Thứ 2, 11/11/2024, 10:04[GMT+7]

Đặc sắc hội làng Đa Cốc

Thứ 5, 24/05/2018 | 11:19:44
9,003 lượt xem
Gọi là hội làng nhưng quy mô của lễ hội lại lớn nhất vùng phía Nam huyện Kiến Xương bởi có sự tham gia của nhân dân 4 làng thuộc 3 xã. Lễ hội đình làng Đa Cốc hay còn gọi lễ hội Kỳ Phúc, xã Nam Bình (Kiến Xương) không chỉ đặc sắc với những hoạt động tín ngưỡng mà còn có ý nghĩa giáo dục chân, thiện, mỹ cho nhân dân.

Đội múa rồng theo đoàn rước kiệu long ngai, bài vị Thành hoàng làng.

Đình làng Đa Cốc thờ tứ vị thành hoàng: Đông Hải, Tây Hải, Cao Sơn, Trưởng Thái giám và thờ các vị thủy tổ cùng chân linh các anh hùng liệt sĩ của làng. 

Ngôi đình được xây dựng năm Ất Dậu (1705) đời vua Lê Dụ Tông cách đây 313 năm. Trong ngôi đình còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như: bức cuốn thư thời Lê Trung Hưng; long ngai, bài vị, quán tẩy, bát nhang, các câu đối và 6 sắc phong của vua Cảnh Hưng, vua Khải Định. 

Cụ Lê Duy Thịnh, xã Nam Bình cho biết: Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chính tại ngôi đình này, các cán bộ cách mạng thường xuyên họp bàn triển khai nhiệm vụ kháng chiến. Ngày 1/2/1951, 18 chiến sĩ cách mạng của làng đã bị giặc Pháp bắt và bị chúng thảm sát dã man. Sự kiện ấy đã đi vào trang sử đấu tranh cách mạng của Thái Bình với hai câu thơ: "An Ninh xác chết đầy đồng/ Nam Bình từng vũng máu hồng chưa phai”.

Bức cuốn thư cổ từ thời Lê Trung Hưng.

Hiếm có hội làng nơi nào hoạt động tế lễ lại linh đình, hấp dẫn như ở Đa Cốc. Đi đầu là đoàn rước tù và để thông báo, dẹp đường, tiếp đến là đoàn rồng, kỳ lân, cờ thần, cờ ngũ sắc, cờ đỏ, hàng bát bửu chấp kích, đoàn bát âm trống nhạc tạo nên bầu không khí náo nhiệt. Tiếp đến là đoàn long đình rước lễ, chân nhang, kiệu bát cống rước bài vị Thành hoàng. Nhân dân 3 xã: Nam Bình, Bình Thanh, Minh Tân đi theo 5 cỗ kiệu và 12 long đình làm cho lễ rước truyền thống vô cùng hoành tráng. 

Ông Hoàng Hùng, trưởng ban lễ nghi khánh tiết đình làng Đa Cốc cho biết: Làng Đa Cốc cổ xưa ở xã Nam Bình có 6 dòng họ chính. Theo thời gian, cư dân đông đúc nên bà con đi khai hoang, lập ấp để mưu sinh rồi dần hình thành nên các làng mới: Lập Ấp, Đa Cốc (xã Bình Thanh), Trại Chè (xã Minh Tân). Để hướng về nguồn cội, nhân dân các làng đều xây đình, đền và rước chân nhang, bài vị Thành hoàng để thờ và hàng năm, 4 làng thay phiên nhau tổ chức lễ hội nhằm giao lưu gắn kết tình cảm và thể hiện sự tôn kính với các bậc tiền nhân đã có công với làng, với nước.

Quang cảnh đình làng Đa Cốc, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương.

Lễ hội Kỳ Phúc, xã Nam Bình diễn ra với các nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh và nhiều trò dân gian để nhân dân vui chơi mừng hội như: thi nấu cơm cần, bắt chạch trong chum, đi cầu phao, kéo co, tổ tôm, cờ tướng, bóng chuyền và biểu diễn văn nghệ. Tất cả các hoạt động đều thể hiện tinh thần thượng võ dân tộc, đoàn kết, yêu nước và đậm nét văn hóa vùng miền. 

Ông Lê Văn Tuyền, Trưởng thôn Đa Cốc chia sẻ: Mọi hoạt động từ phần lễ đến phần hội được địa phương tổ chức với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho đời sau; giúp mọi người tìm về cội nguồn và thắt chặt tình đoàn kết trong các dòng họ, trong nhân dân. Dù lễ hội có sự tham gia của 5 thôn, 4 làng thuộc 3 xã nhưng chưa bao giờ xảy ra mất đoàn kết, mất an ninh trật tự và không có những việc mang tính mê tín dị đoan, vụ lợi nên ai cũng phấn khởi khi về dự hội làng. Kết thúc hội làng, nhân dân các thôn đều tổ chức bữa cơm đoàn kết rất vui vẻ và thắm đượm nghĩa tình.

Đình làng Đa Cốc được bao bọc bởi cộng đồng dân cư, ruộng đồng xanh tốt sông nước hữu tình. Ngôi đình thiêng và đẹp đúng như người xưa đã viết trong hai câu đối trên cổng vào: "Tiền môn phong cảnh tam kỳ thủy/ Đáo ngự đình trung tứ đức vương”. 

Đây thực sự là một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh ở Thái Bình không thể bỏ qua của du khách.

Khắc Duẩn