Thứ 7, 23/11/2024, 10:42[GMT+7]

Đưa đam mê đến gần nhau

Thứ 2, 18/09/2017 | 09:02:27
980 lượt xem
Bỏ lại những ồn ào nơi phố thị, căn nhà số 180 phố Lê Đại Hành (thành phố Thái Bình) dường như không lúc nào thiếu vắng những âm thanh của tiếng đàn ghi-ta du dương, bay bổng. Đây là nơi có một lớp học đặc biệt dành cho những người yêu thích loại nhạc cụ vốn được ví như “hoàng tử của đường phố”. Tuy mỗi người có một công việc riêng, hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau nhưng họ gặp nhau bởi có chung một niềm đam mê với âm nhạc.

Anh Mạnh hướng dẫn học viên luyện đàn.

Lớp học ghi-ta Thái Bình đi vào hoạt động đến nay đã được 3 tháng do vợ chồng anh Bùi Tiến Mạnh và chị Cao Hồng Hạnh tổ chức. Dù công việc chính là cán bộ ngân hàng, không hoạt động trong giới nghệ thuật nhưng anh Mạnh đã có kinh nghiệm 17 năm chơi đàn ghi-ta, đồng thời cũng là một trong những tay chơi ghi-ta được đánh giá hàng đầu tại Thái Bình. Với mong muốn truyền lửa đam mê cho những người cùng sở thích, anh và vợ quyết định mở lớp dạy đàn dành cho những người chơi ghi-ta không chuyên. 

Thành viên trong lớp học ghi-ta Thái Bình khá đa dạng, có người đã đi làm, có người là sinh viên, có cả những bạn học sinh chỉ mới học THCS, đa phần họ đều là những người chưa từng trải qua bất kỳ một khóa học âm nhạc nào trước khi đến với lớp học. 

Bạn Cao Hồng Phúc, 24 tuổi, hiện đang làm việc tại Đại học Y Dược Thái Bình cho biết: Trước khi đến với lớp của thầy Mạnh, em hoàn toàn chưa biết chơi đàn. Em cũng có mong muốn biết sử dụng một loại nhạc cụ để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống, vì vậy khi nghe tin thầy mở lớp em đăng ký ngay. 

Còn chị Bùi Thị Ngọc Lan hiện đang sinh sống tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình thì quyết tâm “gửi đam mê” vào cô con gái Nguyễn Ngọc Quỳnh Như năm nay mới 13 tuổi để “thỏa mong ước thời trẻ”. Chị tâm sự: Thời sinh viên của chúng tôi làm gì có những thiết bị công nghệ số như bây giờ, chỉ có cây đàn ghi-ta. Tuy ngày nay xu hướng thưởng thức nghệ thuật đã có nhiều thay đổi nhưng với tôi tiếng đàn ghi-ta vẫn rất đặc biệt, giản dị mà đi vào lòng người. Tôi mong con gái có thể học đàn để làm giàu hơn đời sống tâm hồn.

Với vai trò quản lý lớp học, chị Cao Hồng Hạnh cho biết: Lớp học của chúng tôi được mở vào các buổi chiều tối hàng ngày, ngoài giờ hành chính và thứ bảy, chủ nhật do hàng ngày cả hai vợ chồng vẫn đi làm nên tranh thủ những khoảng thời gian rảnh anh Mạnh vừa luyện đàn vừa hướng dẫn các bạn học viên tập luyện. Mỗi buổi học chỉ kéo dài 2 tiếng, mỗi tuần chỉ học một buổi nhưng mỗi buổi học đều được thiết kế nội dung học bài bản và logic, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời bảo đảm phát huy cao nhất sự tìm tòi sáng tạo của học viên, mỗi lớp học chỉ giới hạn số lượng không quá 6 người để giáo viên có thể hướng dẫn tỉ mỉ hơn cho từng người.

Quỳnh Như tâm sự: Em có hai sở thích là học ngoại ngữ và học đàn. Theo học tại đây, ngoài được tiếp xúc với âm nhạc chúng em còn được học nhạc lý bằng giáo trình tiếng Anh, vì vậy em vừa học được đàn vừa được bổ sung kiến thức ngữ pháp môn ngoại ngữ, em cảm thấy rất hứng thú. 

Còn Nguyễn Tuấn Minh, 13 tuổi, ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình lại là một học viên rất đặc biệt. Minh có tiền sử bệnh tim mạch, bởi vậy từ khi còn nhỏ em đã không thể chơi những môn thể thao đòi hỏi cường độ cao như các bạn. Bố mẹ Minh gửi em đến với lớp học với mong muốn âm nhạc và cây đàn ghi-ta sẽ giúp em quên đi những hạn chế về sức khỏe, đồng thời trở thành thế mạnh để em thêm mạnh dạn, cởi mở. Anh Mạnh nhận xét, Minh là một trong những học sinh tiếp thu bài tốt nhất lớp, tiếng đàn của em chắc chắn nhưng không kém phần ngọt ngào, bay bổng, tinh thần của em cũng đang ngày càng tích cực hơn, em tự tin lên rất nhiều.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật. Bởi vậy, việc tiếp xúc với nghệ thuật cũng chính là một cách để giúp con người cân bằng cuộc sống, cải thiện sức khỏe tinh thần. 

Anh Mạnh cho biết, sắp tới anh chị sẽ tiếp tục mở các khóa học ghi-ta cơ bản, đệm hát nâng cao, giúp kết nối cộng đồng những người đam mê ghi-ta, đam mê âm nhạc. Không chỉ bắt kịp xu hướng, nhu cầu cải thiện phông văn hóa và đời sống tinh thần hiện nay, mô hình này đã góp phần hướng giới trẻ nói riêng và con người trong xã hội hiện đại nói chung tới một phong cách sống lành mạnh, trẻ trung, năng động và tươi mới.

Tham gia lớp học ghi-ta, ngoài những kiến thức âm nhạc được cung cấp, các học viên còn có thêm nhiều trải nghiệm bổ ích khác.


Thảo Tiên