Thứ 7, 23/11/2024, 14:07[GMT+7]

Án phạt của FIFA với Canada sau bê bối quay trộm ở Olympic

Thứ 2, 29/07/2024 | 08:18:12
1,528 lượt xem
FIFA đã đưa ra án phạt nặng đối với bóng đá nữ Canada, bao gồm trừ điểm và cấm các huấn luyện viên, sau vụ bê bối quay trộm tại Olympic Paris 2024.

Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) đã chính thức đưa ra án phạt đối với đội tuyển bóng đá nữ Canada sau vụ bê bối sử dụng máy bay không người lái để do thám đối thủ tại Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Vụ việc bắt đầu khi Ủy ban Olympic New Zealand đệ đơn khiếu nại chính thức về việc phát hiện một máy bay không người lái đang quay phim đội bóng đá nữ của họ trong buổi tập luyện vào ngày 22/7.

Cảnh sát địa phương nhanh chóng vào cuộc và bắt giữ Joseph Lombardi - một nhà phân tích không được công nhận của LĐBĐ Canada. Lombardi sau đó nhận án tù treo 8 tháng và bị trục xuất về nước cùng với trợ lý HLV Jasmine Mander.

HLV trưởng Bev Priestman đã bị đuổi khỏi Thế vận hội 2024. Ảnh: Getty. 

Phản ứng trước sự việc nghiêm trọng này, Ủy ban Olympic Canada đã có động thái loại bỏ HLV trưởng Bev Priestman khỏi vị trí huấn luyện trong thời gian còn lại của Thế vận hội.

Đồng thời, họ cũng đưa ra lời xin lỗi chính thức đối với New Zealand và thông báo rằng trợ lý huấn luyện viên Andy Spence sẽ thay thế Priestman trong các trận đấu còn lại của năm nay.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, FIFA đã đưa ra một loạt các hình phạt nghiêm khắc đối với Canada, bao gồm trừ 6 điểm của Canada trong bảng xếp hạng bóng đá nữ Olympic, cấm ba huấn luyện viên bao gồm Priestman, Lombardi và Mander tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến bóng đá trong một năm, và phạt Hiệp hội bóng đá Canada (CSA) 200.000 CHF (khoảng 312.700 đô la Mỹ).

Trong phán quyết của mình, Ủy ban kỷ luật FIFA nhấn mạnh rằng CSA phải chịu trách nhiệm vì không tuân thủ các quy định hiện hành của FIFA liên quan đến việc không đảm bảo các HLV tham gia Vòng chung kết Olympic Paris 2024 tuân thủ lệnh cấm bay máy bay không người lái trên bất kỳ địa điểm huấn luyện nào.

3 HLV Canada bị cấm 1 năm sau scandal dùng drone do thám tuyển nữ New Zealand. Ảnh: Getty. 

Ngoài ra, FIFA cũng chỉ ra rằng mỗi HLV phải chịu trách nhiệm về "hành vi xúc phạm" và vi phạm các nguyên tắc chơi đẹp. Phản ứng từ cộng đồng bóng đá Canada là rất trái ngược.

Ngôi sao bóng đá Christine Sinclair - người đã gắn bó với đội tuyển quốc gia trong 23 năm, khẳng định rằng đội chưa bao giờ được xem cảnh quay bằng máy bay không người lái hoặc thảo luận về nó:

"Thật không may khi các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia của chúng tôi phải thi đấu, trong bối cảnh có những hành động đáng lên án của một số nhân viên trong nỗ lực bảo vệ huy chương vàng của chúng tôi", Sinclair viết trong bài đăng trên Instagram.

Bài đăng của Christine Sinclair trên Instgram. Ảnh: Instagram. 

Vụ bê bối này đã gây ra một cú sốc lớn cho U23 nữ Canada - đội đã mới giành được huy chương vàng đầu tiên tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sau trận chung kết căng thẳng với Thụy Điển.

Án phạt của FIFA không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của đội tuyển mà còn có thể làm xấu đi hình ảnh và uy tín của bóng đá Canada trên thế giới. Hiệp hội bóng đá Canada hiện có 10 ngày để yêu cầu FIFA đưa ra quyết định có lý do cụ thể.

Trong thời gian này, người hâm mộ và giới chuyên môn đang chờ đợi phản ứng chính thức từ phía CSA cũng như các bước tiếp theo mà họ sẽ thực hiện để khắc phục tình hình và phục hồi danh tiếng của bóng đá nước nhà.

Theo Thethao247