Thứ 7, 23/11/2024, 13:54[GMT+7]

Chủ động, linh hoạt điều hành ngân sách những tháng cuối năm

Thứ 6, 26/07/2024 | 14:23:55
5,840 lượt xem
Năm 2024, Thái Bình thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) với dự toán gần 19.500 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương với dự toán gần 18.000 tỷ đồng và chi ngân sách địa phương với dự toán gần 18.000 tỷ đồng. Để hoàn thành dự toán được giao ở mức cao nhất, trong những tháng cuối năm, ngành tài chính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Hoạt động sản xuất ở Công ty Cổ phẩn Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ. Ảnh Khắc Duẩn

Một trong những giải pháp quan trọng được ngành tài chính chú trọng thực hiện đó là tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách trên địa bàn bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN; mở rộng cơ sở thu nhất là thương mại điện tử, nền tảng số.

Ông Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Trừ tiền sử dụng đất, tổng thu từ thuế và phí do ngành thuế thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt 55,2% dự toán với số thu gần 2.700 tỷ đồng; trong đó có 2 chỉ tiêu thu đã vượt dự toán gồm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 231,5%), thu công ích và hoa lợi công sản (đạt 171,9%); 3 chỉ tiêu thu dự kiến cả năm vượt dự toán gồm thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (đạt 84%), thuế thu nhập cá nhân (đạt 85,2%), thu khác ngân sách (đạt 83%). Mặc dù toàn ngành đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhưng một số chỉ tiêu thu quan trọng vẫn đạt tỷ lệ thấp như: thu tiền sử dụng đất thực hiện hơn 1.400 tỷ đồng, đạt 37,7% dự toán; thuế bảo vệ môi trường thực hiện hơn 120 tỷ đồng, đạt 23,7% dự toán.

Cùng với đó, hoạt động khai thác tăng thu bước đầu đang mang lại nhiều tích cực nhưng hiệu quả chưa cao; một bộ phận người nộp thuế chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về thuế; việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế chưa bảo đảm tiến độ so với kế hoạch giao; công tác thu hồi nợ thuế còn gặp nhiều khó khăn...

Trước những khó khăn đó, trong những tháng cuối năm, ngành thuế đẩy mạnh khai thác các khoản thu còn dư địa; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn; xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực và loại thuế còn thất thu, trên cơ sở đó kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đã xây dựng, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp; chủ động phân tích, đánh giá, phân loại các khoản nợ thuế bảo đảm việc triển khai thực hiện các biện pháp quản lý nợ thuế và cưỡng chế thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, đúng quy định.

Không chỉ triển khai thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách trên địa bàn, ngành tài chính còn tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên.

Ông Phạm Hồng Tùng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Để bảo đảm công tác điều hành chi ngân sách đạt hiệu quả, toàn ngành thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; ưu tiên nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội...

Cùng với đó, ngành tài chính tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công; nghiêm túc thực hiện các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả và có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Từ những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, dự kiến năm 2024 tổng thu NSNN ước thực hiện gần 25.800 tỷ đồng, đạt 132,3% dự toán, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện hơn 24.400 tỷ đồng, đạt 136,6% so với dự toán, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện gần 24.430 tỷ đồng, đạt 137% so với dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Với những giải pháp đã và đang được ngành tài chính triển khai tích cực sẽ tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác điều hành ngân sách, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh những tháng cuối năm.

Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Thái Bình luôn thực hiện tốt nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước. Ảnh Khắc Duẩn

Đến hết tháng 6/2024:

- Tổng thu NSNN ước thực hiện gần 14.000 tỷ đồng, đạt 71,4% dự toán, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023;

- Tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện hơn 13.300 tỷ đồng, đạt 74,4% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó tổng thu nội địa đạt gần 4.100 tỷ đồng, đạt 47,6% dự toán, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023;

- Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện hơn 8.200 tỷ đồng, đạt 46% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó chi đầu tư phát triển ước thực hiện gần 3.800 tỷ đồng, đạt 56% dự toán.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày