Xây vững tổ chức, đẩy mạnh hoằng pháp, đưa đạo vào đời
Hiện nay, toàn tỉnh có 869 ngôi chùa, trong đó có 25 chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 138 chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trên 500 ngôi chùa đã có tăng ni trụ trì và kiêm trụ trì. Tổng số tăng ni hiện có là 578 vị đang tu học và hoạt động Phật sự, trong đó có 97 vị tỳ khiêu, 423 vị tỳ khiêu ni, 30 vị sa di, sa di ni và 28 hình đồng đang được các thầy nghiệp sư dẫn dắt tu tập tại trụ xứ.
Nhằm ổn định tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng cho đồng bào Phật tử, trong nhiệm kỳ 2012 - 2017, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ và ra quyết định bổ nhiệm cho 134 vị về trụ trì và kiêm trụ trì các chùa trong tỉnh. Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cũng tạo mọi điều kiện giúp đỡ, tiếp nhận các vị tăng ni từ tỉnh ngoài về địa phương sinh hoạt Phật sự trong tỉnh theo đúng quy định của Giáo hội và pháp luật hiện hành. Ban Tăng sự phối hợp với ban trị sự Phật giáo các huyện, thành phố, chính quyền địa phương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ tiếp nhận những thiện nam, tín nữ có thiện căn xuất gia.
Để kế thừa sự nghiệp của các bậc tiền bối và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phật sự mới, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã quan tâm giúp đỡ cho nhiều tăng ni đăng ký dự tuyển thi vào học viện, các trường cao đẳng, trung cấp Phật học để nâng cao trình độ kiến thức Phật học và kiến thức văn hóa xã hội. Với tinh thần nhập thế, các tăng ni, Phật tử luôn tinh tấn hoạt động Phật sự trong các lĩnh vực, trên tinh thần phát huy đạo nghiệp đồng nghĩa với việc xây dựng và phát triển đất nước; dù ở bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội cũng luôn làm tốt nghĩa vụ của mình, sống tốt đời đẹp đạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
Xác định “Hoằng pháp lợi sinh” là mục đích cao cả của người con Phật, vì vậy, trong những năm qua, công tác hoằng pháp được tăng ni trong tỉnh đặt lên hàng đầu. Các tăng ni luôn cố gắng tu tập hành trì, giáo hóa chúng sinh trên con đường giải thoát. Hàng tháng, hàng tuần, các chùa đều tổ chức giảng pháp cho Phật tử dưới nhiều hình thức và chương trình khác nhau như thụ bát quan trai, truyền thụ tam quy ngũ giới, tổ chức các đạo tràng chuyên tu, các lớp học giáo lý. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của tăng ni, hoạt động của đồng bào Phật tử ngày càng đi vào nền nếp và quy củ. Bên cạnh giảng pháp, các tăng ni còn hướng dẫn Phật tử thực hiện và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Việc tổ chức các khóa tu cho thanh thiếu niên Phật tử ngày càng được nhân rộng tại nhiều chùa, nhất là vào mùa hè và các ngày thứ bảy, chủ nhật, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo lớp trẻ, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 10 chùa tổ chức khóa tu mùa hè cho lứa tuổi từ 10 - 25, mỗi khóa từ 200 - 700 em. Trong các khóa tu mùa hè, ngoài những bài học về đạo làm người, các bạn trẻ còn có cơ hội tiếp nhận được những giáo lý cơ bản của đạo Phật, từ đó biết sống có đạo đức, biết sống trí tuệ, giàu lòng từ bi và sẵn lòng hy sinh lợi ích bản thân để phụng sự cho xã hội, cho đất nước. Đó chính là mục đích cao cả nhất mà khóa tu và các thầy hướng đến, góp phần vào sự nghiệp trồng người của đất nước.
Khóa tu dành cho thanh thiếu niên tại chùa Từ Xuyên, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình.
Nhờ thấm nhuần tinh thần từ bi cứu khổ, cứu nạn của đức Phật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thời gian qua, các tăng ni, Phật tử trong tỉnh luôn thể hiện tấm lòng từ tâm, tích cực tham gia công tác từ thiện như: tham gia các quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, quỹ vì người nghèo, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, người khuyết tật; tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó; xây nhà tình nghĩa… Ngoài ra, mỗi khi có thiên tai, lũ lụt, tăng ni, Phật tử trong tỉnh đã kịp thời quyên góp tiền của trực tiếp tới thăm hỏi, giúp đỡ người dân ở vùng bị thiên tai. 5 năm qua, các tăng ni, Phật tử trong tỉnh đã tham gia công tác từ thiện xã hội hơn 5 tỷ đồng.
Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” do Ủy ban MTTQ tỉnh phát động, đến nay 100% chùa trong tỉnh đã chủ động được nguồn lương thực phục vụ cuộc sống hàng ngày, một phần tích lũy tạo nguồn kinh phí cho việc tu bổ, sửa sang cảnh chùa, một phần dành cho việc tham gia các hoạt động từ thiện. Nhiều chùa đã sắm được các phương tiện phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, học tập, đi lại, thông tin nghe nhìn. Đó là những việc làm cụ thể của giới tăng ni tạo ra nguồn lực kinh tế hữu ích cho chùa, cho xã hội và góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, giúp chốn thiền môn ngày càng khang trang, sạch đẹp, phù hợp với xu thế phát triển văn hóa, văn minh của xã hội.
5 năm qua, toàn tỉnh có 1.908 lượt chùa được công nhận là “Chùa cảnh 4 gương mẫu”; có 256 chùa đạt “Chùa cảnh 4 gương mẫu” liên tục 5 năm liền; 197 tăng ni được UBND, ủy ban MTTQ các cấp tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cùng toàn thể tăng ni, Phật tử quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VIII đề ra, góp phần hiệu quả cùng các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân xây dựng Thái Bình sớm trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác Hồ hằng mong.
Ông Phan Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Với tinh thần sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thời gian qua, giới tăng ni trong tỉnh luôn thể hiện trách nhiệm của người công dân, trách nhiệm của người tu sĩ trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, luôn là tấm gương để tín đồ Phật tử noi theo. Trong phong trào xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” do Ủy ban MTTQ tỉnh phát động, các vị tăng ni là những nhân tố tích cực cùng ban công tác mặt trận khu dân cư tuyên truyền, vận động các tín đồ Phật tử tham gia thực hiện. Hàng năm toàn tỉnh có khoảng 60 - 65% chùa đạt “Chùa cảnh 4 gương mẫu”. Phong trào đã góp phần tăng cường sự hòa hợp trong nội bộ tăng ni; củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân, động viên tín đồ, nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo từ thiện, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thượng tọa Thích Thanh Định, Phó ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trụ trì chùa Từ Xuyên, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) Thời gian qua, công tác hoằng pháp luôn được nhà chùa xác định là nhiệm vụ quan trọng đặt lên hàng đầu. Nhà chùa thường xuyên tổ chức nhiều khóa tu cho các đối tượng khác nhau để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể đến chùa tu học Phật pháp. Chủ nhật hàng tuần nhà chùa đều có khóa tu dành cho tất cả mọi người nhằm giúp mọi người hướng thiện, biết ăn chay, niệm Phật, từ bỏ điều ác. Mỗi tháng nhà chùa còn tổ chức một ngày tu cho người khuyết tật, người tâm thần... Đối với giới trẻ, nhà chùa tổ chức khóa tu mùa hè cho 2 lứa tuổi khác nhau từ 9 - 14 tuổi và từ 15 - 25 tuổi, mỗi lần tổ chức khóa tu quy mô khoảng 700 người, thông qua đó nhằm giúp cho các em hiểu được luật nhân quả trong đạo Phật, từ đó xa rời những tệ nạn xã hội, biết hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, có những ứng xử và hành động tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Có thể nói, Phật giáo với tinh thần từ bi hỉ xả, hoạt động hoằng pháp lợi sinh của Phật giáo đã trở thành chỗ dựa về mặt tinh thần cho các bạn trẻ trong hoàn cảnh xã hội đầy biến đổi hiện nay. Ngoài ra, nhà chùa còn đặc biệt quan tâm đến công tác từ thiện nhân đạo; thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên những bệnh nhân phong, bệnh nhân tâm thần; tặng quà gia đình chính sách, quà tết cho đồng bào nghèo… với kinh phí mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Sư cô Thích Diệu Trang, chùa Nam Hải, xã Nam Hải (Tiền Hải) Người hoằng pháp đem giáo pháp giảng dạy cho giới trẻ không phải với mục đích hướng các em trở thành nhà nghiên cứu Phật học mà giúp giới trẻ học Phật tự thực tập khả năng tư duy nhạy bén, linh hoạt để có thể nhìn thẳng vào bản chất sự sống, để có thể thấy rằng đâu là hạnh phúc chân thật. Cho nên, những người hoằng pháp thường hướng dẫn cho thanh thiếu niên nhận biết rõ năng lực và sở thích của bản thân để tìm ra được con đường mình phải đi và có thể bước vững chắc đi tới thành công; an định thân tâm vào hoàn cảnh hiện thực để đối mặt, tiếp nhận nó và cải thiện sai lầm trong cuộc sống, hướng về con đường toàn mỹ; xác định được phương hướng đúng đắn cho đời mình; không thể chỉ vì truy cầu danh lợi, quyền thế, địa vị mà sống. Mục đích, giá trị của cuộc sống phải là an vui, hạnh phúc cho bản thân và xã hội. Đó là những điều mà các tăng ni trong tỉnh muốn đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Ông Nguyễn Hữu Khang, thôn Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất (Vũ Thư), Phật tử chùa Keo Thời gian qua, nhà chùa thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực ý nghĩa như tổ chức các khóa tu, lớp học giáo lý, lễ cầu siêu, chúc thọ các cụ cao niên, hiến máu, phát tâm đi ủng hộ đồng bào gặp thiên tai… thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các tín đồ Phật tử Hội Tập Phúc chùa Thần Quang của hai xã Vũ Tiến và Duy Nhất (Vũ Thư), tạo dựng tình cảm tốt đẹp trong lòng quần chúng và các cấp chính quyền. Là một tín đồ Phật tử, tôi thường xuyên tham gia các hoạt động này. Hiện nay, Hội Tập Phúc chùa Thần Quang có 1.401 hội viên. Hầu hết hội viên đều thấm nhuần đạo lý nhà Phật, đồng thời chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Mỗi lần lên chùa giảng pháp, thầy chùa thường xuyên nhắc nhở các tín đồ Phật tử gương mẫu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, gương mẫu tham gia công tác xã hội, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đưa đạo Phật thực sự đi vào cuộc đời. |
Đào Quyên
Tin cùng chuyên mục
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Khánh thành ngôi chính điện chùa Vĩnh Gia 17.03.2024 | 20:09 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
- Đại lễ giỗ tổ họ Trần Việt Nam 23.02.2024 | 15:53 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh