Thứ 7, 23/11/2024, 18:25[GMT+7]

Khống chế bệnh đốm trắng trên tôm

Thứ 6, 24/05/2024 | 08:57:47
3,706 lượt xem
Những ngày qua, ngành chuyên môn cùng 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy tăng cường chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp khống chế bệnh đốm trắng trên tôm, bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản.

Các hộ nuôi trồng thủy sản ở huyện Thái Thụy tăng cường phòng, chống bệnh đốm trắng trên tôm.

Tính đến ngày 21/5, bệnh đốm trắng trên tôm đã xảy ra ở 244 ao của 126 hộ tại các xã: Đông Minh (Tiền Hải), Thụy Trường, Thụy Hải, Thụy Xuân (Thái Thụy) với diện tích 148.539m2, số lượng giống thả 469,8 vạn con. Để ngăn chặn hiệu quả bệnh đốm trắng đang có nguy cơ lây lan rộng, giảm tối đa thiệt hại, giúp nhân dân sớm ổn định sản xuất, những ngày qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy nỗ lực triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, tập trung cao cho công tác chỉ đạo và huy động nguồn lực khống chế dịch bệnh, phân công cán bộ bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời báo cáo tình hình, diễn biến của bệnh đốm trắng trên tôm theo quy định. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng ngừa tại các vùng chưa xảy ra dịch bệnh. 

Cùng với sự vào cuộc của ngành chuyên môn, người dân cần bảo đảm dinh dưỡng và môi trường hợp lý trong ao nuôi để tăng sức đề kháng cho tôm; triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đốm trắng trên tôm hiệu quả. Chính quyền các địa phương sớm tăng cường vận động người nuôi tôm cùng bảo vệ môi trường vùng nuôi, tránh lây lan bệnh đốm trắng từ hộ này sang hộ khác, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế trong nuôi trồng thủy sản. 

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Sau khi có thông báo bệnh đốm trắng gây hại một số diện tích nuôi tôm tại các xã Đông Minh, Thụy Trường, Thụy Hải, Thụy Xuân, Chi cục đã phân công cán bộ phối hợp với địa phương kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm xác minh dịch bệnh, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khoanh vùng dập dịch kịp thời, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan; tiêu hủy tôm chết bằng hóa chất Chlorine. Đến thời điểm này, lượng hóa chất đã cấp để xử lý môi trường tại các địa phương có diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng là 281kg, vôi bột 200kg... 

Để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản, ngành chuyên môn khuyến cáo các hộ nuôi tôm tại các địa phương chưa xuất hiện bệnh đốm trắng sử dụng thức ăn công nghiệp ở những cơ sở sản xuất có uy tín. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn tươi sống và không rõ nguồn gốc. Không vứt rác bừa bãi ra ngoài môi trường nuôi thủy sản. Thường xuyên bổ sung khoáng chất và vitamin vào thức ăn, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi loại bỏ các loại khí độc phát sinh trong ao, phân hủy nguồn thức ăn dư thừa và chất thải của tôm nuôi. Hạn chế tối đa người ra vào khu nuôi tôm, tránh mang mầm bệnh lây nhiễm từ bên ngoài vào khu vực nuôi, những người vào khu vực nuôi cần phải được xử lý bảo đảm vệ sinh. 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Khi bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện tại xã Đông Minh, huyện đã phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh khoanh vùng xử lý, không để lây lan ra diện tích nuôi tôm của các địa phương khác. Đến ngày 21/5, bệnh đốm trắng trên tôm chỉ phát sinh tại 228 ao của các hộ dân xã Đông Minh với diện tích 127.889m2, số lượng giống 257 vạn con. 

Tại Thái Thụy, hiện nay bệnh đốm trắng đã gây thiệt hại 181 vạn con tôm giống. Ông Nguyễn Trọng Bằng, xã Thụy Hải cho biết: Sau khi kiểm tra diện tích ao nuôi tôi thấy tôm có biểu hiện kém ăn đột ngột, sau đó bỏ ăn, bơi lờ đờ ở mặt nước dạt vào bờ. Đây là triệu chứng bệnh đốm trắng trên tôm. Chưa đầy 1 tháng xuống giống, dịch bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại 1.800m2 nuôi tôm sú, tôm thẻ của gia đình. Hiện nay, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn, tôi đã thực hiện xử lý môi trường ao nuôi bằng hóa chất, vôi bột, không để dịch bệnh lây lan sang các hộ dân trong vùng. 

Thời gian này, cùng với tập trung khống chế dịch bệnh đốm trắng trên tôm tại các địa phương, ngành chuyên môn của tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra trên tôm để chủ động phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra; tập trung tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đầy đủ khuyến cáo và chỉ đạo của ngành chuyên môn, trong đó thực hiện xử lý môi trường trong thời gian quy định, bảo đảm nuôi trồng thủy sản an toàn.

Vùng nuôi trồng thủy sản xã Đông Minh (Tiền Hải).

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày