Thứ 3, 19/11/2024, 01:29[GMT+7]

Viết cho các em Bà tôi

Thứ 2, 04/08/2014 | 08:06:23
1,743 lượt xem
Bà tôi bán quán, một cái quán nhỏ dựa lưng vào trái nhà quay mặt ra đường làng. Quán của bà bán đủ thứ hàng quà, tuổi thơ của tôi nhiều kỷ niệm với cái quán đó.

Ảnh minh họa

Bịch…bịch…bịch…

Mới 3 giờ sáng tiếng cối giã trầu của bà tôi đã vang lên trong đêm, từng tiếng, từng tiếng một chắc nịch, dứt khoát. Nghe tiếng cối phải đoán người có cánh tay khỏe mạnh lắm. Nhưng không, bà tôi đã ngoài tám mươi rồi, dáng người gầy gò, hai cánh tay khẳng khiu, cái lưng còng rạp, hai má thì móm mém, nhăn nheo, chỉ có đôi mắt rất tinh và đôi tai thính. Bà thường đi ngủ rất muộn nhưng lại dậy rất sớm. Bà bảo, “bà già rồi, khó ngủ lắm, dậy phải ăn ngay miếng trầu không thì nhạt miệng…”.

 Chả là bà tôi rụng hết răng nên trầu để cả miếng bà không nhai được. Ngày trước bà cũng có một cái cối giã trầu bằng đồng chỉ cho vừa miếng trầu vào đó, có một cái dùi cứ thế xoay qua, xoay lại đến khi miếng trầu dập ra. Cái cối bằng đồng do được xoa nhiều lần nên sáng bóng, chợt nhìn ai cũng nghĩ đó là vàng, thế rồi bị mất. Bà dùng cái cối bằng đất nung, cái chày bằng gỗ giống như cái chày giã cua nhưng nó nhỏ hơn để giã trầu và từ đó mỗi lần bà ăn trầu là tiếng cối lại vang lên.

Bà tôi bán quán, một cái quán nhỏ dựa lưng vào trái nhà quay mặt ra đường làng. Quán của bà bán đủ thứ hàng quà, tuổi thơ của tôi nhiều kỷ niệm với cái quán đó. Hàng ngày ngoài giờ đi học tôi lại ở bên bà trông quán, bán hàng. Những lúc vắng khách bà kể chuyện ngày xưa cho tôi nghe. Lúc đó đôi mắt bà lim dim, miệng nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng lại đưa hai ngón tay lên vuốt hai bên mép, giọng chậm rãi làm tôi nghe mà sốt cả ruột, cứ liên tục hỏi “thế rồi sao nữa hả bà”. Bà không trả lời câu hỏi của tôi mà cứ thủng thẳng kể đến khi hết câu chuyện.

 Bà mượn được quyển kinh Phật chép tay của một bà cùng hội đi chùa về để học kinh. Bà không biết chữ nên bảo tôi đọc cho bà nghe, bà học truyền miệng mà thuộc rất nhiều bài kinh. Ðến giờ tôi chỉ còn nhớ được mấy câu.

 Thỉnh thoảng tôi nhổ tóc sâu cho bà. Bà bảo “Con cứ nhổ được 10 cái tóc sâu bà thưởng cho một cái kẹo ớt”. Kẹo được làm bằng mạch nha, bên ngoài bọc đường kính, kẹo có hình quả ớt nên trẻ con chúng tôi gọi là kẹo ớt. Ngày đó cơm chỉ có hai bữa chính, bữa sáng vẫn còn phải ăn khoai nên kẹo thì hiếm lắm. Nhìn cái kẹo ớt sọc đỏ, sọc trắng xen nhau trong cái hộp nhựa, cái cảm giác được cầm nó liếm liếm tận hưởng vị ngọt của đường khiến tôi thèm nhỏ dãi.

Ảnh minh họa

Tuổi thơ chúng tôi đứa nào cũng ham chơi, chỉ mấy trò nhảy dây, chơi chuyền, đánh đáo… nhưng chẳng bao giờ thấy chán. Chỉ cần nghe tiếng mấy đứa bạn í ới dưới bụi tre bên kia ngõ là tôi nhót đi ngay. Nhiều hôm mải chơi quên cả việc, bà phải đóng cửa quán lại đi tìm. Nghe tiếng bà gọi, tôi thập thò ra ngõ xem bà đi đến đâu rồi. Nhìn từ xa, dáng bà còng rạp, tay cầm cái roi tre, cái roi lúc giơ phía trước, lúc kéo đằng sau. Bà đi ngõ này, tôi chạy sang ngõ kia. Lúc bà về đến nhà tôi đã đang vo gạo nấu cơm, cái mặt cứ tảng lờ như không có chuyện gì… Bà cầm roi chỉ để dọa chứ chưa bao giờ bà đánh tôi cả.

 Hàng ngày tôi phải đảm nhiệm hai bữa cơm. Buổi sáng đi học về nấu cơm, buổi chiều thêm việc băm bèo, nấu cám nữa. Ngày đó không có điện, cũng không có bếp than, bếp ga như bây giờ, tất cả đều đun bằng rơm, rạ, vừa khói, vừa lâu, nước mắt, nước mũi ướt nhèm, mặt mũi nhọ nhem nên tôi ngại việc lắm. Trưa đi học về, bụng thì đói, chẳng có gì lót dạ lại phải vào bếp nấu cơm tôi phụng phịu, vùng vằng mãi rồi mới đi làm. Bà bảo: “Ðằng nào con cũng phải làm mà sao cứ vùng vằng thế nhỉ… Có gạo mà nấu cơm là sướng lắm rồi đấy!”.

Ý nghĩ về bà, về tuổi thơ cứ miên man đến khi cơn mưa đổ xuống sầm sập, chớp nhoang nhoáng, tôi về đến nhà quần áo ướt sũng. Xung quanh, hàng xóm đã lên đèn, chỉ còn nhà tôi vẫn tối om. Bụng đói cồn cào, tôi pha vội gói mì tôm ăn cho qua bữa. Thu dọn xong, tôi đi ngủ sớm. Nhưng quái lạ, hôm nay không sao mà ngủ được như mọi ngày. Ký ức ùa về xua tan giấc ngủ. Tôi thấy nhớ nhà, nhớ những ngày còn sống trong sự chở che của bố mẹ. Tôi thấy mình hoang phí khi hưởng thụ những cái có sẵn như một đặc ân của cuộc sống mà không hiểu rằng bố mẹ tôi phải khó nhọc, vất vả mới có được. Một mình tôi giữa chốn thị thành bon chen, cuộc sống chẳng dễ dàng gì. Bà nói đúng, làm thế nào để những thứ của cải vật chất ấy về đến nhà mình mới khó, mới vất vả, còn có sẵn đấy mà chế biến, hưởng thụ nó thì dễ quá rồi. Giờ con mới hiểu hết được lời dạy của bà năm xưa thì bà đã đi xa. Bà ơi!

Lê Lan

(Ðài Truyền thanh Thái Thụy)

  • Từ khóa