Thứ 6, 20/09/2024, 04:15[GMT+7]

Tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Thứ 5, 22/08/2024 | 08:20:54
10,647 lượt xem
Qua kiểm tra và theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mùa năm 2024, sâu đục thân hai chấm diễn biến phức tạp, mật độ rất cao, gây hại trên diện rộng và tạo thành nhiều cao điểm. Đây là đối tượng dịch hại khó phòng, trừ, gây hại từ giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ bông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng lúa nếu không được phòng, trừ kịp thời. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ và một số đối tượng sâu bệnh hại khác cũng phát sinh, gây hại.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra mật độ sâu bệnh hại trên đồng ruộng.

Thời điểm này, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) đang là “điểm nóng” của sâu đục thân hai chấm. Mật độ ổ trứng sâu đục thân hai chấm trung bình từ 0,3 - 0,5 ổ/m2, cá biệt có ruộng từ 2 - 3 ổ/m2. Đứng trên bờ quan sát, không khó để tìm ra trứng sâu trên lá lúa. Gieo cấy 2,5 mẫu lúa, ông Nguyễn Văn Nguyên, thôn Quan Đình Nam khẩn trương thuê người phun thuốc ngay từ ngày đầu HTX phát động đợt phun trừ. Ông cho biết: Lúa mùa năm nay rất đẹp và đồng đều nhưng sâu bệnh khá nhiều. Ngay sau khi HTX thông báo tình hình sâu bệnh và lịch phun, tôi đã tìm người phun ngay từ ngày đầu tiên của chiến dịch. Đây là giai đoạn quan trọng trong sinh trưởng của lúa nên không thể lơ là. 

Ông Phạm Duy Bá, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đồng Tiến cho biết: Do lúa trỗ sớm hơn các vùng khác nên HTX phát động bà con phun thuốc từ ngày 20 - 22/8, sớm hơn lịch của huyện một ngày. Ngoài đối tượng sâu đục thân hai chấm, chúng tôi khuyến cáo bà con kết hợp phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ cho 100% diện tích lúa mùa. Trong đó, diện tích có mật độ ổ trứng sâu cao, HTX tuyên truyền, hướng dẫn nông dân trước khi phun cần ngắt ổ trứng thủ công để giảm bớt mật độ, hiệu quả phòng, trừ cao hơn. 

Ngoài sâu đục thân hai chấm, tại Quỳnh Phụ, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh, gây hại với mật độ trung bình từ 20 - 40 con/m2, nơi cao 60 - 80 con/m2. Huyện đã có công điện đề nghị các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 21 - 24/8, đồng thời chỉ đạo cán bộ kỹ thuật của huyện phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh gây hại trên các trà lúa, tham mưu biện pháp chỉ đạo cho UBND xã để hướng dẫn bà con nông dân phòng, trừ đạt kết quả. 

Vụ mùa năm nay, sâu đục thân hai chấm diễn biến phức tạp, mật độ rất cao.

Không chỉ ở Quỳnh Phụ, sâu đục thân hai chấm với mật độ cao còn tập trung ở các huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Thái Thụy. 

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Tại Thái Thụy thời điểm này xuất hiện hai đối tượng gây hại chính cho lúa mùa là sâu đục thân hai chấm tập trung tại phía Bắc huyện, sâu cuốn lá nhỏ tập trung tại các xã khu Nam. Huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức đợt phòng, trừ sâu đục thân hai chấm kết hợp sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 22 - 26/8 cho 100% diện tích lúa mùa. Trong đó, ngày 22 - 23/8 phun cho diện tích trỗ bông trong tháng 8 và phun kép lần 2 cách lần 1 từ 5 - 7 ngày; trà lúa mùa đại trà tập trung phun từ 24 - 26/8; diện tích lúa trỗ bông sau ngày 15/9 phun trừ sâu cuốn lá nhỏ là chính ở vùng có mật độ sâu trên 20 con/m2 trở lên. 

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 74.327ha. Đợt mưa lớn từ ngày 14 - 19/7 khiến hơn 1.000ha lúa mùa phải gieo cấy lại, tập trung chủ yếu ở Kiến Xương, Vũ Thư, Tiền Hải khiến thời vụ giữa các vùng, địa phương có sự chênh lệch lớn, tác động tới công tác chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh. Dự kiến, có khoảng 7.000ha lúa mùa trỗ bông sau ngày 10/9. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đợt sâu đục thân hai chấm nở rộ từ ngày 18 - 29/8 chiếm 80% lượng sâu lứa 4 và kéo dài trong 10 ngày. Do đó các huyện, thành phố căn cứ vào thực tế tại địa phương lựa chọn thời điểm thích hợp tổ chức đợt phòng, trừ. Cụ thể, 5 huyện: Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hưng Hà, Thái Thụy, Vũ Thư và thành phố Thái Bình phải phun trừ sâu đục thân hai chấm cho 100% diện tích trong hai đợt cuối tháng 8 và đầu tháng 9; các huyện phía Nam: Tiền Hải, Kiến Xương và một phần của huyện Thái Thụy tập trung phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ trong đầu tháng 9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền để nông dân nhận thức được mức độ nguy hại của sâu đục thân hai chấm ở cuối tháng 8 và đầu tháng 9, nếu không tuân thủ các nguyên tắc phòng, trừ theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn thì sẽ thiệt hại về năng suất lúa từ 40% trở lên và nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng, thiệt hại về kinh tế. 

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Sâu đục thân hai chấm là đối tượng dịch hại khó phòng, trừ. Sâu gây hại từ giai đoạn mạ đến khi trỗ bông, đặc biệt trong điều kiện rải vụ như vụ mùa năm nay sẽ khó khăn, vất vả cho công tác dự tính, dự báo, phòng, trừ. Trên thị trường Thái Bình, các loại thuốc (trong danh mục cho phép) đặc trị sâu đục thân hai chấm cũng rất ít, hiệu lực không cao như thuốc trừ các đối tượng dịch hại khác. Do đó, chúng tôi khuyến cáo các địa phương cần chủ động trong cung ứng, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp trong những ngày cao điểm của đợt phòng, trừ. 

Trước những diễn biến phức tạp của sâu bệnh hại lúa mùa, UBND tỉnh đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt và tổ chức tốt 2 đợt phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất vụ mùa. Đợt phòng, trừ sâu bệnh này trùng với lứa rầy nở rộ, do đó, những diện tích có mật độ rầy từ 1.000 con/m2 trở lên cần kết hợp phun phòng, trừ.

KHUYẾN CÁO THUỐC PHÒNG, TRỪ 

Sâu đục thân hai chấm 
Sử dụng một trong các loại thuốc: Incipio 200SC, Prevathon 5SC, Chlorferan 240SC, Voliam Targo 063SC.
Sâu cuốn lá nhỏ 
Sử dụng một trong các loại thuốc: Incipio 200SC, Emin gold 160SC, Bite 30SC, Obaone 95WG, Clever 150SC (300WG), Solo 350SC, Indogold 150SC...
Lưu ý khi phun:
Thực hiện tốt nguyên tắc “4 đúng” trong quá trình sử dụng thuốc. Ở thời điểm lúa trỗ, phun thuốc khi chiều mát, sau phun trong 3 giờ nếu gặp mưa phải phun lại.

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT


Ngân Huyền