Thứ 7, 09/11/2024, 22:21[GMT+7]

Sức sống của nghệ thuật chèo truyền thống trong xã hội đương đại Kỳ 2: Phát triển câu lạc bộ chèo - Khi số lượng đi kèm chất lượng

Thứ 2, 03/06/2024 | 20:58:42
36,360 lượt xem
Những năm gần đây, số lượng câu lạc bộ (CLB) chèo trên địa bàn tỉnh gia tăng nhanh chóng trên cơ sở kế thừa giá trị nghệ thuật truyền thống. Theo kiểm kê, có 234 CLB chèo sinh hoạt ở 8 huyện, thành phố, ngoài ra còn có hơn 300 CLB văn nghệ, nghệ thuật dân gian có hát chèo là minh chứng cho sự lan tỏa và sức sống của nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Cậy chỉ bảo thế hệ tiếp nối của làng chèo Khuốc.

Nghệ nhân với vai trò “gạn đục khơi trong” 

Đối với hoạt động của CLB chèo ở phong trào quần chúng không thể không nhắc tới các nghệ nhân đang trực tiếp bảo tồn, truyền dạy nghệ thuật chèo. Trong bối cảnh xã hội vận động, biến đổi không ngừng, những nghệ nhân được ví như “kho tàng di sản văn hóa sống” có vai trò “gạn đục khơi trong” để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nghệ thuật chèo trong đời sống đương đại. 

Qua 3 đợt phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT), riêng đối với nghệ thuật chèo, trên địa bàn tỉnh có 1 NNND, 5 NNƯT. Ngoài ra, còn rất nhiều nghệ nhân dù chưa được trao tặng những danh hiệu cao quý này nhưng vẫn đang thầm lặng từng ngày cống hiến cho nghệ thuật chèo truyền thống. 

Điều đáng quý, nhiều nghệ nhân có gia đình 3 - 4 thế hệ đều biết hát chèo như: NNƯT Phạm Thị Cậy, NNƯT Vũ Văn Thìn, nghệ nhân Cao Thị Bấc cùng ở xã Phong Châu (Đông Hưng), nghệ nhân Phạm Thị Tiến ở xã Minh Quang, nghệ nhân Lương Thị Tý ở xã Vũ Đoài (Vũ Thư), nghệ nhân Nguyễn Viết Tựa ở xã Thái Phúc (Thái Thụy)... Khác nhau về độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp nhưng điểm chung của các nghệ nhân là tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật chèo truyền thống. Họ đang ngày đêm miệt mài đóng góp công sức, tâm huyết cho nghệ thuật cổ truyền thống qua việc thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả đội văn nghệ, CLB hát chèo, tập hợp những người yêu thích hát chèo, truyền dạy và tham gia liên hoan, cuộc thi chèo không chuyên được tổ chức hàng năm. 

Trên chiếu chèo quê, các nghệ nhân say mê biểu diễn nghệ thuật cổ truyền.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống hát chèo ở làng Khuốc, từ nhỏ NNƯT Vũ Văn Thìn đã được bố là cố nghệ nhân Vũ Văn Phụ và các nghệ nhân nổi tiếng của làng Khuốc truyền dạy. Đam mê với nghệ thuật, hiện nay ông là một trong những nghệ nhân thuần thục 12 làn điệu chèo cổ làng Khuốc, vừa có thể diễn, hát vừa sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ đặc trưng của nghệ thuật chèo như trống dế, trống cơm, mõ, thanh la. Số lượng học viên được NNƯT Vũ Văn Thìn truyền dạy đã lên tới hàng trăm người ở nhiều CLB trên địa bàn tỉnh. Những thành công trên, theo ông: “Tất cả là từ tình yêu nghề, muốn giữ lấy nghề tổ các cụ đã để lại”. Ông luôn nặng lòng “Làm sao để giữ được nghề tổ? Chỉ có cách là cùng với các bác nghệ nhân trong làng tiếp tục truyền dạy cho các cháu đời sau để chèo của làng Khuốc không mai một”. 

Truyền dạy để vốn cổ của làng không mai một cũng luôn là trăn trở của nghệ nhân Cao Thị Bấc, con của cố nghệ nhân dân gian Cao Kim Trạch. Bà chia sẻ: Thừa hưởng từ cha những điệu chèo cổ, các trích đoạn dân gian của làng Khuốc, tôi truyền dạy cho lớp trẻ của làng, của xã, nhất là các cháu nhỏ, tôi đã mở được 3 lớp dạy cho 30 cháu biết hát chèo. Tôi luôn cố gắng để có thể góp phần “giữ được bản sắc nghề chèo và làm sao thu hút được nhiều thế hệ yêu chèo, hát chèo, có như thế mới xây dựng được đội ngũ lớn mạnh cho nghề chèo đỡ bị phôi phai. 

Đa dạng hình thức truyền dạy 

Được thành lập từ chính sở thích, nhu cầu, mong muốn có sân chơi bổ ích, ý nghĩa của người dân nên những năm gần đây, các CLB chèo được thành lập và hoạt động sôi nổi tại nhiều địa phương trong tỉnh. Được hỗ trợ về nơi sinh hoạt, tập luyện, huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa và do thành viên đóng góp nên nhiều CLB đã mời các NNND, NNƯT về truyền dạy nghệ thuật chèo. Bên cạnh đó, với niềm đam mê chèo, các CLB cũng chủ động tự học hỏi, nghiên cứu tập luyện, dựng bài, dựng vở. Các lớp tập huấn hát múa chèo ở cơ sở do Trung tâm Văn hóa tỉnh, trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thành phố tổ chức đều đặn hàng năm cũng là nơi nghệ thuật chèo được truyền dạy một cách hiệu quả và thiết thực. 

Câu lạc bộ chèo truyền thống hoạt động sôi nổi góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Hơn 20 năm qua, CLB chèo xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) do ông Phạm Ngọc Nhụ gây dựng hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Ngoài lòng nhiệt huyết của các thành viên, CLB được Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện, CLB chèo của huyện bồi dưỡng hạt nhân chèo. Hiện nay, CLB đã dàn dựng nhiều vở chèo cổ: “Trương Viên”, “Tiếng sáo vầng trăng”, “Vợ chồng ông chài”... Năm 2023, CLB chèo xã Quốc Tuấn là một trong những CLB chèo của huyện được tập huấn xây dựng CLB chèo thành mô hình điểm nhằm phát huy nghệ thuật múa hát chèo ở cơ sở, bồi dưỡng nhân tố tích cực trong phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. 

Ông Phạm Ngọc Nhụ, Chủ nhiệm CLB chèo xã Quốc Tuấn chia sẻ: Những năm qua, địa phương hoàn thiện các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho CLB có nơi tập luyện từ đó lan tỏa tình yêu chèo trong bà con nhân dân. Tháng nào CLB cũng có những buổi sinh hoạt định kỳ tại nhà văn hóa xã để tập luyện, giao lưu gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật hát múa chèo. 

Song song với hoạt động củng cố, phát triển các CLB chèo đã có trở thành mô hình điểm trên địa bàn tỉnh, ngành văn hóa tích cực phối hợp với các địa phương phục dựng, duy trì hoạt động của CLB chèo tại những chiếng chèo cổ. 

Tại làng chèo Hà Xá, xã Tân Lễ (Hưng Hà), để thành lập CLB chèo, 40 thành viên ở mọi lứa tuổi, có niềm đam mê với nghệ thuật chèo được giảng viên đến từ Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Nhà hát Chèo, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện truyền dạy một số trích đoạn, làn điệu chèo cổ tiêu biểu; những kỹ năng cơ bản về hát, múa chèo, tập luyện tiết mục múa và sử dụng một số nhạc cụ phục vụ biểu diễn chèo. Sau quá trình được tập huấn, hướng dẫn, CLB chèo Hà Xá duy trì hoạt động thường xuyên và đóng góp nhiều tiết mục biểu diễn tại các chương trình của địa phương. 

Ông Đinh Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà chia sẻ: Chúng tôi ghi nhận và biểu dương các thành viên CLB chèo Hà Xá đã rất say sưa, nhiệt tình. Huyện Hưng Hà quyết tâm khôi phục, phát huy giá trị nghệ thuật chèo để chiếu chèo xã Tân Lễ dần trở lại với đời sống sinh hoạt của bà con nơi đây. Hy vọng phong trào hát chèo của bà con Tân Lễ sẽ liên tục được phát huy, tiếng hát chèo sẽ ngân xa để nhiều nơi, nhiều vùng trên cả nước biết đến chiếu chèo Hà Xá, xã Tân Lễ. 

Hoạt động sôi nổi của các CLB chèo là nhân tố quan trọng góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật chèo trong đời sống đương đại. Thực tiễn đó cho thấy, để di sản văn hóa được trường tồn cần sự tham gia tích cực của cộng đồng trong vai trò chủ thể thực thụ. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc sát sao của các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong tư vấn, hỗ trợ quản lý để hoạt động của các CLB đúng định hướng, theo chính sách, pháp luật của nhà nước và quy định của địa phương. 



(còn nữa) 

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày