Chủ nhật, 10/11/2024, 05:46[GMT+7]

Thành phố: Chủ động ứng phó các tình huống trong mùa mưa bão

Thứ 3, 16/07/2024 | 09:00:00
4,761 lượt xem
Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay, thành phố Thái Bình đã tập trung chuẩn bị các phương án cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”.

Thi công cống thoát nước tại tuyến phố Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình).

Thành phố có gần 22km đê Trà Lý, trong đó một số trọng điểm đê, kè xung yếu như kè Vũ Đông, đê kè Sa Cát phải xây dựng phương án ứng cứu; một số đoạn đê chưa đủ cao trình, mặt cắt thiết kế; mặt đê một số đoạn xuống cấp chưa được đầu tư. Khu vực nội thành, một số công trình nhà ở, nhà tập thể đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn khi có bão. Hệ thống sông, thoát nước đô thị chưa đủ năng lực tiêu thoát nước khi có mưa lớn kéo dài, gây úng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; có nhiều công trình, dự án lớn đang được xây dựng; mật độ dân số cao, lượng người sinh sống, tham gia học tập, công tác, du lịch nhiều. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của thành phố cần được chú trọng đặc biệt, đề phòng cả trường hợp lũ, bão, mưa lớn cùng lúc, kéo dài, nhằm bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, chống úng lụt với mục tiêu ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. 

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Trong công tác PCTT và TKCN, thành phố luôn xác định phòng là chính, chống phải tích cực ngay từ giờ đầu. UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố thường xuyên chỉ đạo sát sao, quyết liệt đến các ngành, địa phương, đơn vị. Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình thủy lợi, đê điều, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm đê, kè, cống xung yếu được thực hiện sớm, triển khai phương án đến chính quyền địa phương để chuẩn bị nhân lực, vật tư theo quy định. Năm 2023, thành phố đã đầu tư thực hiện các dự án củng cố, tu bổ công trình thủy lợi, đê điều, cùng với đó là các dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè, lòng đường kết hợp sửa chữa hệ thống thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu vực với tổng mức đầu tư gần 113 tỷ đồng. UBND thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường quản lý công trình thủy lợi, đê điều; kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm. Từ đầu năm đến nay, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp chống ngập úng gắn với chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, lòng đường các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lê Quý Đôn, Quang Trung, Bồ Xuyên. 

Đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè, lòng đường Lê Quý Đôn, đoạn từ Trần Thái Tông đến Trần Thủ Độ. 

Tuyến đường Lê Quý Đôn đoạn từ Trần Thái Tông đến Trần Thủ Độ là 1 trong 3 dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè, lòng đường kết hợp sửa chữa hệ thống thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ đang được gấp rút thi công. Dự án không chỉ góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố mà còn góp phần giải quyết bài toán ngập úng từ bao năm qua. Sau những trận mưa lớn trong tháng 6 vừa qua, người dân khu vực này rất phấn khởi bởi tình trạng ngập úng đã được cải thiện. 

Là người dân sinh sống tại tuyến đường Lê Quý Đôn, phường Tiền Phong gần 20 năm nay, ông Phạm Văn Tiệp chia sẻ: Trước đây cứ mưa to là ngập, người dân rất khổ khi nước tràn vào nhà, đồ đạc và các vật dụng đều phải đưa lên cao. Cuộc sống vẫn đảo lộn nhiều ngày sau khi trời hết mưa. Được sự quan tâm của tỉnh, thành phố, đến nay tuyến đường đang được triển khai thi công đạt trên 50% khối lượng công việc. Tình trạng ngập lụt đã được cải thiện rõ rệt, người dân chúng tôi rất phấn khởi và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng kế hoạch vào tháng 9/2024. 

Để thực hiện hiệu quả công tác PCTT và TKCN, từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục chủ động chuẩn bị sớm, đầy đủ vật tư, phương tiện và nhân lực; chống mọi biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Bảo vệ an toàn hệ thống đê sông Trà Lý. Tích cực, chủ động đề phòng những đợt lũ lớn, những cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào địa bàn và có phương án ứng phó với trường hợp bất lợi nhất là lũ - bão trùng hợp xảy ra. Chủ động phòng tránh và tiêu úng cho lúa, cây màu, vùng nuôi thủy sản, các khu - cụm công nghiệp, khu vực dân cư, đô thị ở mức cao nhất. Quán triệt sâu sắc đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân nắm vững phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi thiên tai xảy ra. 

Náo vét, khơi thông hệ thống sông trục xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình). 

Minh Nguyệt