Thứ 2, 25/11/2024, 18:41[GMT+7]

Tam công hiển thánh

Thứ 2, 23/09/2019 | 14:46:13
2,875 lượt xem
Cũng giống như bao ngôi đình ở nhiều làng quê Bắc Bộ, đình Vũ Xá chịu chung số phận bị dỡ bỏ lấy vật liệu xây dựng trong những năm thập kỷ 70. May mắn thay, một số người dân đã cất dấu tượng và các đồ tế khí, hy vọng sau này con cháu làng Vũ Xá có cơ hội tiếp cận, phục dựng lại ngôi đình cổ.

Đình Vũ Xá.

Ngọc phả đình Vũ Xá (xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ) chép, khoảng những năm 944 - 968, Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979) xa lộ “Thập nhị sứ quân chi loạn”, đến ấp Vũ Xá, trang Hưng Tổ bỗng thấy ba cụ già dung mạo khác thường đứng ra cản đường, quân sĩ kinh hãi không dám tiến lên, Đinh Bộ Lĩnh xuống ngựa rút gươm khấn rằng: “Nếu ba ngài linh thiêng hãy nhường đường cho ta đi dẹp loạn…”, dứt lời ba cụ già biến mất. Đêm ấy, ở ấp Vũ Xá, Đinh Bộ Lĩnh nằm mộng thấy ba vị tiên công nói rằng “Hoàng thiên đã an bài, có vua ắt có thần…”. Quả nhiên, sau đêm lưu lại Vũ Xá, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân, xưng vương…

Cũng giống như bao ngôi đình ở nhiều làng quê Bắc Bộ, đình Vũ Xá chịu chung số phận bị dỡ bỏ lấy vật liệu xây dựng trạm y tế, trường học… trong những năm thập kỷ 70 (thế kỷ XX). May mắn thay, một số người dân đã “nhanh tay” di chuyển tượng và các đồ tế khí cùng các bản thần phả, ngọc phả… cất giấu tại chùa làng, hy vọng sau này con cháu làng Vũ Xá có cơ hội tiếp cận, dịch thuật, phục dựng lại ngôi đình cổ bao đời “gắn bó máu thịt” trong tâm thức của dân làng Vũ Xá… 

Năm 1997, nhiều địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng mất ổn định trật tự an toàn xã hội, trong đó điển hình nhất là huyện Quỳnh Phụ, tuy vậy xã An Đồng lại là địa bàn không xảy ra mất ổn định. Dịp ấy, tôi được Ban biên tập Báo Thái Bình cử về Quỳnh Phụ nắm tình hình, cơ duyên may mắn được gặp Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng phụ trách đoàn nghiên cứu của trung ương về thăm và dịch thuật tư liệu Hán Nôm ở di tích lịch sử văn hóa Am Qua và đình Vũ Xá dấu tích quân sự nhà Trần. Sau mấy ngày “ba cùng” với dân làng Vũ Xá, đọc, dịch, nghiên cứu địa văn hóa, địa lịch sử, các bản thần phả, ngọc phả, thần tích, sắc phong của các triều đại, Giáo sư Trần Quốc Vượng và đoàn công tác sửng sốt với tầng văn hóa sâu dày chất chứa ở vùng đất Am Qua, Vũ Xá… Khi chia tay về Hà Nội, Giáo sư Trần Quốc Vượng lưu bút: “Tôi được mời về thăm Thái Bình - Quỳnh Phụ… được nhân dân Vũ Xá đón tiếp nồng hậu. Qua việc thăm các di tích, di vật, văn bia, ngọc phả… tôi thấy vùng Am Qua, Vũ Xá, A Sào... bên hữu ngạn sông Hóa là một vùng văn hóa, lịch sử rất quan trọng, không chỉ ở thời Trần, thời Mạc mà còn trước xa đó nữa… Tôi đã được đọc bản ngọc phả ba vị đại vương công thần thời Trưng Nữ vương cùng nhiều sắc phong qua các đời, tôi nghĩ nên gìn giữ bản ngọc phả gốc và dịch ra quốc ngữ để nhân dân dễ tiếp cận với di tích, di vật lịch sử…”.

Lần điền dã mới đây về vùng đất Am Qua, A Sào… tôi lại có dịp ghé thăm di tích đình Vũ Xá. Hơn 20 năm trôi qua, cảnh vật của xã nông thôn mới An Đồng có quá nhiều đổi thay, duy chỉ có đình Vũ Xá, ngôi đình cổ đã bị dỡ phá thay vào đó là dãy nhà kho hợp tác xã nông nghiệp ngay trên nền ngôi đình cổ, gắn với chiến tích nhà Đinh, Trần, Mạc… có tượng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tư thế thiền định độc đáo… thì vẫn nguyên nếp hình hài kho cũ. 

Ông Vũ Văn Thông, sĩ quan an ninh nghỉ hưu vốn là dịch giả Hán Nôm, người “chắp mối” cho tôi được yết kiến các bậc chức sắc, cao niên của làng Vũ Xá, hơn 20 năm trước cùng tôi tham gia đoàn nghiên cứu của Giáo sư Trần Quốc Vượng (năm 1997) lễ mễ bưng hòm đựng Ngọc phả, Thần phả, Thần tích của đình cho tôi xem. Nhớ lời gợi ý của “cụ” về mảnh đất Vũ Xá vốn là vùng đất có “bề dày văn hóa, lịch sử quan trọng xa trước nữa” tôi nhờ ông Thông dịch giúp bản Ngọc phả đình Vũ Xá. Ngọc phả ghi: “…sau khi Thục phán An Dương Vương cưỡi ngựa rẽ nước xuống Long Cung thủy phủ, Âu Lạc thuộc về Tây Hán. Khi ấy, ở trang Văn Xá, huyện Gia Lộc còn gọi là Trường Tân, phủ Ninh Giang, Hạ Hồng thuộc trấn Hải Dương, xưa gọi là Hồng Châu sau đổi thành Lương Toàn, có một gia đình người chồng họ Hoàng, tên Đức, người vợ là Cao Thị. Đôi vợ chồng thật thà, phúc hậu… dân làng gọi họ là nhà tích thiện. Cả hai ông bà họ Hoàng lại muộn đường con cái, đã đi cầu nguyện nhiều đền đài miếu phủ mà chưa ứng nguyện. Một đêm, ông Đức nằm ngủ dưới mái hiên nhà, chợt mộng thấy có cụ già râu tóc bạc phơ nói với ông Đức rằng: “Ngươi đã làm nhiều việc thiện cảm động đến Hoàng thiên. Hoàng thiên phái ta mang đến cho nhà ngươi ba chàng trai để nối phúc nhà họ Hoàng”. Chợt tỉnh giấc mộng không thấy thần nhân đâu, ông Hoàng Đức kể lại giấc mơ cho bà Cao Thị nghe. Hôm sau hai ông bà làm lễ tạ Hoàng thiên tại miếu. Ít lâu sau, bà Cao Thị có thai, nhằm ngày 10 tháng 2 năm Canh Ngọ, bà sinh hạ được ba người con trai. Ông bà mừng vui khôn xiết, cúi lạy Hoàng thiên, chợt ông nhìn ra vườn nhà thấy ba cây hòe, quế, liễu liền lấy đặt tên cho con. Thấm thoắt thoi đưa, ba người con của ông bà Hoàng Đức lớn nhanh. Năm 12 tuổi cả ba đã tinh thông binh thư võ lược, giỏi côn kiếm. Ba chàng trai khỏe mạnh tuấn tú đều mang bên mình ba chiếc gậy sắt nặng hàng chục người khiêng. Năm 18 tuổi, đột nhiên ông bà Hoàng Đức lâm bệnh trọng rồi qua đời. Ba chàng trai chịu tang “song thân phụ mẫu” xong vái lạy tổ tông rời làng theo dòng sông đi miết. Một hôm mải mê cảnh sắc thiên nhiên, trời sập tối, giông gió nổi lên, ba chàng trai đành ghé lại làng quê bên sông. Sáng tỉnh giấc ngắm nhìn phong thủy hữu tình ba chàng trai quyết định lưu lại nơi đây, làng Vũ Xá thuộc trang Hưng Tổ, đạo Sơn Nam Hạ. Đúng lúc ấy, Thái thú Tô Định (nhà Hán) đem quân xâm lược Văn Lang. Tù trưởng Thi Sách chống lại liền bị Tô Định chém đầu. Quyết đền nợ nước, trả thù nhà, Trưng Trắc đã tập hợp nghĩa sĩ đứng lên đánh lại giặc Hán. Nhưng đội quân của bà toàn nữ giới, bà rất cần tướng nam nhi. Ngày kia, bà lập đàn cầu nguyện tại cửa sông Hát và khấn Hoàng thiên linh ứng cho bà nam nhi tướng quân phò mệnh. Quả nhiên “cầu được, ước thấy”, nghe lời hiệu triệu cứu nước của Trưng Trắc, ba ông Hòe, Quế, Liễu vác gậy đến Hát Môn xin được đầu quân. Nhìn tướng mạo khôi ngô, tuấn tú, sức mạnh cường tráng, Trưng Trắc thu nạp ba vị rồi phong cho Hoàng Hòe là Thống chế uy dũng thượng tướng quân; Hoàng Quế, Hoàng Liễu là tả hữu đô chỉ huy sứ đại tướng quân, sai đem quân đi đánh giặc. Trận đánh năm ấy đại thắng, Trưng Trắc lên ngôi vương mở tiệc khao quân, đại xá thiên hạ, phong cho ba ông đứng đầu các hạng quân. Ba ông nhận lệnh của Trưng Nữ Vương trở lại ấp Vũ Xá xây dựng đồn trú tiếp tục chiến đấu lâu dài chống quân xâm lược.  

Truyền ngôn ba vị tiên công Hoàng tổ từng giúp Trưng Nữ Vương đánh giặc Hán, hóa thần lại hộ giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp xong cát cứ 12 sứ quân. Thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông thân chinh đi đánh giặc Nguyên Mông, đến ấp Vũ Xá nghe các cụ già kể về sự tích ba vị tiên công linh ứng ở miếu thờ (sau là đình Vũ Xá), vua liền cùng Hưng Đạo Vương vào thắp hương cầu nguyện. Trận ấy ra quân đại thắng quân Nguyên Mông. Vua Trần sắc phong “Tam vị tế thế an dân, hiển hữu trợ thắng, uy dũng hùng kiệt dương vũ dực thánh tả trị phong công đương cảnh Thành hoàng ngưng hưu trung đẳng thần”. Ban cho dân làng Vũ Xá thờ phụng ba vị tiên công làm thành hoàng làng.


Ông Nguyễn Văn Tuấn, công chức văn hóa xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ
Ngọc phả đình Vũ Xá đã được cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thẩm định về giá trị lịch sử, văn hóa. Đình Vũ Xá hiện tại là kho của hợp tác xã, góc độ quản lý văn hóa tôi rất mong cấp ủy, chính quyền xã, huyện, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để xã An Đồng phục dựng lại ngôi đình đồng thời mở rộng không gian đã từng bị lấn chiếm.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Trưởng thôn Vũ Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ
Cán bộ và nhân dân thôn Vũ Xá có tâm nguyện xây dựng lại ngôi đình theo kiến trúc cổ bằng bê tông cốt thép trên nền đất cũ. Mở rộng không gian ngôi đình trên diện tích ao sau đình là đất công để ngôi đình xứng với bề dày lịch sử văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban Quản lý di tích đình Vũ Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ
Khoảng những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, trong điều kiện đất nước có chiến tranh, việc dồn sức cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc gắn với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã dẫn đến việc dỡ bỏ đình, đền… Nay cuộc sống mới, nông thôn mới, diện mạo mới chúng tôi tha thiết đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện chuyển đổi diện tích đất công (ao đình) để mở rộng không gian đình đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.


Quang Viện

  • Từ khóa