Nghề dệt may ở Kiến Xương: Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân
Công ty TNHH Logitex (cụm công nghiệp Vũ Ninh) thu hút rất đông người lao động trên địa bàn huyện vào làm việc. Bà Vũ Thị Ngọ, công nhân Công ty cho biết: Trước đây tôi phải đi làm xa nhà. Từ khi Công ty TNHH Logitex thành lập, tôi về làm gần nhà với công việc và thu nhập ổn định vừa để trang trải cuộc sống vừa chủ động được thời gian chăm sóc gia đình. Công ty có nhiều chế độ phúc lợi cho người lao động như đóng bảo hiểm, chế độ chuyên cần, các chế độ ngày nghỉ lễ nên người lao động luôn cố gắng, yên tâm làm việc. Đến nay, thu nhập của tôi ổn định bình quân đạt 8 triệu đồng/tháng.
Làm cùng bà Ngọ, ông Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ: Ngay sau khi đi xuất khẩu lao động trở về, tôi vào Công ty TNHH Logitex làm việc. Ngoài việc được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi theo quy định, Công ty thường xuyên có những món quà nhỏ để động viên công nhân nên ai cũng hăng say làm việc hết mình để có thu nhập cao. Ngoài làm ở Công ty với thu nhập hơn 8 triệu đồng/ tháng, tôi còn tranh thủ cấy lúa, chăn nuôi để tăng thu nhập.
Ông Lương Phú Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Logitex khẳng định: Lý do chúng tôi đầu tư nhà máy về Kiến Xương bởi chính quyền huyện luôn tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Kiến Xương là huyện có nguồn lao động dồi dào, nhiều lao động trẻ, năng động, chăm chỉ làm việc. Cùng với đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, Công ty luôn coi người lao động là tài sản vô giá, thực hiện đầy đủ các chế độ phúc lợi xã hội để giữ chân người lao động. Đến nay, thu nhập bình quân của hơn 100 công nhân đạt từ 8,5 - 9 triệu đồng/người/ tháng.
Năm 2014, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái đầu tư vào cụm công nghiệp Thanh Tân đã tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động.
Chị Nguyễn Thị Thùy, xã Trà Giang cho biết: Trước đây tôi có thời gian dài làm việc trong doanh nghiệp may trên thành phố Thái Bình. Tuy nhiên, 11 năm nay tôi đã gắn bó với Việt Thái để được gần nhà, đi lại thuận tiện mà vẫn tranh thủ làm nông nghiệp. Với sự cần cù, chịu khó, tôi đã đạt mức thu nhập bình quân từ 9 - 10 triệu đồng/tháng.
Bà Hoàng Thị Mai, xã Đình Phùng đã gắn bó hơn 5 năm với Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái. Bà chia sẻ: Trước đây tôi chỉ làm nông, mỗi vụ cấy 3 - 5 sào lúa; từ khi vào làm ở doanh nghiệp, tôi đã trở thành công nhân có tay nghề. Vì thế tôi đã bàn giao ruộng cho người khác, chỉ chuyên tâm làm may. Nghề may đã mang lại cho tôi thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Bà Trần Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái thông tin: Ngành may rất khó tuyển dụng, giữ chân lao động nên Công ty đã thực hiện đầy đủ các chế độ để họ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Điển hình, với người mang thai, nuôi con nhỏ Công ty có thêm bữa ăn phụ; quan tâm hỗ trợ, động viên người lao động hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật; quan tâm bữa ăn ca và duy trì các chế độ phúc lợi. Vì thế, nhiều lao động gắn bó với doanh nghiệp từ ngày thành lập đến nay, được hưởng chế độ thâm niên cao, thu nhập của người lao động đạt bình quân 7,5 triệu đồng/người/ tháng.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kiến Xương: Ngành dệt may trên địa bàn huyện ngày càng hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động. Hiện tại, các doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến tháng 9/2024, nhiều doanh nghiệp lớn đã ký hợp đồng đến hết năm 2024. Mặc dù giá trị đơn hàng chưa cao do ảnh hưởng từ khó khăn chung của kinh tế toàn cầu nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, bảo đảm nguồn hàng, duy trì việc làm cho người lao động. Ngành dệt may đã giúp các địa phương thực hiện tốt tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian tới, huyện Kiến Xương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có dệt may. Tích cực khảo sát nhu cầu học nghề may của người dân để xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp cũng như đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may về mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Công ty TNHH Sơn Hà tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động.
Thu Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật