Thứ 7, 23/11/2024, 17:35[GMT+7]

Dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam

Thứ 6, 08/03/2024 | 15:26:37
2,126 lượt xem
2 tháng đầu năm, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm đến nước ta. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 mới diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính yêu cầu tiếp tục tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI.

Nếu nhìn lại thời điểm này năm ngoái sẽ thấy câu chuyện năm nay đã khác. Kết thúc tháng 2/2023, nhiều người không khỏi băn khoăn khi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng năm nay, lượng vốn này đã lấy lại đà tăng.

Tính đến ngày 20/02, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Một điểm đáng chú ý là chúng ta có tỉ lệ dự án mới rất cao, tăng hơn 55% so với cùng kỳ. Đây là cơ sở để kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng của chúng ta trong những năm tới.

Dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam - Ảnh 1.

2 tháng đầu năm, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.

Công ty TNHH THN Autoparts Việt Nam - một nhà đầu tư Hàn Quốc - đang hoàn thiện nhà xưởng thứ 3 tại tỉnh Thanh Hoá với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Đây sẽ là dự án đưa vào vận hành nhanh nhất của công ty, giúp tăng gấp đôi sản lượng lắp ráp bộ dây điện cho các mẫu xe hơi đời mới của Hàn Quốc giữa năm nay.

"Chúng tôi đã sớm chọn được quỹ đất sạch, nhất là vị trí có hạ tầng giao thông được đồng bộ rất cao từ trục cao tốc mới, đến các cảng hàng không, cảng biển. Chính quyền cơ sở và tỉnh đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, thuê đất… nhờ vậy chúng tôi có thể sản xuất kịp các đơn hàng đang tăng cao", ông Lee Kwang Ho - Tổng giám đốc Công ty TNHH THN Autoparts Việt Nam cho biết.

Tháng 2, Central Pattana - thương hiệu bất động sản bán lẻ lớn của Thái Lan đã lập pháp nhân tại Việt Nam. Động thái được đánh giá là bước mở rộng đầu tư sau khi tập đoàn mẹ thông báo sẽ rót thêm gần 1,5 tỷ USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2027.

Số liệu của Tổng Cục Thống kê cũng cho thấy năm 2023, bán buôn - bán lẻ là một trong những lĩnh vực thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất của nước ta. Dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần, tương ứng mức gần 42% số giao dịch.

Ông Matthieu Francois - Giám đốc Hợp danh, McKinsey Việt Nam đánh giá: "Trong khu vực châu Á, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ nhiều triển vọng lạc quan nhất chúng tôi quan sát, dù trong bối cảnh khó khăn đi nữa. Thu nhập của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng, đặc biệt ở các khu vực ngoài các thành phố lớn. Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, chỉ là chúng ta sẽ phải chờ đợi lâu hơn để thị trường bật tăng trở lại".

Hà Nội là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 914 triệu USD, gấp 24 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, những con số thu hút vốn ngoại của Việt Nam là rất tích cực, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư ngoại với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam - Ảnh 2.

Tạo thuận lợi về hạ tầng, chính sách để thu hút doanh nghiệp FDI

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua. Để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại, 3 giải pháp đột phá đã được chỉ ra, bao gồm phát triển nguồn nhân lực, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và đặc biệt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Trong 2 tháng đầu năm, các khu công nghiệp tại Hà Nội đã đón nhận 1 dự án FDI mới, với quy mô tương đối lớn, 66 triệu USD. Điểm đáng chú ý là thời gian giải quyết thủ tục hành chính được giảm rõ rệt.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: "Có những thủ tục hành chính trước đây là 13 ngày làm việc thì giờ rút ngắn xuống còn 7 ngày. Đặc biệt trong năm 2023, cũng như dự án đầu năm 2024, sau khi có hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư, đã tiến hành cấp phép trong vòng 24 giờ".

Tập trung tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn - đây là giải pháp đang được nhiều địa phương đẩy mạnh.

Ông Lê Minh Nghĩa - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Tỉnh duy trì các chính sách và giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư đặc biệt hỗ trợ mở rộng các quỹ đất công nghiệp, hỗ trợ kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đến chân hàng rào của dự án, để doanh nghiệp không chỉ mở rộng sản xuất mà còn lôi kéo các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất của mình".

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nhiều chính sách đột phá mới và có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… Hay đơn giản hơn là các quy định về xuất nhập cảnh, các thủ tục, nội quy visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam đang trở nên rất hấp dẫn đối với các tập đoàn sản xuất công nghệ cao. Những cái tên như Intel, Samsung, Symnopsys, Qualcomm, Amkor… đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Để đón đầu dòng vốn chất lượng cao, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia và Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày