Thứ 2, 25/11/2024, 16:49[GMT+7]

Đông Hưng: Quản lý đất nghĩa trang còn lỏng lẻo

Thứ 2, 02/12/2019 | 09:31:17
3,804 lượt xem
Với nỗi lo đất nghĩa trang ngày càng khan hiếm, nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu khu đất ưng ý chuẩn bị lo mồ mả cho chính mình khi “nằm xuống”.

Khuôn viên lăng mộ tại nghĩa trang xã Phú Châu (Đông Hưng) được xây dựng khang trang, có tường bao, cổng dậu.

Mùa hanh khô, mùa của xây dựng, vì thế, không khí xây dựng ở nghĩa trang tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Đông Hưng nói riêng cũng khá sôi động. Tại nghĩa trang nhân dân (NTND) xã Đông Sơn vào thời điểm này, hầu như ngày nào cũng nhộn nhịp cảnh nhà nhà xây cất, sửa sang phần mộ cho người đã khuất. 

Ông Bùi Đức Vũ, 70 tuổi, thôn Nam, xã Đông Sơn cho biết: Dịp cuối năm, nhiều gia đình lo chuyện bốc mộ, sang cát cho người quá cố. Như tại NTND Đồng Sánh, mỗi ngày có hơn chục gia đình lo việc đại sự này. Cũng tại nghĩa trang này, người dân không chỉ xây cất, sửa chữa các ngôi mộ cho người đã khuất mà những người đang còn sống lại đã lo xây cất phần mộ trước cho chính bản thân mình và những người thân trong gia đình. Để có được diện tích đất nghĩa trang xây dựng phần nhà yên nghỉ cho tất cả người thân trong gia đình sau khi mất thì họ đã phải tự bỏ ra một số tiền đáng kể. 

Theo ông Nguyễn Quang Vịnh, 73 tuổi, thôn Nam, xã Đông Sơn bây giờ có điều kiện thì lo trước, hơn nữa sau này con cái đỡ vất vả. Khi xã có quy hoạch mở rộng nghĩa trang, người dân có nhu cầu mua đất để xây dựng mồ mả làm đơn lên xã để mua, với giá 600.000 đồng/m2. Gia đình tôi mua 30m2 để xây lăng và 12 ngôi mộ, gồm 3 đời bố mẹ tôi, vợ chồng tôi và các con tôi. 

Ông Bùi Thọ Hạnh, Trưởng thôn Nam, xã Đông Sơn cho biết: Xã đã tổ chức bán đất tại nghĩa trang 3 đợt, mỗi đợt trên dưới 100 lô, mỗi lô 28m2. Nguồn tiền này được chi vào việc giải phóng mặt bằng mở rộng nghĩa trang, tu sửa, nâng cấp nghĩa trang, trả tiền công cho quản trang. 

Thế nhưng khi phỏng vấn ông Phạm Đăng Ngạc, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn về vấn đề này thì ông Ngạc lại khẳng định là không hề có chuyện mua, bán đất nghĩa trang. Được biết, xã Đông Sơn là một trong những địa phương tốp đầu của huyện Đông Hưng về đích nông thôn mới (NTM) từ năm 2014. Trong bộ tiêu chí xây dựng NTM thì NTND là một trong những chỉ tiêu của tiêu chí số 17 về môi trường và chỉ tiêu này được xem là đạt khi NTND được xây dựng theo quy hoạch, được cấp thẩm quyền phê duyệt và có quy chế quản lý nghĩa trang. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiện tại xã Đông Sơn có 6 thôn thì hiện vẫn tồn tại 5 NTND.

Với tâm lý sống quây quần bên nhau thì khi chết con, cháu cũng phải được quây quần bên ông bà, bố mẹ và cũng là để thuận tiện cho việc nhang khói nên nhiều người dân xã Phú Châu đã mua đất tại nghĩa trang từ nhiều năm trước. Chính tâm lý này là nguyên do để thị trường bất động sản nghĩa trang ngày càng sôi động. 

Ông Nguyễn Văn Hiện, 53 tuổi, thôn Tăng, xã Phú Châu cho biết: Mỗi một ngôi mộ xây sẵn, dài 2m, rộng 1,5m là 5 triệu đồng, người dân có nhu cầu mua nộp tiền cho quản trang. Còn gia đình tôi mua từ trước, được 16 ngôi quây quần bên nhau đến đời con, cháu. Nhiều nhà có tiền mua đến đời cháu, chắt và xây dựng khuôn viên lăng mộ của cả gia đình rất khang trang, sạch đẹp, có tường bao xung quanh và cổng dậu. Việc người dân tự thỏa thuận mua bán đất nghĩa trang với quản trang như thế nào thì chính quyền địa phương cũng chưa hề nắm được hay biết nhưng làm ngơ? 

Theo ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Châu thì chính quyền xã có nghe và đã giao cho cán bộ chuyên môn đi kiểm tra, nắm bắt tình hình, tuy nhiên chưa được triệt để nên vẫn còn tình trạng làm “ngầm” giữa người dân và quản trang. 

Cũng theo ông Phạm Thanh Hà toàn xã có 4 thôn với trên 6.100 nhân khẩu, xã có 2 nghĩa trang, khi xây dựng NTM thì cả hai nghĩa trang này đều được quy hoạch lại và mở rộng diện tích, mỗi nghĩa trang 2ha, đáp ứng nhu cầu của nhân dân khi gia đình có người mất. Cả 2 nghĩa trang đều có bên hung và bên táng riêng biệt theo đúng tiêu chí NTM và UBND xã Phú Châu cũng đã có quyết định ban hành quy định về quản lý NTND khá là chi tiết, cụ thể. Qua tìm hiểu thực tế thì người mua đất nghĩa trang được chia thành 3 nhóm. Người mua để sử dụng cho người thân đã qua đời hoặc mua đặt trước để cải táng hoặc mua để dành cho cả gia đình tính đến đời con cháu. Tình trạng người vẫn đang còn sống mà đã lo toan trước phần yên nghỉ sau này như ở một số địa phương đã, đang diễn ra kéo theo nhiều hệ lụy. Cứ mạnh ai người ấy làm không theo quy định trong xây dựng NTM, bởi ở nhiều xã, NTND chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc quản lý nghĩa trang và sử dụng đất nghĩa trang lỏng lẻo, phát sinh nhiều bất cập, không những làm ảnh hưởng đến việc quy hoạch NTND của địa phương mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Để chấn chỉnh tình trạng này, đầu tháng 11/2019, UBND huyện Đông Hưng đã ban hành Văn bản số 282 chỉ đạo và yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ đất nghĩa trang, nghĩa địa, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về xây dựng mộ, bia mộ và các công trình trong nghĩa trang không đúng quy định, mua, bán, chuyển nhượng đất trong nghĩa trang dưới mọi hình thức... Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động rà soát, kiểm tra sát sao, ngăn chặn kịp thời những vi phạm để đưa công tác quản lý đất nghĩa trang đi vào nền nếp.

Đức Dũng

  • Từ khóa