Thứ 2, 25/11/2024, 21:31[GMT+7]

Giếng quê

Thứ 2, 27/05/2019 | 08:39:37
5,421 lượt xem
Dưới cái nắng gay gắt, chói chang của tiết trời mùa hạ, tôi thèm lắm cảm giác được trở về nhà, ngồi bên thềm giếng để được mẹ gội đầu. Cảm giác ấy gần gũi, thân thương đến lạ. Dòng nước mát trong của giếng nước hòa cùng tình yêu thương bao la của mẹ níu giữ khoảng trời tuổi thơ tôi, để khi đi xa lòng tôi luôn khắc khoải tìm về.

Giếng nước đã bao năm gắn bó, gần gũi với các thế hệ trong gia đình tôi. Từ lúc nội tôi còn sống đến khi mẹ về làm dâu và sinh ra mấy chị em tôi. Ngay từ khi tôi còn nhỏ, mẹ thường kể cho tôi nghe những câu chuyện liên quan đến giếng nước: giếng nuôi cá bống của cô Tấm, giếng Ngọc ở đền Hùng hay giếng nước gắn với sự tích Mỵ Châu - Trọng Thủy... Trong tiềm thức của một đứa trẻ, tôi lúc ấy xem giếng nước như một người bạn thân tình và gắn bó với lịch sử của làng quê. Và tôi lớn lên được mẹ vỗ về trong làn nước trong xanh, được ăn những bữa cơm thơm lành từ đôi bàn tay khéo léo của mẹ, được tắm gầu nước mát rượi của giếng, ôi những ngày tháng ấy khó có thể nào quên...

Tôi còn nhớ mãi hương vị của nước trà được pha bằng nước giếng quê đun sôi. Có những sáng được thức dậy ở quê nhà, mùi hương quen thuộc của ấm trà xanh mẹ đun cho ba khiến lòng tôi rưng rưng nhớ về nội, miền hoài niệm lại quay quắt ùa về. Ngày xưa, nội tôi luôn có thói quen dậy sớm pha trà, trà nội pha mang hương vị rất đậm đà, gợi niềm thương nhớ. Có lần tôi ngây ngô hỏi vì sao sáng nào nội cũng dậy sớm pha trà, nội mỉm cười trả lời vì nội tuổi đã cao, khó ngủ, có ấm trà bầu bạn lúc vạn vật vẫn còn đang mơ màng trong sương sớm. Sau này, dù đã đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều loại trà nhưng tôi vẫn thấy không nơi nào ngon bằng trà của nội và mẹ tôi pha.

Bên vành giếng, nội tôi có trồng thêm cây xoài cát, bên cạnh là đám rau xanh, giàn khổ qua và mấy chậu cây kiểng. Chiều nào tôi cũng thấy nội tưới nước cho cây. Mỗi gầu nội múc chỉ lưng lửng nước, nội bảo rằng nội thích tự mình khua từng gầu nước mát tưới lên đám rau, cây cảnh, coi sự chăm sóc cây trồng như một thú vui, niềm đam mê của tuổi già. Nội vui sướng khi nhìn thấy cây xoài ra hoa kết trái, vườn rau xanh tốt, nội nhìn giếng nước với ánh mắt thầm cảm ơn.

Bây giờ nội tôi đã đi xa. Mỗi lần về nhà, tôi thích được ngồi trên thềm giếng, tận hưởng khí trời tươi mát và đắm mình vào màu xanh của khu vườn. Lòng tôi lại khắc khoải nhớ dáng nội cần mẫn tưới nước cho luống rau, chậu cảnh, nhớ những chiều tôi nhỏ bé bên nội. Thương làm sao những tháng ngày bình yên...

Thời gian này ở quê tôi đang là mùa hạn. Có một điều lạ là mỗi khi trời nắng hạn, các giếng nhà lân cận đã cạn khô nhưng giếng nhà tôi vẫn đầy nước, nước trong veo thấy luôn cả đáy, mọi người trong xóm thay phiên sang gánh nước về dùng. Giếng nước trở nên thân tình hơn bao giờ hết, một cách tự nhiên, nó giúp gắn chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Ngày xưa mấy chị em tôi cứ độ trăng rằm thường hay rủ nhau ra ngoài giếng để ngắm trăng, ánh trăng tròn vành vạnh soi xuống mặt giếng, cảm tưởng như chú Cuội ở trên cung trăng đang mỉm cười. Mấy chị em vừa ngắm trăng vừa trò chuyện vui vẻ bên thềm giếng, đó là hình ảnh đẹp mãi lưu giữ một tuổi thơ vẹn nguyên trong tôi đến tận bây giờ.

Trước mỗi bận tôi đi xa, mẹ thường hay nấu nồi nước lá để gội đầu cho tôi. Hương thơm của lá cây, màu biếc xanh của giếng nước, hòa cùng tình yêu ngọt ngào của mẹ đọng lại trong tôi cảm giác ấm áp và bình yên. Giếng quê như là mạch nguồn nuôi dưỡng tuổi thơ tôi, chứa đựng khung trời cho bao mơ mộng của tôi thỏa sức bay xa. Giếng quê lưu giữ giùm tôi hình bóng thân thương của một thời trong vắt, cất vào sâu thẳm tâm hồn tôi những xưa cũ vẹn nguyên. Tôi nhớ nội, nhớ mẹ, nhớ quê hương khôn cùng. Đôi lúc ngồi một mình, tôi lại nghĩ về những câu hát của nhạc sĩ Thuận Yến chạm vào miền xúc cảm miên man: “Bao người đã lớn khôn, bao người còn thơ dại. Giếng quê mình xanh mãi, tắm mát cả đời tôi...”.

Trần Thị Thắm
(Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định)

  • Từ khóa