Thứ 2, 25/11/2024, 19:43[GMT+7]

Mùa hiếu hạnh

Thứ 5, 15/08/2019 | 09:22:49
2,762 lượt xem
Vào dịp lễ Vu Lan, các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh đều tổ chức cho các tín đồ Phật tử tụng kinh, cầu siêu tế độ, nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc tăng thọ, cha mẹ quá vãng được thác hóa siêu thăng. Một số cơ sở tự viện còn tổ chức lễ hội hoa hồng cài áo nhằm nhắc nhở những người làm con sống hiếu nghĩa với cha mẹ.

Nghi thức hoa hồng cài áo tại lễ Vu Lan.

Đã thành thông lệ, vào dịp lễ Vu Lan hàng năm, chùa Son, xã Minh Hưng (Kiến Xương) đều tổ chức cho các tín đồ Phật tử tụng kinh cầu phúc cho cha mẹ hiện tiền, cầu siêu tế độ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất. Năm nay, nhà chùa tổ chức lễ hội hoa hồng cài áo nhằm khơi dậy, nhắc nhở những người làm con phải sống hiếu nghĩa với cha mẹ; đặc biệt đối với những người còn cha, còn mẹ càng phải biết trân trọng những tháng ngày được ở bên cha mẹ để phụng dưỡng và yêu thương. 

Theo sư cô Thích Diệu Hoài, trụ trì nhà chùa: Nguồn gốc của lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Tôn giả Mục Kiều Liên cứu mẹ mình là bà Thanh Đề đã qua đời thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Để giải thoát cho mẹ, Tôn giả Mục Kiều Liên đã làm theo lời đức Phật vào ngày rằm tháng bảy, sắm sửa lễ vật dâng cúng, cầu thỉnh chư tăng chú nguyện cho mẹ ông. Làm theo lời Phật, mẹ của Tôn giả Mục Kiều Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời, trở thành ngày tri ân, báo hiếu của đạo Phật. Mặc dù ngày lễ Vu Lan chính thức là ngày 15/7 âm lịch song tùy theo điều kiện mà mỗi chùa sẽ lựa chọn thời gian tổ chức lễ Vu Lan cho phù hợp bắt đầu từ đầu tháng 7 cho đến ngày 15/7 âm lịch để mọi người có cơ hội cùng thành tâm hướng nguyện về cha mẹ, nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, cầu cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc tăng thọ, cha mẹ quá vãng được thác hóa siêu thăng. 

Bà Lê Thị Lụa, làng Son, xã Minh Hưng (Kiến Xương) cho biết: Vào dịp lễ Vu Lan, tôi thường gác lại công việc hàng ngày đi các chùa để tụng kinh, cầu siêu cho cha mẹ, ông bà đã khuất. Thường thì tôi hay đi một mình song thỉnh thoảng tôi có dẫn các cháu theo với mong muốn thông qua những câu chuyện, những tâm sự, bài học về sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái được các Phật tử trong chùa truyền tải, các cháu sẽ hiểu hơn về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, cảm nhận được niềm hạnh phúc khi có cha mẹ ở bên. Từ đó, cháu sẽ chăm ngoan, nghe lời cha mẹ, trở thành công dân có ích.

Tham dự buổi lễ hoa hồng cài áo của chùa Son, bên cạnh các tăng ni, tín đồ Phật tử lớn tuổi và phụ huynh còn rất nhiều em nhỏ. Khi nghe các thầy giảng pháp, nói về đạo làm con, về công ơn lớn lao của cha mẹ, nhiều em đã xúc động bật khóc. Hòa cùng những giọt nước mắt biết ơn là những giọt nước mắt ân hận vì đã trót có lần cãi lời cha mẹ, làm cho cha mẹ buồn để rồi tự dặn mình từ nay phải cố gắng chăm ngoan để cha mẹ vui lòng. 

Sau khi dự lễ hoa hồng cài áo của chùa Son, em Trịnh Ngọc Khánh, xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định chia sẻ: Em rất hạnh phúc khi được cài lên ngực đóa hoa hồng đỏ thắm, tượng trưng cho niềm hạnh phúc vô biên vì vẫn còn bố mẹ. Em sợ nhất sau này, mùa Vu Lan mình phải cài đóa hồng trắng lên ngực. Tuy rằng điều đó trước sau gì cũng tới nên em càng thấy trân trọng những tháng ngày được ở bên bố mẹ nhiều hơn. Em dặn mình phải học tập thật tốt để bố mẹ vui lòng. Ngoài ra, em sẽ chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn từ những việc nhỏ nhất như làm việc nhà.

Cùng với chùa Son, hàng năm, chùa Pháp Quang, thôn Thượng Điền, xã Tam Quang (Vũ Thư) đều tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu bao gồm cả nghi thức hoa hồng cài áo cho các tín đồ Phật tử và nhân dân. 

Theo sư thầy Thích Thiện Quang, trụ trì nhà chùa: Vu Lan là một trong những ngày lễ thiêng liêng cao quý của Phật giáo. Đây là dịp để mọi người thể hiện lòng biết ơn đối với đấng sinh thành, vì thế ngày này luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Bên cạnh đó, lễ Vu Lan cũng là dịp hướng các Phật tử trở về với cội nguồn, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vì vậy, vào dịp lễ Vu Lan, ngoài cầu siêu tịnh độ cho gia tiên, mong cho cha mẹ được bình an, các tăng ni, tín đồ Phật tử còn tham gia lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ nhằm tri ân các vị tiền nhân đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với ý nghĩa nhân văn cao đẹp, Vu Lan từ một ngày lễ riêng của Phật giáo nay đã phổ biến rộng rãi trong nhân dân, là dịp để mỗi người con hướng lòng thành kính về đấng sinh thành, nhắc nhở chúng ta sống chậm lại, tạm gác lại những xô bồ, hối hả trong cuộc sống, dành thời gian để suy ngẫm, hành động và yêu thương cha mẹ nhiều hơn, để mỗi ngày đều là ngày Vu Lan báo hiếu.

Đào Quyên 

  • Từ khóa