Thứ 7, 09/11/2024, 22:33[GMT+7]

Ôtô bay có thể chạy trên đường phố

Chủ nhật, 07/07/2024 | 09:17:19
2,478 lượt xem
Ôtô bay Pegasus E trang bị cánh quạt lớn và 4 bánh xe nhỏ, đạt tốc độ 160 km/h khi bay và 120 km/h khi chạy dưới lòng đường.

Video: %C3%94t%C3%B4_bay_1.mp4?_t=1720318367

 Ôtô bay Pegasus E thử nghiệm ở Trung Quốc. Video: Pegasus.

Công ty dịch vụ di chuyển hàng không tiên tiến tại Australia, Pegasus, chuyển trụ sở và cơ sở sản xuất tới Las Vegas, bắt đầu hoạt động tại Mỹ. Pegasus đã phát triển ôtô bay từ năm 2009 và dần hoàn thiện thiết kế. Hiện nay, công ty đang tập trung phát triển dòng ôtô bay Pegasus E.

Pegasus E trông giống chiếc trực thăng nhỏ một chỗ ngồi với cánh quạt lớn bên trên, khung gầm xe bánh hở gắn bên dưới, sử dụng các thanh nối bằng sợi carbon. Phương tiện trang bị hệ thống truyền động lai (kết hợp động cơ điện và động cơ đốt trong), trong đó, động cơ đốt trong có công suất khoảng 160 mã lực.

Pegasus E có trọng lượng khô là 265 kg. Với bình nhiên liệu đầy 60 lít, chiếc xe sẽ bay với trọng tải 101 kg, đạt tốc độ tối đa 160 km/h và độ cao tối đa 1.800 m. Nó có thời gian hoạt động 3 giờ và phạm vi bay 420 km, lớn hơn nhiều so với những gì mà phương tiện bay cất hạ cánh thẳng đứng chạy hoàn toàn bằng điện mang lại.

Trên đường, dù chỉ có bánh xe nhỏ, Pegasus E vẫn có thể đạt tốc độ lên tới 120 km/h. Kích thước nhỏ gọn cho phép nó đậu vừa trong các gara tiêu chuẩn cũng như những điểm đỗ xe kích thước bình thường, đáp ứng được một số tiêu chí về tính thực tế.

Phần thân bằng sợi carbon của Pegasus E bao gồm hai cửa mở hướng lên. Hệ thống điều khiển được bố trí gọn gàng, bao gồm ba bàn đạp chân dùng cho cả chế độ bay trên trời và chạy dưới đường, một vô lăng để lái dưới đường và các cần điều khiển để bay.

Video: %C3%94t%C3%B4_bay_2.mp4?_t=1720318364

 Ôtô bay Pegasus E thử nghiệm chạy trên mặt đường. Video: Pegasus.

Về tính năng an toàn, người lái có thể cho xe hạ cánh theo cơ chế "tự quay" (autorotation). Tự quay là quy trình khẩn cấp cho phép phi công hạ cánh trực thăng một cách nhẹ nhàng và có kiểm soát khi động cơ dừng hoạt động. Cơ chế này gồm một loạt thao tác và kỹ thuật nhằm tận dụng năng lượng tích trữ từ độ cao, tốc độ bay và tốc độ cánh quạt để làm chậm quá trình lao xuống và hạ cánh.

Pegasus đã lấy được chứng nhận đủ điều kiện bay từ Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng Australia (CASA), cho phép Pegasus E bay theo các quy định hiện hành. Chứng nhận này sẽ giúp công ty nhanh chóng lấy được một chứng nhận tương tự ở Mỹ. Tuy nhiên, việc đăng ký chạy trên đường bộ có vẻ khó khăn hơn với các quy định về đèn pha, đèn hậu, đèn báo rẽ, túi khí, mức phát thải và nhiều quy định khác.

Pegasus đang tìm kiếm khoản đầu tư để tăng số lượng sản xuất từ 10 xe dự kiến vào năm 2025 lên 900 xe mỗi năm vào năm 2030. Công ty cũng đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ôtô bay hàng đầu thế giới.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày