Thứ 4, 13/11/2024, 06:42[GMT+7]

Khó khăn trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Thứ 6, 31/05/2024 | 17:58:43
5,887 lượt xem
Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành xu hướng kinh doanh phổ biến. Có thể nói, đây là lĩnh vực kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra nhiều khó khăn đối với công tác quản lý thuế.

Cán bộ bộ phận một cửa Cục Thuế tỉnh hỗ trợ người nộp thuế qua hòm thư điện tử.

Để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, chi cục thuế các huyện và các chi cục thuế khu vực. Trong công tác tuyên truyền, ngành thuế tập trung phổ biến các quy định, chính sách thuế về hoạt động kinh doanh TMĐT đến người nộp thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng; cử cán bộ trực đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin phản ánh từ người nộp thuế, trên cơ sở đó hỗ trợ, hướng dẫn, giải thích để người nộp thuế hiểu và đồng thuận thực hiện. 

Bên cạnh nguồn dữ liệu quản lý thuế do Tổng cục Thuế cung cấp, ngành thuế Thái Bình còn tích cực chỉ đạo rà soát, đôn đốc người nộp thuế kê khai, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước; đồng thời, tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị cung cấp dịch vụ internet (Viettel Thái Bình, Vinaphone, Mobiphone...) và các đơn vị vận chuyển nhằm khai thác dữ liệu thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT. Chi cục thuế các huyện và các chi cục thuế khu vực cũng rất tích cực triển khai thu thuế từ hoạt động TMĐT. 

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực thành phố Thái Bình - Vũ Thư cho biết: Trên cơ sở văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh, Chi cục đã xây dựng phương án chi tiết và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức thực hiện nhằm bảo đảm theo dõi, quản lý chặt chẽ đối với người nộp thuế; tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến khích cá nhân, hộ kinh doanh TMĐT chủ động kê khai, nộp thuế; đồng thời, phối hợp với các xã, phường, thị trấn rà soát, xác định tên, địa chỉ cá nhân chưa rõ ràng hoặc không liên hệ được. Giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2024, Chi cục Thuế khu vực thành phố Thái Bình đã thu được hơn 3,7 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động TMĐT với tổng số hơn 870 hộ, cá nhân kinh doanh đã rà soát.

Mặc dù đã vào cuộc rất tích cực nhưng kết quả thu thuế TMĐT vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tốc độ phát triển của công nghệ và quy mô kinh doanh TMĐT hiện nay. Đến hết tháng 5/2024, qua rà soát, đôn đốc từ nguồn dữ liệu được Tổng cục Thuế cung cấp, Cục Thuế tỉnh tự khai thác và người nộp thuế tự kê khai với tổng số gần 3.500 hộ, cá nhân kinh doanh, tổng thu từ hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh đạt hơn 12,6 tỷ đồng (bao gồm cả số thu từ thu nhập quảng cáo trên trang web), trong đó thuế giá trị gia tăng đạt hơn 7,7 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân đạt hơn 3,5 tỷ đồng, lệ phí môn bài đạt hơn 116 triệu đồng và tiền phạt vi phạm hành chính, chậm nộp đạt hơn 1,2 tỷ đồng. 

Ông Phạm Ngọc Bảo, Trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác cho biết: Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đó là công tác khai thác, thu thập dữ liệu phục vụ quản lý thuế. Hiện nay, dữ liệu do Tổng cục Thuế cung cấp và Cục Thuế tỉnh tự khai thác hầu hết không đầy đủ, chính xác về thông tin tên, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng... nên cần thiết phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thu thập đầy đủ thông tin phục vụ công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, hiện nay công tác chia sẻ, kết nối thông tin TMĐT giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan với cơ quan thuế còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, công tác tiếp cận, hướng dẫn người nộp thuế hiểu và chấp hành đúng pháp luật thuế; việc xử lý vi phạm hành chính về kê khai, đăng ký thuế... cũng gặp nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, thời gian tới, ngành thuế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT để mọi người dân cùng hiểu và thực hiện; chỉ đạo bộ phận chuyên môn tham mưu xây dựng phương án thu thập dữ liệu, phân loại người nộp thuế theo từng hoạt động kinh doanh TMĐT khác nhau; xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT và các doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận hàng hóa, chuyển phát nhanh, các đơn vị trung gian thanh toán để nắm bắt kịp thời thông tin về các cá nhân, tổ chức có kinh doanh TMĐT...


 - Theo Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nếu đăng ký thuế quá thời hạn quy định thì bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng;

- Theo Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nếu nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn thì bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 25 triệu đồng;

- Theo Điều 17 Nghị định số 125/2020/NÐ-CP của Chính phủ, trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động TMĐT không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế (trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP) thì bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn; 

- Trường hợp trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 47, Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017). 


Minh Hương