Thứ 7, 23/11/2024, 16:14[GMT+7]

“Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”

Thứ 6, 31/05/2024 | 15:38:41
2,636 lượt xem
Trong lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, được đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 27/3/1946, Bác Hồ viết: “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”. Học tập và làm theo việc rèn luyện sức khỏe của Bác Hồ đến nay đã được 32 năm, hiện tại cơ thể tôi khỏe mạnh và không có bệnh tật. Vậy xin chia sẻ tới các bạn những điều rất đơn giản nhưng lại khó thực hiện, nếu ai làm được thì rất có giá trị.

Hình minh họa

VAI TRÒ CỦA TẬP LUYỆN

Theo  tôi, trong lĩnh vực sức khỏe có 3 “ngôi báu” đó là: ăn uống - tập luyện và dùng thuốc. Trong đó, việc tập luyện là khó thực hiện nhất.
Tập luyện trong lĩnh vực sức khỏe có nghĩa là:

- Ta phải hiểu giá trị của tập luyện mang lại sức khỏe cho chính bản thân ta.

- Ta phải biết ta cần tập bài tập gì cho phù hợp với chính cơ thể của ta, tập vào lúc nào, tập trong bao lâu, tập như thế nào thì mới có lợi?

- Ta phải thực hành việc tập luyện đều đặn như ăn cơm, uống nước hàng ngày thì mới có giá trị.

HỌC KHÔNG KHÓ NHƯNG LÀM ĐƯỢC LẠI RẤT KHÓ

1. Sự đối lập trong chính bản thân mình:
Bản thân tôi và chắc các bạn cũng vậy đều hiểu việc tập luyện rất tốt cho sức khỏe nhưng có tập được hay không lại là chuyện khác.
Ban đầu tôi không thể nào vượt qua được chính mình, cứ như đẽo cày giữa đường vậy. Thấy ai tập cái gì hay hay là theo, nào là nâng tạ, hít xà đơn, đạp xe, bơi, khí công, thiền, khiêu vũ... nhưng chỉ được dăm bữa, nửa tháng là đã bỏ bễ. Nghĩ thì rất ham nhưng làm thì lại như mèo mửa.

2. Lười tập và tập không có kỷ luật:

- Tập theo kiểu ngẫu hứng, thích thì tập, không thích là bỏ tập.

- Tập không có kỷ luật, trời lạnh, trời mưa, buồn ngủ, bạn rủ đi la cà là bỏ tập.

- Không thấy ngay được giá trị của tập luyện. Luôn nghĩ rằng chưa tập chưa chết ai và không tập cũng chẳng chết ai.

ĐIỀU GÌ ĐÃ LÀM TÔI HIỂU VÀ TẬP

Ngày 20/8/1992, tôi được tham dự khai mạc Hội khỏe Phù Đổng lần thứ III tại Đà Nẵng. Trên sân vận động dựng một tấm pa nô lớn có ảnh Bác Hồ với hai tay nâng hai quả tạ nhỏ, ở dưới ghi dòng chữ: “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”.
Chính hình ảnh đó đã làm tôi thay đổi và bắt đầu tập từ ấy.

TÔI TẬP NHỮNG GÌ VÀ TẬP NHƯ THẾ NÀO?

1. Tôi tập gì?

Ban đầu tôi tham gia khá nhiều môn thể thao, thể dục, thấy ai tập gì hay hay là tôi hùa tập theo: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tennis, golf, rồi yoga, thiền, tôi đều thử hết... và hiện nay là bida.
Sau này, đặc biệt là khi cao tuổi, tôi nhận ra một điều rất quan trọng là:

+ Không phải cứ thích môn gì là tập được môn đó.

+ Không phải tập nhiều là tốt.

+ Không phải cứ tự tập mà được. Nếu theo tập bất cứ môn gì, ban đầu cũng cần phải có thầy để hướng dẫn đúng.

2. Chọn bài tập phù hợp:

- Độ tuổi của tôi từ 30 - 55 tuổi, khi đó gân, cơ, xương, khớp còn dẻo nên tôi tập khá nhiều môn.

- Tuổi 60 xương khớp đã thoái hóa, vận động khó khăn hơn. Khi đó tôi phải thận trọng tìm chọn và tư vấn bài tập cho phù hợp từng thời điểm.

- Tôi đã chọn tập yoga. Cụ thể là: khi bị đau mỏi vai gáy, thì tôi chọn tập bài yoga chữa đau mỏi vai gáy. Khi tôi bị ê ẩm cột sống thắt lưng, thì tôi chọn tập bài yoga chữa đau cột sống thắt lưng. Khi ù tai hoa mắt chóng mặt thì tôi tập bài yoga chữa rối loạn tiền đình...

- Môn thể thao phù hợp nhất với tuổi tôi bây giờ là tôi chọn chơi bida.

3. Ngày nào tôi cũng tập

- Cứ 5h sáng tôi dậy tập yoga 40 phút. Tập tại gia nên rất hiếm khi tôi bỏ buổi.

- Buổi chiều tôi chơi bida từ 16 - 17h.

Tôi nhận thấy, chơi bida là môn thể thao trí tuệ thanh cao, rèn luyện sức bền dẻo cho cơ thể, vì thế nên tôi say và chơi thường xuyên.

LỜI KHUYÊN CHO TẤT CẢ

1. Học và làm theo lời dạy của Bác Hồ “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập” là rất có giá trị, giúp cho sức khỏe bền lâu.

2. Cần tư vấn chọn môn tập, chọn bài tập phù hợp cho chính mình, ở từng thời điểm.

3. Tập ngay từ lúc còn trẻ khỏe, thì sẽ bảo dưỡng cơ thể tốt và làm chậm quá trình thoái hóa, bạn sẽ trẻ khỏe lâu hơn.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày