Thứ 7, 23/11/2024, 23:45[GMT+7]

Việt Nam có hơn 32 triệu ví điện tử đang hoạt động

Thứ 3, 28/05/2024 | 22:12:57
1,851 lượt xem
Đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán; hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành và 32,77 triệu ví điện tử đang hoạt động.

Ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu khai mạc họp báo - Ảnh: BTC

Chiều 28/5, tại TPHCM, Báo Tuổi trẻ phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024.

Theo ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, Trưởng Ban Tổ chức, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã rất phổ biến, len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống hằng ngày của người dân.

Tuy nhiên, song song với sự phát triển nhanh của hoạt động thanh toán và công nghệ thanh toán cũng phát sinh những vấn đề về bảo mật, an ninh an toàn.

Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ việc về chiếm quyền tài khoản, chiếm đoạt tiền của người dân..., phần nào đó khiến người dân hoang mang, lo ngại khi thanh toán không dùng tiền mặt.

"Đó là lý do chúng tôi tổ chức chuỗi sự kiện thanh toán không dùng tiền mặt năm nay với chủ đề: "Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật"", ông Toàn nói.

Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo

Phát biểu tại họp báo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, cho biết đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán; hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành và 32,77 triệu ví điện tử đang hoạt động.

Về vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán, ông Lê Anh Dũng cho biết, NHNN đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ.

Việt Nam có hơn 32 triệu ví điện tử đang hoạt động- Ảnh 2.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN phát biểu tại họp báo - Ảnh: BTC

Song song đó, ưu tiên áp dụng mở tài khoản thanh toán/ví điện tử bằng phương tiện điện tử (eKYC) đối với khách hàng sử dụng căn cước công dân gắn chip. Tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện hậu kiểm 100% đối với các tài khoản/ví điện tử mở bằng eKYC…

Ngoài ra, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra về an toàn hệ thống thông tin và hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại nhiều tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong ngành làm tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo, gian lận thanh toán cho toàn thể cán bộ ngành ngân hàng và khách hàng.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID và hỗ trợ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết thêm, NHNN là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, truyền thông giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng.

Việt Nam có hơn 32 triệu ví điện tử đang hoạt động- Ảnh 3.

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) trả lời câu hỏi của các phóng viên tại họp báo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo đó, NHNN đã và đang phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình gameshow "Tiền khéo Tiền khôn", chương trình "Đồng tiền thông thái" trong chuyên mục Chào buổi sáng"; chương trình "Tay hòm chìa khóa" - sử dụng đồ họa trực quan thông tin và hình ảnh hóa các quy trình thực hiện các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt.

NHNN cũng phối hợp với các cơ quan báo chí để truyền thông giáo dục tài chính qua các bài viết, phóng sự; thực hiện các chương trình "Ngày không tiền mặt" cùng Báo Tuổi trẻ, xây dựng chuyên mục "Tư vấn Tài chính" trên Báo Đầu tư; phối hợp các trường học tổ chức cuộc thi "Hiểu đúng về tiền", "Hiểu biết về tài chính" dành cho học sinh, sinh viên…

Đặc biệt, NHNN đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng fanpage Giáo dục tài chính (https://www.facebook.com/giaoductaichinh.official). Fanpage thu hút nhiều lượt theo dõi, truy cập, với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng…

Qua chặng đường 5 năm triển khai, chương trình "Ngày không tiền mặt" do Báo Tuổi trẻ phát động đã truyền tải, lan tỏa thông điệp, giá trị tích cực của thanh toán không tiền mặt, góp phần định hình và củng cố thói quen, hành vi sử dụng các phương thức, phương tiện thanh toán không tiền mặt an toàn, tiện lợi, góp phần tạo nên chuyển biến rõ nét về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.

Diễn ra trong tháng 6, bên cạnh các hoạt động như lễ hội "Ngày không tiền mặt", sự kiện năm nay có nhiều điểm mới với Chương trình giao lưu, tư vấn kỹ năng tài chính an toàn (tư vấn cho học sinh - sinh viên các kỹ năng về quản lý chi tiêu, kiểm soát tiền, đầu tư tài chính, các mini game thử thách quản lý tài chính); ngoài ra còn có minigame hiến kế giao dịch an toàn; hoạt động chạy bộ…

Ngoài ra còn có hội thảo với chủ đề "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" (dự kiến vào ngày 14/6/2024) với quy mô khoảng hơn 300 khách mời đến từ Trung ương và địa phương...

Theo baochinhphu.vn