Thứ 2, 25/11/2024, 14:48[GMT+7]

Năm Tý ngẫm lại những dấu ấn của chuột trong văn hóa dân gian

Thứ 2, 27/01/2020 | 17:04:18
3,986 lượt xem
Là linh vật tượng trưng cho người tuổi Tý và đứng đầu 12 con giáp, trong văn hóa dân gian, loài chuột gắn liền với sự nhanh nhẹn, thông minh song cũng không kém phần hóm hỉnh hài hước.

Tuy là loài vật nhỏ bé, lại gây nhiều thiệt hại cho cuộc sống con người nhưng hình tượng chuột đã được cả thế giới đưa vào phim ảnh, ca dao tục ngữ cùng nhiều bài học đối nhân xử thế. Nó là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian thú vị còn tồn tại đến ngày nay và “gánh” trọng trách nói lên những điều khó nói, là biểu tượng cho những điều không mấy tốt đẹp và đáng ghét trên đời.

Trong cuộc sống hằng ngày, người ta vẫn sử dụng hình ảnh chuột để chuyển tải những thông điệp đầy ý nhị, sâu sắc và thấm thía, mà không kém phần hóm hỉnh hài hước.

Từ dấu ấn văn hóa Phương Đông…

Trong văn học xưa đến nay, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt, chuột vẫn là hình tượng xấu. Bởi xuất phát từ thực tế, loài vật độc hại này mỗi năm gây ra cái chết cho hàng vạn người trên trái đất bằng bệnh dịch hạch. Với khả năng ăn luôn miệng và có thể ăn từ 200-400 gram lúa/ngày, chuột phá hoại mùa màng không kể xiết. Đã thế, nó còn mắn đẻ với 9-10 lứa mỗi năm, mỗi lứa có thể đẻ đến 20 con.

Mặc dù hình ảnh tiêu cực như vậy nhưng trong 12 con giáp, chuột lại chiếm vị trí đầu tiên, trước cả hổ, rồng. Điều này cho thấy con người vẫn dành cho chuột chỗ đứng trang trọng. Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng loài chuột gắn liền với điềm báo mùa màng bội thu, bởi chúng sống cùng với đồng ruộng và sinh sôi nảy nở nhanh.

Vựa lúa của cả nước là miền Tây Nam Bộ vào đêm giao thừa mà nghe tiếng chuột chít chít là bà con nông dân mừng rỡ vui, vì họ tin rằng đó là dấu hiệu của một năm mới sung túc, bồ đầy thóc.

Thậm chí, thịt chuột từ lâu đã trở thành món ăn độc đáo, không chỉ là đặc sản ở một số vùng quê Việt Nam mà một số dân tộc Đông Nam Á khác vẫn coi thịt chuột đồng là món đặc sản đồng nội.

Đặc biệt, ở quốc gia nghìn đảo Indonesia, người ta cho rằng chuột là ân nhân của con người khi báo hiệu mùa lũ dâng cao. Nước dâng đến đâu, chuột kéo đến đấy báo tin cho người xưa chuẩn bị hành trang vượt biển đi tìm vùng đất mới tiếp tục sinh tồn.

Trong khi đó, văn hóa Trung Hoa đầy rẫy dấu ấn chuột, biểu tượng cho lòng trung thực, vị tha, óc cầu tiến, tính cách dễ dãi và sự hào phóng.

Tại Ấn Độ, mặc dù không được đề cao nhưng loài chuột vẫn hiện diện trong dãy 12 con giáp. Trong thần phả Hindu giáo, do thần Ganesha cưỡi chuột nên ít nhiều tượng chuột thần có thể được tìm thấy trong các ngôi đền bản địa.

Nam Ty ngam lai nhung dau an cua chuot trong van hoa dan gian hinh anh 1

Đám cưới chuột của dòng Tranh Đông Hồ.

…đến tranh dân gian Đông Hồ

Có lịch sử khoảng 600 năm tuổi, bức tranh Đám cưới chuột có gam màu chủ đạo đỏ, xanh, vàng của dòng tranh dân gian Đông Hồ, Việt Nam đã vô cùng nổi tiếng. Cũng bởi nó mang nội dung vừa hài hước, vừa châm biếm sâu xa. Có lẽ người Việt đã quen với hình ảnh 12 con chuột và một con mèo, chia làm hai tầng trong bức tranh này.

Tầng trên là cảnh bốn con chuột dâng một con chim cho mèo mặt to, dáng vẻ oai vệ đang đưa tay nhận lễ vật. Chuột đầu đàn dâng lễ khom người, đuôi cụp lại trông đầy sợ sệt; con tiếp theo xách cá mà vẻ sợ sệt không kém gì con đi đầu. Hai con đi cuối thổi kèn ở tư thế phòng bị, khi có biến là “vọt” nhanh.

Bức tranh thật hài hước khi người nghệ nhân dân gian đã thổi hồn và nhân cách hóa loài chuột để chúng cũng biết làm đám cưới, lấy vợ. Nhưng châm biếm là, chú rể chuột kia muốn đón dâu lại phải mang chim, mang cá cống cho mèo. Hình ảnh này đã phản ánh chế độ phong kiến tàn ác, lạc hậu một cách sâu cay.

Mèo được họa đầy béo tốt, mặt nghiêm nghị tỏ vẻ như khó chịu nhưng tay vẫn chìa ra nhận hối lộ. Còn chuột bé nhỏ vừa phải dẫn bầu đoàn kèn trống đi cống nạp, vừa khép nép dò xét tình thế để ứng biến. Mèo đại diện cho tầng lớp thống trị, bóc lột trong xã hội xưa. Còn những chú chuột là hình ảnh ẩn dụ cho người nông dân lam lũ, thật thà, chất phác.

Mặc dù bức tranh không có chú thích nhưng ai nhìn cũng dễ nhận ra nét ẩn dụ tinh tế của người nghệ nhân dân gian. Cục diện bức tranh đã vẽ lên hiện thực của đời sống, rằng kẻ yếu thì luôn phải chịu bất công và thiệt thòi.

Loài chuột vốn ranh ma, tinh quái, đa nghi, luôn cảnh giác với kẻ thù không đội trời chung là loài mèo, lại hóm hỉnh châm biếm mèo tham của hối lộ. Đám cưới chuột chính là sự châm biếm đả kích sâu cay chế độ phong kiến bất công, cổ hủ, thối nát, luôn chèn ép những người nông dân hiền lành một nắng hai sương.

Ứng với xã hội loài người ngày nay, dù chế độ phong kiến đã kết thúc song tình trạng đút lót vẫn còn tồn tại. Ở nhiều công ty, doanh nghiệp bức tranh đông hồ Đám cưới chuột vẫn là một trong những bức họa treo tường được lựa chọn để nhắc nhở, răn đe người có chức có quyền sống và cư xử sao cho phải đạo./.

Theo thethao&vanhoa