Chủ nhật, 10/11/2024, 09:21[GMT+7]

Đưa trung tâm dữ liệu lên không gian để tiết kiệm điện

Thứ 2, 01/07/2024 | 17:25:01
2,619 lượt xem
Nhu cầu trung tâm dữ liệu phục vụ AI tăng mạnh thúc đẩy Liên minh châu Âu EU nghiên cứu phương án lưu trữ trên không gian để giảm tiêu thụ điện.

Phác thảo một trung tâm dữ liệu trong dự án ASCEND. Ảnh: Thales Alenia Space

"Dự án nghiên cứu Đám mây không gian tiên tiến phục vụ phát thải ròng bằng 0 và chủ quyền dữ liệu của châu Âu (ASCEND) đã đi đến kết luận đáng khích lệ", Damien Dumestier, quản lý dự án, cho biết cuối tháng 6.

Nghiên cứu ASCEND có ngân sách 2,1 triệu USD, được tiến hành bởi liên doanh Thales Alenia Space theo yêu cầu từ Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU). Các nhà nghiên cứu trong dự án kết luận việc triển khai trung tâm dữ liệu trên vũ trụ là phương án khả thi về mặt kỹ thuật, tài chính và môi trường.

"Ý tưởng là chuyển trung tâm dữ liệu lên không gian để tận dụng nguồn năng lượng vô tận từ Mặt Trời, giảm nhu cầu năng lượng trên mặt đất", Dumestier cho hay.

Trung tâm dữ liệu là yếu tố then chốt với quá trình số hóa, nhưng cũng đòi hỏi nguồn năng lượng và nước làm mát khổng lồ. Tổ chức Năng lượng Quốc tế IEA cho biết tổng mức tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu toàn cầu có thể đạt 1.000 terawatt-giờ vào năm 2026, tương đương mức tiêu thụ của cả Nhật Bản.

"Ngành công nghệ sắp đối mặt với sóng thần dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu AI có thể cần nguồn năng lượng gấp ba lần cơ sở truyền thống. Đó là vấn đề lớn, không chỉ giới hạn về mặt năng lượng. Cần có cách tiếp cận hoàn toàn mới về phương án thiết kế, xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu", Merima Dzanic, lãnh đạo bộ phận chiến lược và vận hành tại Hiệp hội Công nghiệp Trung tâm dữ liệu Đan Mạch, nhận xét.

ASCEND nghiên cứu giải pháp triển khai trung tâm dữ liệu ở quỹ đạo 1.400 km so với mặt đất, gấp ba lần độ cao của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Dumestier cho biết ASCEND đặt mục tiêu phóng 13 khối mô-đun trung tâm dữ liệu với tổng mức tiêu thụ 10 megawatt lên vũ trụ trước năm 2037, nhằm xây dựng điểm khởi đầu cho quá trình thương mại hóa dịch vụ đám mây không gian.

Mỗi mô-đun có diện tích bề mặt 6.300 m2, có thể đảm nhận dịch vụ trung tâm dữ liệu độc lập và nằm gọn trong một tên lửa đẩy. ASCEND đặt mục tiêu triển khai 1.300 mô-đun, đạt tổng công suất một gigawatt trước năm 2050, nhằm tạo ra tác động đáng kể với mức tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Theo vnexpress.net