Chủ nhật, 10/11/2024, 05:43[GMT+7]

Thái Thụy: Bảo đảm an toàn tàu, thuyền mùa mưa bão

Thứ 2, 29/07/2024 | 17:09:24
6,343 lượt xem
Thái Thụy có gần 380 tàu khai thác thủy sản được đăng ký trên hệ thống dữ liệu tàu cá quốc gia (VNFishbase). Trong đó, phân theo vùng khai thác: vùng khơi 140 tàu; vùng lộng 94 tàu; vùng ven bờ 142 tàu. Số lao động tham gia khai thác 1.400 người. Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trong mùa mưa bão năm 2024, huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp.

Khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão ở cảng cá Tân Sơn (Thụy Hải).

An toàn khi ra khơi

Tại khu neo đậu cảng cá Tân Sơn (Thụy Hải), anh Nguyễn Văn Lang thuyền trưởng tàu cá TB90215TS và TB90216TS đang cùng các thuyền viên tập trung gia cố tàu, bảo dưỡng tàu máy, kiểm tra máy phát điện, hệ thống thông tin liên lạc để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt hải sản trong vài ngày tới. Anh tâm sự: Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt hải sản chúng tôi thường đi từ 3-4 ngày. Đi biển mùa mưa bão lo nhất là hệ thống thông tin liên lạc bị mất tín hiệu, vì đây là là kênh thông tin duy nhất để chúng tôi nắm thông tin về cảnh báo thiên tai như bão, áp thấp, thời tiết nguy hiểm, để có thể đề phòng, chủ động tránh trú, tìm cách xử lý hiệu quả khi gặp thời tiết bất thường.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Thành, thị trấn Diêm Điền, chủ tàu cá  VN90026 BTS có kiểu đầu tư “ăn chắc”. Để bảo đảm cho con tàu vươn khơi bám biển, ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm các thiết bị hiện đại như: phao cứu sinh, thiết bị liên lạc, đèn, còi, bộ đàm, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy… Ông Thành tâm sự: Trước đây khi điều kiện phương tiện kỹ thuật thông tin liên lạc chưa hiện đại, gặp sóng to gió lớn mưa bão khó mà liên lạc với đất liền. Có những chuyến đi biển “trắng tay”, ở lại thì gặp nguy hiểm, quay về thì lỗ xăng dầu, tiền trả công nhân. Được sự hướng dẫn của các ngành chức năng, tôi đã chấp hành quy định về khai thác thủy sản, trang bị sẵn áo phao, máy móc bảo đảm kết nối để khi có tình huống xảy ra, có thể truyền tín hiệu về đất liền hỗ trợ. Mỗi khi có việc gì cần, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ bộ đội biên phòng cũng như ngành chức năng.

Thị trấn Diêm Điền có gần 120 tàu thuyền khai thác thủy sản với công suất từ 24CV- 1.000CV. 

Ông Lê Xuân Quy, Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền cho biết: Địa phương luôn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân chủ động bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản khi hoạt động trên biển; 100% tàu thuyền đều trang bị đầy đủ máy thông tin liên lạc tầm xa, thiết bị giám sát hành trình theo quy định; phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn xử lý tình huống thiên tai, sóng to, gió lớn trên biển. Đồng thời, đề nghị tàu thuyền khi hoạt động trên biển phải thông báo cụ thể ngư trường để cơ quan chức năng biết, hỗ trợ khi có tình huống xấu xảy ra. Yêu cầu người dân khi nhận được thông tin thời tiết xấu phải khẩn trương di chuyển tàu thuyền về bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn gần nhất. Trong quá trình neo đậu tránh trú bão tại cảng cá phải luôn tuân thủ quy định của pháp luật.

Chủ động ứng phó thiên tai

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2024, có thể xuất hiện từ 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, có khoảng 6-7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền. Trước tình hình phức tạp này, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và các địa phương ven biển đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, thực hiện nhiệm vụ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Trung tá Hoàng Minh Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền cho biết: Công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của đơn vị, chính vì vậy đơn vị đã duy trì, thực hiện nghiêm túc chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực quân số, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai. Hàng năm, đơn vị thường xuyên bổ sung, điều chỉnh các tình huống phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình thực tế, đồng thời tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luyện tập và đặc biệt là tham gia diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó bão mạnh, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình năm 2024. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai đều đặn công tác thông tin, tuyên truyền, thông báo cho người dân, đặc biệt là những người làm ăn trên biển nắm tình hình thời tiết; làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các phương tiện xuất, nhập bến; kiên quyết không để cho các phương tiện không đủ điều kiện an toàn ra khơi, kể cả trong điều kiện thời tiết bình thường; nắm chắc số lượng, vị trí hoạt động của các phương tiện trên biển, hướng dẫn di chuyển vào khu neo đậu khi có bão, áp thấp nhiệt đới và gió mạnh trên biển; yêu cầu các chủ phương tiện khai báo đầy đủ tần số liên lạc, ngư trường hoạt động. Với tinh thần “tính mạng, tài sản của nhân dân là trên hết”, đơn vị đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng sẵn sàng cơ động nhanh với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ) nhằm phát huy hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc tàu cá TB 90215 TS của ngư dân. 

Để bảo đảm an toàn tàu thuyền mùa mưa bão, Thái Thụy nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền sẵn sàng nơi tránh trú bão. 

Ông Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện cho biết: Huyện có các khu neo đậu cho tàu thuyền tránh trú bão là khu neo đậu cửa sông Trà Lý (Mỹ Lộc), khu neo đậu cửa sông Diêm Hộ (Thái Thượng), khu neo đậu cảng cá Tân Sơn, khu neo đậu của Nhà máy đóng tàu Đại Dương và khu sông sau cửa cống Diêm Điền. Trung tâm đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội quy, quy chế khu neo đậu, tránh trú bão cho các chủ tàu thuyền trưởng; kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến và cập bến, chấp hành nghiêm túc bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an ninh trật tự; thực hiện quy định của pháp luật liên quan về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy đã phối hợp lực lượng biên phòng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân chủ động phòng, chống mưa bão; làm tốt công tác quản lý tàu thuyền, nắm chắc biến động về lượng tàu thuyền để theo dõi, hướng dẫn khi có tình huống thiên tai xảy ra; chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản, phương án kêu gọi tàu thuyền, sơ tán di dời dân trong mùa mưa bão; yêu cầu các chủ tàu trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin liên lạc theo tiêu chuẩn quy định, góp phần nâng cao mức an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển trong mùa mưa bão.

Nguyễn Thắm