Làm muối ở Tam Đồng: Hành trình trải nghiệm khó quên
Mỗi chuyến đi là một hành trình thú vị
Vượt quãng đường hơn 30km cùng học sinh tham quan làng muối Tam Đồng, cô giáo Trịnh Thị Thu Hà, Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ, đây không phải lần đầu tiên cô được hướng dẫn học sinh trải nghiệm nghề làm muối. Với cô, mỗi chuyến đi đều mang lại niềm phấn khởi bởi được chứng kiến sự thay đổi tích cực của học trò mình: “Học sinh thành phố nhiều em chưa biết đến công việc đồng áng vất vả, nặng nhọc, chưa biết thực tế hình ảnh người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà các em vẫn học, vẫn viết. Vì vậy, những chuyến đi thực tế về làng quê như thế này là điều kiện thuận lợi nhất để cô trò cùng được giãi bày, chia sẻ, mở rộng vốn hiểu biết, kỹ năng sống cho các em”.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình trải nghiệm của mỗi đoàn khách tham quan tại làng muối Tam Đồng là phủ thờ Bà Chúa Muối. Dù đã được nghe chia sẻ của hướng dẫn viên trong đoàn, tìm hiểu thông tin cơ bản về nơi đây nhưng dâng hương tại phủ thờ, ngắm nhìn di tích và trực tiếp trò chuyện cùng người dân bản địa, lắng nghe những người cao tuổi trong làng giới thiệu về lịch sử địa phương, những câu chuyện xoay quanh sự tích Bà Chúa Muối, với các học sinh là trải nghiệm đầy hứng khởi.
Em Phạm Bình An, lớp 10D4 cho biết: Chuyến đi giúp chúng em có thêm hiểu biết về địa danh rất ý nghĩa trên quê hương Thái Bình của mình là phủ thờ Bà Chúa Muối - điểm đến nằm trong cụm di tích lịch sử cấp quốc gia miếu Ba Thôn - chùa Hưng Quốc. Qua chuyến đi, em còn được biết thêm Bà Chúa Muối là nhân vật lịch sử có thật thời Trần với đủ những hạnh phúc, bi ai.
Phủ thờ Bà Chúa Muối là điểm đến đầu tiên trên hành trình trải nghiệm nghề làm muối truyền thống làng Tam Đồng.
Bà Chúa Muối tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh tại trang Quang Lang, huyện Thụy Vân (nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy). Từ thuở nhỏ, bà đã có tài mạo khác thường, chăm đọc sách vở và rất thông minh. Bà thường ra đồng giúp bố mẹ làm việc. Nhưng mỗi lần giúp bố mẹ thì bà đi đến đâu trời lại râm đến đấy, trong khi nghề làm muối phải có nắng, nắng càng to thì muối càng đẹp. Lo lắng cho nghề truyền thống và kế sinh nhai của cư dân địa phương, những người cao tuổi trong làng đã bàn ra kế đóng cho bà một chiếc thuyền để mang muối đi buôn nơi khác. Trong một lần buôn, thuyền của bà đậu ở bến sông gần kinh thành Thăng Long, vừa hay lại đúng dịp vua Trần Anh Tông đi kinh lý qua sông. Xiêu lòng trước vẻ đẹp của bà, vua đã đưa bà vào cung, hết mực sủng ái và phong làm tam phi. Nhưng không may, bà không sinh được con rồi buồn phiền mà lâm bệnh. Vua Trần Anh Tông đưa bà về quê ngoại với hy vọng có thể khiến bệnh tình của bà tiến triển tốt hơn. Sau khi bà thoát trần, nhà vua vô cùng thương xót, sắc phong cho bà làm Phúc Thần. Lễ hội Bà Chúa Muối là nét văn hóa, truyền thống của người dân miền biển với tục múa ông Đùng bà Đà được tổ chức vào ngày 14/4 âm lịch hàng năm, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tự hào hạt muối quê hương
Rời phủ thờ Bà Chúa Muối - địa danh duy nhất trên cả nước có nghề làm muối gắn với di tích văn hóa tâm linh, du khách được trải nghiệm các công đoạn của nghề làm muối ngay tại ruộng muối xã Thụy Hải. Nếu các tỉnh từ Quảng Nam trở vào có hai mùa nắng mưa rõ rệt, nước biển có độ mặn cao nên sử dụng bức xạ mặt trời và gió để nước bốc hơi, cô đặc đến khi kết tinh thành muối thì miền Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) do mưa nắng xen kẽ nên phải dùng cát làm môi giới. Đó là sáng tạo của người xưa để cho ra sản phẩm muối “chạt”. Theo các nhà khoa học, trên thế giới có khoảng 120 nước sản xuất muối nhưng có lẽ hiếm quốc gia nào sản xuất theo phương pháp phơi cát như miền Bắc Việt Nam. Do vậy, bảo tồn nghề sản xuất muối phơi cát ngoài ý nghĩa về kinh tế còn là sự bảo tồn làng nghề truyền thống.
Gắn bó với nghề làm muối của quê hương, cũng là người trực tiếp hướng dẫn các đoàn khách du lịch về tham quan, trải nghiệm tại ruộng muối, nỗi niềm với nghề đã in hằn trên làn da đen sạm của ông Vũ Đức Tuấn - một người dân địa phương. Vừa nhanh tay chỉ dẫn du khách cách thu hoạch muối, ông vừa hào hứng chia sẻ thông tin mà các nhà khoa học đã nghiên cứu: sản phẩm muối ở Thái Bình được làm theo phương pháp truyền thống, thẩm thấu nước mặn qua cát nên muối giữ được nhiều vitamin và khoáng chất, có hơn 60 nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe con người, có thể dùng để chữa bệnh.
Ông Tuấn bày tỏ: Đã có nhiều đoàn khách, trong đó không ít là các đoàn học sinh, sinh viên về tìm hiểu tại làng muối, chúng tôi đều trực tiếp gặp gỡ và chia sẻ về quê hương, nghề truyền thống của mình. Tôi thấy rất phấn khởi khi lớp trẻ trong và ngoài tỉnh có mong muốn tìm hiểu, trải nghiệm nghề sản xuất muối “chạt”. Rất mong qua các kỳ tham quan, các bạn trẻ sẽ góp phần lan tỏa hiểu biết về giá trị của hạt muối này.
Diêm dân làng muối Tam Đồng hướng dẫn du khách quy trình làm muối truyền thống.
Ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Qua quá trình trực tiếp tổ chức các tour du lịch, dẫn nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế về trải nghiệm nghề làm muối tại làng Tam Đồng, chúng tôi nhận thấy du lịch cộng đồng ở nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển. Trong đó, điều đáng quý là các diêm dân có lòng mến khách, đón tiếp du khách nồng hậu, để lại ấn tượng tốt đẹp, là cơ sở để du khách mong muốn trở lại và giới thiệu, quảng bá về làng nghề. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các diêm dân được hỗ trợ bảo tồn nghề muối truyền thống, hạ tầng đường sá rất thuận lợi là những thế mạnh để đơn vị lữ hành có thể đưa du khách về trải nghiệm. Tuy nhiên, phải thừa nhận có một số khó khăn lớn trong phát triển du lịch ở đây. Nghề làm muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trong khi lịch trình của tour du lịch đều phải lên trước từ nhiều ngày, với khách quốc tế có khi là nhiều tháng. Nếu ngày đoàn khách trải nghiệm không có nắng to, thậm chí là mưa thì sẽ đồng nghĩa với việc trên ruộng muối ít có diêm dân, khiến cho trải nghiệm của du khách không thuận lợi. Ngoài ra, hiện nay chưa có nhiều sản phẩm du lịch liên kết để hành trình trải nghiệm của du khách đến đây trở nên phong phú. Vì vậy, cần có nhiều sự đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất để có thể phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm tại làng nghề muối Tam Đồng.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật