Thứ 7, 23/11/2024, 12:40[GMT+7]

“Giữ lửa” nghề truyền thống ở Mê Linh

Thứ 3, 28/05/2024 | 09:02:50
8,011 lượt xem
Trải qua nhiều biến động, thăng trầm, đến nay làng nghề truyền thống làm dũa thép, bẫy chuột ở xã Mê Linh (Đông Hưng) vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong việc “giữ lửa” cho làng nghề không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết đang ngày đêm trao truyền “vốn quý” cho thế hệ sau.

Làng nghề truyền thống làm dũa thép, bẫy chuột của xã Mê Linh hiện giải quyết việc làm cho trên 300 lao động.

Đã hơn 20 năm gắn bó với nghề làm dũa thép và bẫy chuột của địa phương song chị Nguyễn Thị Hiếu thấy chưa bao giờ làng nghề lại gặp khó như mấy năm qua bởi giá thép lên cao, thiếu nhân lực, thị trường bị thu hẹp. Chị đã tìm mọi cách để duy trì sản xuất, đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc hiện đại, đa dạng chủng loại hàng hóa, trực tiếp mang sản phẩm đi quảng bá, chào bán, phát triển thị trường ở cả trong và ngoài nước. 

Chị Hiếu cho biết: Đây là nghề mà vợ chồng tôi vất vả gây dựng hơn 20 năm qua, vì vậy khi chồng mất, làng nghề gặp khó khăn tôi không nản mà vẫn muốn giữ nghề. Tôi gom vốn mua một loạt máy móc hiện đại như máy uốn khung, máy quay lò xo để giảm công đoạn nặng nhọc cho người lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tận dụng các mối quan hệ để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện sản phẩm của cơ sở tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, được các chủ cửa hàng phía Nam xuất sang Campuchia. Mỗi năm cơ sở xuất bán hàng vạn chiếc bẫy chuột và sản phẩm cán thép, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương, chủ yếu là người có tuổi.

Bà Bùi Thị Khái, xã Mê Linh cho biết: Có tuổi rồi nên tôi không đi làm ở công ty được, may mà cháu Hiếu nhận vào làm. Tôi làm ở đây nhiều năm rồi. Công việc không vất vả vì có máy móc hỗ trợ. Mỗi tháng được trả tiền công 4 triệu đồng giúp tôi có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống. Tôi mong giá nguyên liệu làm cán thép, bẫy chuột giảm, thị trường tiêu thụ của làng nghề mở rộng, cơ sở có lãi thì thu nhập của chúng tôi mới cao hơn được, làng nghề truyền thống của địa phương cũng sẽ được duy trì, phát triển bền vững.

Cũng như chị Hiếu, gia đình ông Nguyễn Văn Quang - một trong những hộ sản xuất quy mô lớn nhất xã Mê Linh cũng phải đầu tư nâng cấp các loại máy phục vụ sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, tập trung sản xuất các sản phẩm thị trường đang có nhu cầu để giữ nghề và bảo đảm việc làm cho lao động. 

Ông Quang chia sẻ: Tôi cố duy trì nghề để bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho 33 lao động là phụ nữ, người có tuổi không thể đi làm ở công ty, xí nghiệp. Mong sắt thép sớm được bình ổn giá để giá thành sản phẩm giảm mới kích cầu được tiêu dùng. Chứ nguyên liệu đầu vào cao như hiện nay thì việc giữ nghề truyền thống rất khó.

Nhờ tình yêu nghề của những người như chị Hiếu, ông Quang, xã Mê Linh vẫn duy trì được làng nghề sản xuất cơ khí với các nghề làm dao kéo, cán thép phôi dũa, sản xuất dũa thép, bẫy chuột, tập trung nhiều ở thôn Tiền, thôn Hậu, thôn An Vĩnh. Hiện toàn xã có gần 140 hộ với trên 300 lao động làm nghề cơ khí, trong đó sản xuất bẫy chuột nhiều nhất với gần 120 hộ, 270 lao động. Mỗi năm làng nghề sản xuất dũa thép, bẫy chuột đạt doanh thu trên 60 tỷ đồng. Việc duy trì, phát triển làng nghề đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 61,2 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,65%. 

Ông Phạm Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho biết: Huyện đã quy hoạch trên địa bàn xã một cụm công nghiệp, vì vậy khi cụm công nghiệp hình thành xã sẽ vận động, tuyên truyền các hộ vào đó xây dựng nhà xưởng rộng rãi để sản xuất, việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa cũng thuận tiện hơn. Xã cũng tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay, đầu tư nâng cấp máy móc hiện đại, đa dạng mặt hàng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm làng nghề bằng nhiều hình thức, nhất là trên các kênh thương mại điện tử.

Duy trì, giữ vững nghề truyền thống, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng giúp xã Mê Linh hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Quang, xã Mê Linh tạo việc làm cho trên 30 lao động địa phương.

Thu Hiền

 

 

 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày