Chủ nhật, 10/11/2024, 05:40[GMT+7]

Bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị Bài 7: Tăng cường đấu tranh với thông tin xấu độc, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Chủ nhật, 11/08/2024 | 08:55:51
1,249 lượt xem
Chất vấn đồng chí Nguyễn Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đại biểu Phan Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính (tổ thành phố Thái Bình) đề cập đến nội dung: Lợi ích tích cực mà mạng internet mang lại là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, đi cùng với đó là sự gia tăng của những tin giả, thông tin lừa đảo, việc sử dụng những trang mạng xã hội để bán hàng không rõ nguồn gốc, đầu tư tài chính, giả danh cơ quan nhà nước... gây nên những tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, mất trật tự an ninh. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thực trạng vấn đề nêu trên ở địa bàn tỉnh, những giải pháp đã thực hiện và những giải pháp kiểm soát thông tin xấu độc, nhất là thông tin lừa đảo trên mạng xã hội trong thời gian tới?

Công an thành phố Thái Bình nghiên cứu hồ sơ, lên phương án đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Theo đồng chí Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Trong những năm qua, thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng internet trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh và đổi mới hình thức, phương thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực tự bảo vệ của nhân dân trước thông tin giả, thông tin xấu, độc, các loại tội phạm trên không gian mạng. Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng internet. 

Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về quản lý và sử dụng thông tin trên mạng internet trên địa bàn tỉnh; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh về sử dụng internet, mạng xã hội. Thường xuyên tuyên truyền, trang bị kiến thức cho người sử dụng thấy rõ tính hai mặt của internet, mạng xã hội; khuyến cáo nhân dân khi tham gia sử dụng mạng xã hội biết sàng lọc thông tin, phân biệt những thông tin đúng và thông tin sai trái; không đăng tải, chia sẻ những thông tin sai lệch lên mạng xã hội ảnh hưởng đến dư luận xã hội; triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để nhân dân biết, cảnh giác phòng ngừa. 

Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý và cung cấp thông tin trên mạng. Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố xử lý kịp thời các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật. Trong đó đã xử lý 34 vụ việc đưa tin sai sự thật; rà soát và phát hiện 8 vụ, tiến hành xử lý theo thẩm quyền 3 vụ, chuyển sở thông tin và truyền thông các tỉnh phối hợp xử lý 5 vụ. Phối hợp cùng công an các cấp điều tra, khởi tố liên quan đến vi phạm pháp luật trong việc sử dụng mạng xã hội 26 vụ liên quan đến các hành vi cờ bạc, cá độ, làm giấy tờ giả, nói xấu, bôi nhọ cá nhân trong thực thi nhiệm vụ; đã thực hiện xử phạt 1 trường hợp với số tiền 7,5 triệu đồng, phối hợp với Công an tỉnh xử phạt 2 trường hợp với số tiền 15 triệu đồng. 

Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn, theo dõi thông tin trên không gian mạng do cán bộ trực tiếp thực hiện nhưng do lực lượng mỏng nên không thể kiểm soát hết được; vẫn còn hiện tượng đăng tải thông tin sai sự thật, giật gân, lừa đảo trên mạng xã hội. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định cá nhân, tổ chức vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức, trong khi đối tượng vi phạm dễ dàng xóa dấu vết, chứng cứ. 

Về giải pháp thời gian tới, theo đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Sở sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật, nâng cao sức đề kháng trong quá trình tiếp cận, xử lý thông tin trên internet, mạng xã hội. Triển khai hệ thống phần mềm tự động giám sát thông tin trên mạng xã hội để tự động phân loại tổng hợp các thông tin chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động theo dõi thông tin trên báo chí, mạng xã hội viết về cơ quan, đơn vị, địa phương mình để chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin và xử lý thông tin. Nghiên cứu, tham mưu thành lập bộ phận xử lý tin giả trên địa bàn tỉnh. Sở tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy và liên tục, đặc biệt trước các sự việc, sự kiện nhạy cảm, trái chiều. Tăng cường thu thập, phát hiện, điều tra, xử lý thông tin, tài liệu, hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý và cung cấp thông tin trên không gian mạng. 

Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn, phối hợp chặt chẽ trong quản lý lĩnh vực trên không gian mạng theo quan điểm “Ngành nào quản lý cái gì trong thế giới thực sẽ quản cái đó trên không gian mạng”. Thực hiện đúng quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chủ động cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất, đặc biệt là trước các vụ việc nhạy cảm, phức tạp, trái chiều trên cổng thông tin điện tử của sở, ban, ngành, địa phương quản lý. Tuyên truyền, phổ biến về trách nhiệm, bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng của người sử dụng internet và các biện pháp phòng, chống tin giả, tin sai sự thật... cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên thuộc thẩm quyền quản lý. 

Lực lượng công an tăng cường công tác rà soát, phát hiện các đối tượng tung tin sai sự thật trên mạng xã hội. 

Thông tin thêm về nội dung này tại phiên chất vấn, Đại tá Trần Văn Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước với số nạn nhân và số tiền bị chiếm đoạt ngày càng nhiều. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình xảy ra 49 vụ liên quan đến tội phạm trên không gian mạng; trong đó lực lượng công an đã điều tra, khám phá, khởi tố 11 vụ với 23 bị can về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. 

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp với ngành công an đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về kiến thức pháp luật, phương thức, thủ đoạn và các kỹ năng nhận biết, phòng ngừa hoạt động tội phạm trên không gian mạng, tạo thành các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng; mỗi người dân hãy cẩn thận, tỉnh táo để không “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình chỉ đạo các ngân hàng thực hiện tốt giải pháp xác thực sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng và thực hiện cả với việc đăng ký mở tài khoản online; Sở Thông tin và Truyền thông cần “mạnh tay” hơn trong việc xử lý sim rác và đây sẽ là công cụ hữu hiệu đấu tranh, ngăn chặn, hạn chế các vụ lừa đảo trên không gian mạng. 

(còn nữa)

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày