Thứ 2, 25/11/2024, 16:54[GMT+7]

Tục lên lão ở làng Diệc

Thứ 4, 22/01/2020 | 17:59:15
12,369 lượt xem
Từ bao đời nay, làng Diệc, xã Tân Hòa (Hưng Hà) vẫn giữ một phong tục đặc biệt, đó là tục lên lão. Nam giới trong làng khi bước sang tuổi 54 sẽ làm cỗ 3 tầng lễ thánh, sau đó mời các bậc cao niên trong làng tới khao lão. Phong tục này được người dân làng Diệc gìn giữ từ nhiều đời với mong muốn gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, giáo dục sự hiếu thuận cho thế hệ trẻ và là dịp để những người con xa quê hướng về nguồn cội.

Một nghi thức trong tục lên lão ở làng Diệc.

Tục lệ cổ với những quy tắc truyền miệng

Tục lên lão có từ bao giờ là câu hỏi mà cho đến nay người dân làng Diệc vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Các bậc cao niên trong làng chỉ biết rằng từ đời ông cha mình đã có tục lệ này và cứ thế duy trì cho đến nay. Trước kia, người làng Diệc tổ chức lên lão vào ngày mùng 6 tháng Giêng ở đình làng nhưng sau đó chính quyền địa phương chỉ đạo, muốn cắt bỏ cỗ lão để tiết kiệm, tập trung mọi nguồn lực cho cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Người dân muốn giữ tập tục nên đã tổ chức vào ngày mùng 3 tết, gắn vào ngày hóa vàng tại gia đình đồng thời giảm mâm cỗ lão chỉ còn xôi gà. Khi cuộc sống no đủ hơn, mâm cỗ lão được khôi phục nhưng có phần giảm hơn so với mâm cỗ lão truyền thống. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 3 tết, những người lên lão sẽ đội cỗ ba tầng ra miếu lễ thánh sau đó tổ chức khao lão. Trong ngày này, con em làng Diệc tụ hội đông vui như ngày hội.

Tục lên lão không có văn bản nào ghi lại. Song theo truyền miệng từ những người dân trong làng, tục lên lão có những quy định khá nghiêm ngặt, đó là đàn ông 54 tuổi mới được tổ chức lên lão. Qua tuổi 54 không làm thì sau này không được làm nữa. Tuy nhiên, tục lệ này không bắt buộc ai 54 tuổi cũng phải làm, tùy theo nhu cầu và điều kiện mọi người có thể làm hoặc không. Người được làm lễ lên lão không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội. Người ở xa không về được có thể gửi tiền nhờ anh em, họ hàng làm cỗ lão. Mâm cỗ lão phải giống nhau theo quy định chung của làng là cỗ mặn với 4 bát, 8 đĩa và cỗ nước. Để tổ chức lên lão, vào khoảng rằm tháng Chạp, những người lên lão trong năm sẽ tập hợp lại để họp bàn, phân chia công việc, bầu trưởng tràng. Trưởng tràng là bố của người lên lão trong năm đó nhưng cao tuổi nhất. Trưởng tràng có nhiệm vụ điều tiết các cuộc họp, lên danh sách mời những người đã lên lão, phân cấp và tổ chức bốc thăm khách mời. Trong danh sách khách mời phải có một lão bên họ nội, một lão bên họ ngoại, một lão hàng xóm... Nhằm tránh lãng phí, khách mời sẽ được phân làm 3 cấp, cấp 1 là những người không có tang trở, đang ở địa phương; cấp 2 là những người ở xa, cấp 3 là người có tang trở. Trong năm nếu cả làng có ít người lên lão sẽ báo cáo các cụ cao niên, xin giảm cỗ lão, chỉ cần mâm xôi, con gà cúng thánh rồi mời các lão.

Ông Đỗ Văn Tùy, người làng Diệc cho biết: Trong làng hiện có trên 300 người đã lên lão. Ai lên lão cũng được mời song không phải tất cả mọi người đều đến dự. Nếu gia đình có tang trở, làm sang cát sẽ không đến ăn cỗ lão. Bản thân tôi năm nay đã 76 tuổi nhưng mới chỉ ăn cỗ lão khoảng 6 lần. Việc mời cũng phải theo quy tắc, thể hiện sự kính trọng với người đã lên lão. Theo danh sách đã bốc thăm, người được lên lão sẽ cầm một quả cau đến nhà người đã lên lão để mời. Câu mời xưng hô cũng khác ngày thường, người đến mời sẽ phải gọi người được mời bằng cụ. Qua ngày lên lão, cách gọi lại trở về như ngày thường theo bề bậc họ hàng.

Sau khi phân công xong công việc, tối ngày 30 tháng Chạp, các lão sẽ dâng mâm xôi gà, trầu cau, rượu cùng quan viên trong làng lễ thánh. Song phải đến ngày mùng 3 tháng Giêng, khi mâm cỗ lão được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng dâng lên lễ thánh thì tục lên lão mới nhộn nhịp, đông vui, thu hút đông đảo người dân làng Diệc tới dự.  

Độc đáo mâm cỗ 3 tầng

Mâm cỗ lão là phần quan trọng trong tục lên lão ở làng Diệc. Mâm cỗ truyền thống phải xếp 3 tầng và có đủ cỗ nước, cỗ mặn. Cỗ mặn với 4 bát nấu và 8 đĩa. Cỗ nước có 4 bát chè, đĩa xôi và các loại bánh. Hiện nay, theo đánh giá của người dân làng Diệc, mâm cỗ lão đã đơn giản hơn rất nhiều so với trước kia nhưng vẫn có 4 bát nấu gồm: bát chân giò ninh, 2 bát mọc nạc và bát chân giò; 8 đĩa gồm 4 đĩa giò, đĩa nem, đĩa thịt gà, đĩa cá chép, đĩa mọc hấp. Cỗ nước đã bớt đi các loại bánh chỉ còn chè và xôi. Không chỉ nhiều về số lượng mà quá trình chế biến mâm cỗ lão cũng rất kỳ công. Trong mâm cỗ mặn, đĩa cá chép rán là điểm nhấn của mâm cỗ, đòi hỏi sự chế biến tỉ mỉ, mất nhiều thời gian nhất. Cá phải có trọng lượng từ 3kg trở lên. Cá rán phải còn nguyên vẩy, không nứt thịt, nổ mắt. Để làm được điều này, người rán cá phải khéo tay và có bí quyết riêng, thời gian có khi mất đến vài giờ. Sau món cá chép là món thịt gà. Đây là món ăn được chế biến, bài trí kỳ công không kém. Gà phải là gà trống thiến đã rút xương sau khi làm sạch. Đến khi chặt không để rách da và phải bày khít trên đĩa như đĩa xôi. Được đánh giá là một trong những món khó làm nhất của mâm cỗ phải nói đến đĩa mọc hấp. Đĩa mọc được làm bởi nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt lợn, gan lợn, gan gà, mề gà, trứng... Đĩa mọc phải cao 7cm so với mặt đĩa và khi hấp không bị hở chân mới đạt yêu cầu. Ngoài các đĩa, các bát nấu cũng được làm khá công phu, thể hiện sự khéo léo trong cách nấu nướng của người dân nơi đây. Nếu chỉ có cỗ mặn thì vẫn còn thiếu, bởi cỗ lão còn có cỗ nước. Cỗ nước hiện nay đã giảm chỉ còn xôi và 4 bát chè. Đĩa xôi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại được chế biến cầu kỳ sao cho từng hạt xôi rời, không kết dính nhưng lại dẻo, thơm. Ông Nguyễn Cao Mạnh, người làng Diệc chia sẻ: Để đựng được tất cả các món ăn, người dân làng Diệc phải chế một chiếc mâm gỗ có kích thước lớn hơn những chiếc mâm vẫn thường dùng hiện nay. Ngoài mâm cỗ lão, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, các gia đình sẽ làm thêm vài mâm cỗ thường để người thân, họ hàng chung vui. Mâm cỗ lão của người lên lão có bố cao tuổi nhất sẽ được đặt ở vị trí trung tâm để lễ thánh. Các mâm sau theo thứ tự tuổi của ông bố của người được lên lão đặt xung quanh.

Bên cạnh mâm cỗ, cách ngồi mâm cỗ lão cũng có tuần tự theo quy định. Cũng như nhiều địa phương khác, người làng Diệc vốn trọng người cao tuổi. Vì thế, trong mâm cỗ 4 người, cụ nhiều tuổi nhất sẽ ngồi vị trí bên phải góc trong cùng, ngồi đối diện với cụ cao tuổi thứ hai và cạnh cụ thứ ba ngồi cạnh cụ thứ hai và cụ thứ tư ngồi cạnh cụ thứ nhất. Trong trường hợp hai cụ bằng tuổi nhau thì sẽ căn cứ vào tuổi của ông bố cao tuổi hơn.

Ông Dương Bá Sến, Trưởng thôn Diệc cho biết: Dù đã thay đổi về thời gian, địa điểm tổ chức ăn cỗ lão, số lượng trong mâm cỗ lão cũng đã giảm so với trước nhưng tục lên lão ở làng Diệc vẫn giữ được ý nghĩa riêng của nó. Không chỉ thể hiện lòng tôn kính với người cao tuổi, khẳng định được sự trưởng thành, có chức danh ở làng của người lên lão, tục lên lão còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ biết trọng lão đồng thời gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, quy tụ những người con xa quê hướng về nguồn cội. Qua phong tục này thể hiện khát vọng sống lão, sống thọ, sống sung túc, no đủ của người dân địa phương. Bởi ý nghĩa đó, tục lên lão vẫn được người dân làng Diệc duy trì, gìn giữ đến tận ngày nay và chắc chắn truyền thống văn hóa này sẽ luôn tồn tại trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Hoàng Lanh