Thứ 6, 15/11/2024, 10:54[GMT+7]

Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

Thứ 3, 06/08/2024 | 18:28:36
22,360 lượt xem
Chiều ngày 6/8, các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các vụ, cục, cơ quan liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương; các tỉnh, thành phố có diện tích gieo cấy lúa lớn; các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo; các chuyên gia về lĩnh vực trồng trọt đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Dự họp tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, ngành lúa gạo có vai trò nòng cốt đối với an ninh lương thực quốc gia. Thành tựu của ngành lúa gạo Việt Nam từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới cho đến nay là rất đáng khích lệ, đưa nước ta từ một quốc gia nhập khẩu lương thực đi đến tự chủ nguồn cung và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giúp tăng GDP và góp phần phát triển kinh tế. Sản xuất lương thực liên tục phát triển, sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên mức 44 triệu tấn đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đứng đầu về sản xuất lương thực. Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là thu nhập đã tăng khoảng 3,65 lần. Xuất khẩu gạo đạt được thành tích cao, đạt 8,1 triệu tấn (năm 2023) là mức cao nhất trong 16 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam, góp phần tiêu thụ thóc, gạo cho nông dân, bảo đảm lợi ích của người trồng lúa. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo còn chưa theo quy hoạch dẫn tới dư thừa cục bộ, thu nhập người trồng lúa còn thấp, xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống…

Trong bối cảnh mới, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức, cần thiết thành lập một tổ chức phối hợp liên ngành để điều phối ngành hàng lúa gạo nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại và tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia với chức năng tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo; chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, bảo đảm ổn định và phát triển thị trường; nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị. Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo; điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo…

Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đề xuất liên quan đến sự cần thiết thành lập Hội đồng; nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Hội đồng.

Nhất trí với đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa đứng thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng, Thái Bình luôn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều quy trình sản xuất lúa tiên tiến được ứng dụng rộng rãi, cơ giới hóa ngày càng được đẩy mạnh; năng suất lúa nhiều năm trở lại đây đạt trên 130 tạ/ha/năm, nằm trong nhóm các tỉnh có năng suất lúa cao của cả nước. Xác định lúa là cây trồng chủ lực, để thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa, thời gian tới, Thái Bình tập trung bổ sung các loại giống lúa mới vào cơ cấu giống lúa của tỉnh đáp ứng về năng suất, chất lượng, bảo đảm theo yêu cầu các phân khúc của thị trường trong và ngoài nước; rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế sản xuất lúa của từng địa phương, căn cứ vào nhu cầu thị trường để quy hoạch vùng sản xuất tập trung; tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy nhanh việc tích tụ, tập trung ruộng đất, đẩy mạnh đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất…

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là rất cần thiết, đồng thời thể hiện cam kết và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc phối hợp, điều phối hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Trên cơ sở các đề xuất, góp ý tại cuộc họp, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo đề xuất và các tài liệu liên quan trình Chính phủ thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia trong thời gian sớm nhất.

Sử dụng thiết bị bay không người lái trong phòng, trừ sâu bệnh tại Thái Bình ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

Ngân Huyền

Mai Kieu - 3 tháng trước

Việt Nam còn yếu về năng lực thử nghiệm nói chung và thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, để quản lý chất lượng và bảo vệ uy tín thương hiệu nông sản Việt cần xem xét sớm nâng cấp và xây dựng mới hệ thống các trung tâm thử nghiệm, đào tạo bổ sung nâng cao năng lực nhân viên thử nghiệm, hợp tác và ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau với các phòng thử nghiệm nước ngoài nơi mà Việt Nam xuất khẩu đến. Giám sát chặt chẽ sản xuất trong nước, yêu cầu công bố hợp chuẩn hợp quy các thuốc bảo vệ thực vật và phân bón và các loại thuốc có tác động đến sản phẩm nông nghiệp, bắt buộc thử nghiệm đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng mới cho xuất khẩu, áp dụng quản lý rủi ro, tạo dần thói quen sản xuất theo quy trình đạt chuẩn cho nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan quản lý ngành tại địa phương cần phối hợp các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp để xây dựng và hướng dẫn quy trình sản xuất cũng như bảo quản và chế biến nông sản sạch cho nông dân. 

Tải thêm