàng ở thế đứng tiền tiêu, 25 dân tộc anh em chung sống, sáng tạo, xây dựng và phát triển vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Thổ cẩm, trang phục, lễ hội, âm nhạc, múa, nghệ thuật phong phú, đặc sắc. Cùng với mùa vàng ruộng bậc thang, cùng với hương rừng gió núi, cùng với sương mù bay trắng bốn mùa, không ai không thương nhớ, một lần ngẩn ngơ vì những trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu của đồng bào các dân tộc.

Để giữ gìn bản sắc, phát huy thế mạnh văn hóa, du lịch, Lào Cai đề xướng và là đơn vị được giao chủ trì tổ chức, xây dựng Festival Thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu của tỉnh Lào Cai, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó phát triển các sản phẩm thổ cẩm để đáp ứng nhu cầu du khách.

Lung linh sắc màu văn hoá tại Festival Thổ cẩm Lào Cai 2024 - Ảnh 1.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai phát biểu tại chương trình. Ảnh: Song Hà

Đây là một trong những hoạt động được triển khai theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, minh chứng cho sự quyết tâm triển khai thực hiện Đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" và dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" đồng thời thực hiện mục tiêu tại các Nghị quyết, Đề án, chiến lược phát triển văn hóa, du lịch giai đoạn 2020 – 2025 của Tỉnh. Với mục tiêu năm 2024 đón 8 triệu lượt khách, trong đó 700.000 khách quốc tế. Đến 2025 đón 10 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 40.000 tỷ đồng.

Festival Thổ cẩm Lào Cai – Sắc màu văn hóa còn là một trong những hoạt động cụ thể của tỉnh Lào Cai nhằm thực hiện kích cầu du lịch; hiện thực hóa kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, các tỉnh luân phiên tổ chức để xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch Festival tinh hoa Tây Bắc theo sáng kiến của tỉnh Lào Cai; nhằm tôn vinh tinh hoa văn hóa các dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, từng bước trở thành sản phẩm du lịch của Vùng với thương hiệu độc đáo mang tầm quốc gia, quốc tế.

Festival Festival Thổ cẩm Lào Cai lần này được xem là chương trình nghệ thuật đặc sắc kết hợp trưng bày sản phẩm và thao diễn nghề độc đáo nhằm tạo ấn tượng mạnh mẽ tới du khách để quảng bá thu hút du khách đến thăm quan và giới thiệu sắc màu thổ cẩm của Lào Cai, đặc biệt sau ảnh hưởng của bão số 3.

Festival diễn ra trong các ngày từ 8 đến 10/11/2024 tại số 2 Fan Si Pan; gồm không gian giới thiệu và trải nghiệm văn hóa, thổ cẩm tỉnh Lào Cai. Đặc biệt tập trung vào thổ cẩm và trang phục 5 dân tộc tiêu biểu ở Sa Pa và Lào Cai: Mông, Dao, Xa phó, Tày và Giáy.

Lung linh sắc màu văn hoá tại Festival Thổ cẩm Lào Cai 2024 - Ảnh 2.

Lung linh sắc màu văn hoá tại Festival Thổ cẩm Lào Cai 2024 - Ảnh 3.

Lung linh sắc màu văn hoá tại Festival Thổ cẩm Lào Cai 2024 - Ảnh 4.

Lung linh sắc màu văn hoá tại Festival Thổ cẩm Lào Cai 2024 - Ảnh 5.

Màn trình diễn trang phục thổ cẩm của các dân tộc Xá Phó, Tày, Giáy, Mông. Dao Đỏ. Ảnh: Song Hà.

Đặc biệt, ngoài những quy trình và sản phẩm mang nét chung, Festival chú trọng giới thiệu nghệ thuật vẽ hoa văn trên sáp ong trên vải lanh được xem như tuyệt kỹ thổ cẩm của người Mông. Qua họa tiết trang trí, họ gửi gắm khát vọng cháy bỏng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2023; Thổ cẩm thêu tay rất độc đáo của phụ nữ Dao đỏ ở Sa Pa, bởi các hoa văn đặc sắc và màu sặc sỡ, mang ý nghĩa tượng trưng cho đời sống của người dân tộc với mong muốn "Mưa thuận gió hòa", "An cư lạc nghiệp".

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ Sa Pa được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia năm 2020; Thẩm mỹ và tính mỹ thuật trong Thổ cẩm người Xa Phó rất cao, cho thấy được khát vọng sống mãnh liệt được người dân bộc lộ, thể hiện thông qua bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Xa Phó được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia năm 2014. Quy trình sản xuất thổ cẩm của các dân tộc ở Sa Pa cũng được giới thiệu thực hành trực quan. Chương trình nghệ thuật Sa Pa Thổ cẩm miền sương mây với sự tham gia các bộ trang phục ứng dụng từ thổ cẩm các dân Mông, Dao đỏ, Xa Phó, Tày và Giáy của các nhà thiết kế quan thuộc ở Hà Nội và Sa Pa, Lào Cai.

Lung linh sắc màu văn hoá tại Festival Thổ cẩm Lào Cai 2024 - Ảnh 6.

Lung linh sắc màu tại Festival Thổ cẩm Lào Cai năm 2024 . Ảnh: Song Hà

Festival Thổ cẩm Lào Cai – Sắc màu văn hóa, chủ đề "Sa Pa thổ cẩm miền sương mây'' là chuỗi hoạt động thực hiện kế hoạch xúc tiến du lịch sau ảnh hưởng của bão số 3, đồng thời góp phần khẳng định thế mạnh giàu bản sắc và tôn vinh tinh hoa văn hóa của các dân tộc Lào Cai, tạo sản phẩm kinh tế, văn hóa, du lịch độc đáo, quảng bá và thu hút du khách đến với Sa Pa, Lào Cai - miền sương mây và trải nghiệm sắc màu thổ cẩm các dân tộc.

Theo tháng năm, Sa Pa, miền sương mây và sắc màu thổ cẩm, lưu luyến khách muôn phương.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa