Chủ nhật, 10/11/2024, 05:55[GMT+7]

Nắng nóng, nhiều người phải nhập viện điều trị

Thứ 7, 22/06/2024 | 11:54:48
5,559 lượt xem
Nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua khiến nền nhiệt tăng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người phải nhập viện điều trị. Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu tháng 6 đến nay, mỗi ngày các bác sĩ, nhân viên y tế tiếp nhận hơn 130 bệnh nhân, trong đó chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, đột quỵ

Bệnh nhân bị tai biến chiếm khoảng 10% trong tổng số bệnh nhân điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đang ngồi chơi ở nhà hàng xóm, bà N.T.C, xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Phụ) bị trượt ghế ngã, không thể tự đứng dậy được. Ngay sau đó, gia đình đã cho bà N.T.C đến khám tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được chẩn đoán bị tai biến mạch máu não. Người nhà bệnh nhân cho biết: Hàng ngày, ở nhà bà vẫn khỏe mạnh. Khi nắng nóng bà thường ở trong phòng bật điều hòa, thỉnh thoảng có sang hàng xóm chơi, đến trưa ngày 18/6 thì bị ngã. Từ khi bị ngã, sức khỏe yếu, bà không thể đi lại được. Gia đình không nghĩ bà bị tai biến nhanh như vậy. 

Cùng điều trị tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân P.V.Đ, 62 tuổi, xã Tự Tân (Vũ Thư) được chẩn đoán bị đột quỵ, xuất huyết não. Vợ bệnh nhân chia sẻ: Ở nhà chồng tôi vẫn khỏe mạnh, không có tiền sử bị đột quỵ. Mấy ngày nắng nóng, chồng tôi có dấu hiệu bị tê tay nhưng vẫn làm những công việc nhẹ nhàng. Đến sáng sớm ngày 18/6, chồng tôi dậy sớm làm việc bình thường rồi đột nhiên không thể đứng dậy, tay không đưa lên cao được và mất ý thức, quá lo lắng gia đình đã đưa ngay đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bị đột quỵ cũng may là đưa đến bệnh viện kịp thời. 

Theo thống kê của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 2 tuần gần đây (từ ngày 5 - 19/6), Khoa đã tiếp nhận 179 bệnh nhân đột quỵ, gần 190 bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch và một số bệnh nhân bị say nắng, say nóng. Bác sĩ Lã Mạnh Lãm, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Thời tiết nắng nóng, các bệnh lý thường gặp ở người lớn như tim mạch, huyết áp, đột quỵ não, viêm đường hô hấp, say nắng, say nóng; ở trẻ em gồm: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, viêm màng não, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Tại Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận bệnh nhân bị các cơn tăng huyết áp khẩn cấp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Với bệnh nhân đột quỵ não, người bệnh thường suy giảm ý thức, nói ngọng, liệt nửa người, rối loạn cơ tròn, đại tiểu tiện. Người bệnh say nắng, say nóng là do làm việc ngoài trời hoặc môi trường nhiệt độ cao, thay đổi nhiệt độ đột ngột, bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng rối loạn ý thức kích thích hoặc li bì, có khi co giật, tụt huyết áp, thở nhanh, da khô. 

Hiện nay, nắng nóng gay gắt đúng thời điểm người dân đang thu hoạch lúa. Người làm việc liên tục ngoài đồng, phơi thóc lúc nắng nóng cũng như lao động tại các công trình xây dựng, lao động ngoài trời liên tục... có thể bị mệt mỏi, váng đầu, say nắng, say nóng. Do đó, bác sĩ Lã Mạnh Lãm khuyến cáo: Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, bất cứ ai cũng có nguy cơ bị say nắng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể bị suy thận, ảnh hưởng đến não, tim, thậm chí là tử vong. Người dân phải ra ngoài khi trời nắng nóng cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành; không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức; luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng. Khi vừa đi nắng về, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể cao không nên tắm ngay vì sẽ thay đổi thân nhiệt đột ngột có thể dẫn đến đột quỵ. Mùa nắng, người dân cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, củ quả; không để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy. Bên cạnh đó, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường điều hòa ra ngay trời nắng, nóng. Với người bệnh có tiền sử đột quỵ não, bệnh tim mạch, ngoài thực hiện các khuyến cáo ở trên cần duy trì đều việc uống thuốc hoặc các biện pháp dự phòng; chủ động khám sức khỏe định kỳ; không để nhiệt độ điều hòa quá lạnh; uống đủ nước và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý. Một giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu. Vì thế, cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường. 

Như Hoàng