Chủ nhật, 10/11/2024, 05:48[GMT+7]

Từ tháng 9, La Nina gây mưa lớn, bão lũ dồn dập

Chủ nhật, 25/08/2024 | 06:44:05
1,333 lượt xem
Khi La Nina chính thức hoạt động thì mưa lớn, bão lũ sẽ càng dồn dập hơn vì bề mặt nước biển ấm sẽ cung cấp nhiệt và ẩm dồi dào cho mây dông và các cơn bão hình thành.

Ảnh minh họa.

Từ đầu tháng 8 đến nay, tình hình mưa lũ và sạt lở đất đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á. Khu vực này đã phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan, để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản.

Trong suốt 23 ngày qua của tháng 8, châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và miền Bắc Việt Nam đều đã ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng.

Tại Ấn Độ, bang Tripura đã trải qua ba ngày lũ lụt và sạt lở đất tàn phá, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Tại Bangladesh, số người tử vong vì lũ lụt đã tăng lên 13 người, trong khi hơn bốn triệu người vẫn đang mắc kẹt trong tình trạng lũ lụt lịch sử.

Ở Thái Lan, tình hình cũng không khả quan hơn. Mưa lớn đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh Nan, nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà và ảnh hưởng nặng nề đến hơn 12.000 hộ gia đình ở miền Bắc. Tại Chiềng Mai, mưa lớn nhất trong 70 năm qua đã cướp đi sinh mạng của 4 người.

Tại Trung Quốc, tỉnh Liêu Ninh đã phải đối mặt với mưa lớn bất thường trong tháng 8. Ở huyện Kiến Xương, lượng mưa đạt 534,7 mm, phá vỡ kỷ lục lịch sử và gây ra ngập lụt diện rộng, buộc hơn 50.000 người phải sơ tán.

Không ngoại lệ, một loạt các tỉnh thành ở Việt Nam như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội vừa lâm vào cảnh ngập lụt diện rộng sau cơn mưa lớn vào tối ngày 22, sáng 23/8.

Tại Hà Nội, lượng mưa trong 12 giờ tại Hoài Đức đạt kỷ lục 193 mm, trở thành ngày mưa lớn nhất trong tháng 8 từ trước đến nay. Mưa lớn còn gây ngập sâu ở TP. Thái Nguyên, khiến giao thông bị tê liệt và Hồ Núi Cốc phải xả lũ.

Ngoài ngập lụt, tình hình sạt lở đất cũng rất nghiêm trọng. Từ đầu tháng 7, mưa lớn kéo dài đã dẫn đến nhiều vụ sạt lở đất liên tiếp, gây thiệt mạng cho 19 người và làm hư hỏng gần 300 ngôi nhà. Hơn 170.000 m³ đất đá đã sạt xuống các tuyến đường, gây cản trở giao thông nghiêm trọng.

Tình hình mưa lũ và sạt lở đất trên toàn thế giới hiện đang là mối quan tâm lớn, và các hiện tượng này có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp khi hiện tượng La Niña chính thức hoạt động.

Từ tháng 9 La Nina gây mưa lớn, bão lũ dồn dập

Việc mưa lũ, sạt lở xảy ra ở nhiều quốc gia của châu Á như vậy là những dấu hiệu cho thấy La Nina sắp chính thức hoạt động. Chứng tỏ vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương đang ấm lên, tạo đà cho mây dông phát triển mạnh hơn và gây mưa lớn bất thường.

Quan sát sự thay đổi của nhiệt độ bề mặt nước biển trên khu vực Thái Bình Dương trong 30 ngày qua cũng thấy rõ điều này. Vùng nước biển ấm đang dịch chuyển dần từ khu vực trung tâm của Thái Bình Dương, sang phía Tây, gần các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Một căn cứ khoa học nữa để xác định dấu hiệu chuyển pha sang La Nina là mức nhiệt chênh lệch ở trung tâm của Thái Bình Dương hay còn gọi là chỉ số Nino 3 4.

Nếu mức nhiệt này từ 0,5 độ C trở lên thì sẽ là pha nóng El Nino, còn từ âm 0,5 độ C trở xuống, sẽ được tính là chuyển sang pha lạnh La Nina. Từ đầu năm đến giờ, chỉ số Nino 3 4 qua mỗi thời kỳ lại càng giảm. Mức nhiệt chênh lệch trung bình 3 tháng gần đây nhất chỉ còn 0.2 độ C, tiến gần đến mức nhiệt chuyển sang La Nina là âm 0,5 độ C.

Bám thiên tai làm du lịch

Khi dự báo cho thấy mùa mưa lũ sắp tới có thể diễn biến cực đoan, người dân và chính quyền địa phương, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, cần phải có những biện pháp ứng phó hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại. Phòng chống thiên tai và phát triển bền vững không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội để chuyển hóa khó khăn thành cơ hội phát triển.

Một ví dụ điển hình về cách kết hợp giữa phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế là mô hình du lịch bền vững tại làng Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình. 10 năm gần đây bà con làng Tân Hóa đã làm các nhà nổi để chống lũ và cất giữ tài sản, ý tưởng làm du lịch thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của thiên tai bắt đầu từ đây.

Và nhờ mô hình này mà cuộc sống người dân Tân Hóa đến nay đã có những thay đổi rõ rệt khi lựa chọn làm du lịch cộng đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn khi kinh tế người dân được cải thiện.

Mô hình du lịch độc đáo cùng vị trí địa lý đặc biệt được bao quanh bởi các núi đá vôi, hệ thống hang động hùng vĩ. Làng du lịch Tân Hóa, đã thu hút gần 10.000 du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Với những nỗ lực phát triển, "vùng rốn lũ" Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình hiện là làng duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới bầu chọn là làng du lịch tốt nhất thế giới vào tháng 10 năm 2023. Từ đó, đưa Tân Hóa trở thành một điểm đến khám phá hấp dẫn và cũng là bàn đạp để hàng trăm hộ dân khó khăn trong vùng lũ làm kinh tế, góp phần phát triển du lịch Quảng Bình.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày