Thứ 4, 04/12/2024, 00:58[GMT+7]

Người Nam Bộ đón Tết

Thứ 7, 17/02/2018 | 09:40:44
680 lượt xem
Nam Bộ với hơn 300 năm tuổi, vẫn là vùng đất non trẻ nhưng đã chứa đựng trong nó cả một thiên ký sự với những trầm tích quý giá, trong đó có Tết.

Người Nam Bộ hào sảng, phóng khoáng, nên trong cách đón Tết, tiếp nhận Tết cũng có sự khác biệt. Không mang nặng hình thức, đầy đủ quy tắc lễ nghĩa như một số vùng miền khác trên dải đất hình chữ S.

Từ xa xưa, người Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung đã xem Tết là ngày để sum họp gia đình, con cháu dù có làm ăn xa cũng cố gắng quay về, chậm nhất là trước giao thừa để được quay quần bên ông bà, cha mẹ.

Nhưng từ độ giữa tháng Chạp, không khí tết đã bắt đầu nhộn nhịp.

Vào độ này, cơn gió chướng đã đi qua, không khí cũng ấm dần lên và cũng là lúc nhiều nhà bắt đầu gieo hoa vạn thọ, hoa cúc để khi tết đến, có những bông hoa do tự tay mình trồng cắm lên bàn thờ tổ tiên, hay có mấy chậu cúc, vạn thọ để quanh nhà cho có không khí xuân ấm áp. Những ngày này chợ dưa, chợ hoa là đông vui và nhộn nhịp nhất. Các bà, các chị đi mua sắm để trang hoàng lại nhà cửa, mua đồ làm bánh mứt. Chợ hoa, chợ dưa hấu bán đến chiều ngày cuối của năm. Ai cũng mua một cặp dưa mang về để lên bàn thờ gia tiên cho phải lễ. Có gia đình chuẩn bị chu đáo đến nỗi phải đi chợ mấy bận mới sắm đủ cho ba ngày tết. Những ngày này, ra chợ ai cũng cười nói rôm rả,có lẽ vì là không khí tết nên tâm hồn con người cũng rộng mở hơn, bớt đi mệt nhọc ngày thường.

Chợ quê hiện nay đầy đủ không thiếu thứ gì, nhưng tâm lý người ở quê thích đón tết gần gũi hơn, bằng cách tự tay làm những loại bánh như bông lan, mứt dừa, mứt gừng, để không chỉ đãi khách 3 ngày tết, để cho con cháu ở xa tụ hội về ăn mừng, mà còn vô keo vô hộp mang tặng hàng xóm như món quà quê thơm thảo.

Chiều 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công, ông Táo về Trời, tới ngày 30 thì làm mâm cơm đón ông Công, ông Táo. Trong những ngày này, ông Táo sẽ làm nhiệm vụ báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế những việc được và chưa được của gia chủ. Ngày rước ông Táo cũng là ngày “rước ông bà” về với con cháu. Bếp trong nhà đỏ lửa từ hôm nay. Trong ngày cuối năm, nhiều nhà gom lại xẻ thịt một con heo rồi chia nhau để làm món heo kho rệu. Ngoài ra, nhà nào ở Nam Bộ cũng nấu nồi bánh tét. Những khoanh bánh tét được bày ra đĩa, cùng với thịt heo kho rệu (kho kỹ vài lần cho miếng mỡ heo trong veo) dâng lên bàn thờ trong mâm cơm cúng tất niên như là sự báo đáp công ơn với người xa khuất.

Tết ở miền nam không thể thiếu mâm ngũ quả để trên bàn thờ gia tiên. Như một sự kiêng kỵ thuần túy, mâm ngũ quả của người miền nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” vốn không hay. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì người Nam bộ hiểu nôm na đó là “cam chịu”, họ không muốn vậy. Mâm ngũ quả thường gồm các loại trái như mãng cầu, dừa, đu đủ, sung vì nó tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc cả năm. Đây cũng là điều mà người dân Nam Bộ hằng ao ước từ thủa khai sơn mở đất.

Như đã nói ở trên, giao thừa là thời khắc được đón đợi nhất. Nếu như ngày xưa thì ì đùng pháo nổ, còn ngày nay thì có pháo hoa. Con nít ngóng con mắt lên màn hình ti vi xem và nghe âm thanh bụp bụp xòe xòe cánh pháo rộn rã, trước khi híp con mắt ngủ gục để cha bồng vào phòng. Người lớn trông tới giao thừa, để bày mâm cơm cúng mừng năm mới, cầu cho một năm bình an, cây lúa phát triển tốt, con heo con gà nuôi mau lớn, thời tiết thuận hòa, con cháu học hành tấn đạt, bạn bè được nhiều may mắn. Cư dân Nam Bộ hay lo cho người hơn lo cho mình, nên trong câu khấn đầu năm cũng dành cho hết thảy bà con, dòng họ, xóm giềng… sau mới tới mình.

Sau những lời khấn, người lớn cũng ra vườn nhà hái một cành mai, như là lộc may mắn đầu năm cắm trong chậu nhỏ để trên bàn, mong cho một năm nhiều điều ấm áp.

Khi thời khắc giao thừa đi qua, những ngôi chùa là nơi mà dòng người tập trung đến. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, đi chùa đầu năm là một truyền thống có từ khi những cư dân đầu tiên đặt chân lên vùng đất Nam Bộ này, và đó như một niềm tin vững chãi vào thánh thần, vào những bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở đất.

Dòng người đi chùa ngày đầu năm cứ tấp nập. Đến sáng mồng Một, họ đến nhà bà con, hàng xóm để trước tiên là thắp cây hương lên bàn thờ, sau là chúc nhau những điều may mắn đầu năm. Trẻ con thì luôn háo hức đón đợi những bao lì xì. Còn những người lớn cũng bày mâm cỗ dù nhỏ dù lớn để mời khách, uống ít thôi, một ly cũng được, ăn một miếng dưa kiệu muối chua, như thế là đã đủ thành tâm cho một lời chúc rồi.

Nếu ai đã từng được đón tết ở Nam Bộ mới biết, không khí tết ở đây không quá ồn ào, không quá nhộn nhịp như nhiều vùng miền khác, nhưng được cái rất ấm áp và chân tình. Và những ngày này, khắp xóm làng luôn rộn rã những thanh âm của những đoàn lân trẻ con có, người lớn có, mang mùa xuân đến với mọi nhà.

Theo: nhandan.com.vn