Chủ nhật, 10/11/2024, 05:45[GMT+7]

Bộ NN&PTNT thông tin về gần 6 triệu tấn CO2 tại Bắc Trung Bộ

Thứ 5, 29/08/2024 | 10:47:05
2,995 lượt xem
Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền chuyển nhượng gần 6 triệu tấn CO2 còn dư vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2019.

Đối với 4,91 triệu tấn CO2 từ lượng giảm phát thải còn lại, WB không đề xuất mua thêm. Việt Nam có quyền chuyển nhượng cho các đối tác tiềm năng khác - Ảnh minh họa

Báo cáo nêu rõ, cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT đã thực hiện chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon (CO2) cho Ngân hàng Thế giới (WB) theo thoả thuận. Ngay sau đó, WB có thư xác nhận chuyển giao lại khoảng 95% kết quả giảm phát thải đã chuyển nhượng cho Việt Nam để đóng góp vào NDC theo cam kết tại ERPA và quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP.

Trước đó, WB có Công thư gửi Bộ NN&PTNT xác nhận kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2019 đạt 16,21 triệu tấn CO2. Trong đó, lượng chuyển nhượng cho WB theo ERPA là 10,3 triệu tấn CO2.

Theo ERPA đã ký, WB có quyền mua bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2, mức giá 5 USD/tấn, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC.

Hiện, WB đề xuất mua bổ sung 1 triệu tấn CO2 từ kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2019. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án chuyển nhượng bổ sung 1 triệu tấn CO2 cho WB theo ERPA đã ký; đồng thời đề xuất xử lý đối với 4,91 triệu tấn CO2 của giai đoạn 2018-2019 tại các văn bản đã gửi trước đó.

Bộ NN&PTNT cũng đã lấy ý kiến các bộ và UBND 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ về phương án chuyển nhượng 1 triệu tấn CO2 cho WB và đề xuất xử lý số lượng carbon còn dư.

Về việc chuyển nhượng bổ sung 1 triệu tấn CO2 cho WB nằm trong khối lượng bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 theo ERPA đã ký, được Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ NN&PTNT thay mặt Chính phủ Việt Nam và các chủ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ chuyển nhượng cho WB trong thời gian thực hiện ERPA.

Mặt khác, kết quả giảm phát thải chuyển nhượng này là kết quả tạo ra trong quá khứ (giai đoạn 2018-2019), nên rất khó có thể tìm kiếm các đối tác khác để thực hiện trao đổi, thương mại, để lâu sẽ bị mất giá theo thời gian. Trong khi đó, thị trường carbon trong nước sẽ được thiết lập và vận hành chính thức vào năm 2028.

Do đó, để tiếp tục huy động nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, Bộ NN&PTNT đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ này tiếp tục thực hiện chuyển nhượng bổ sung 1 triệu tấn CO2 cho WB.

Đối với 4,91 triệu tấn CO2 từ lượng giảm phát thải còn lại, WB không đề xuất mua thêm. Vì vậy, Việt Nam có quyền chuyển nhượng cho các đối tác tiềm năng khác.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT chưa nhận được đề xuất của các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước về trao đổi, chuyển nhượng lượng giảm phát thải này. Theo đó, Việt Nam có thể sử dụng lượng giảm phát thải còn dư này đóng góp vào NDC quốc gia.

Trường hợp có tổ chức, đối tác quan tâm, đề xuất trao đổi, chuyển nhượng, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, sử dụng nguồn thu này, lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để đảm bảo không ảnh hưởng đến kết quả đóng góp vào NDC.

Còn trong trường hợp chưa có ý kiến đồng ý của Thủ tướng về việc thực hiện chuyển nhượng lượng giảm phát thải còn dư của vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2019 (gồm 1 triệu tấn CO2 theo đề xuất của WB và 4,91 triệu tấn CO2 còn lại), Bộ NN&PTNT kiến nghị cho phép Bộ có Công thư gửi WB về việc chưa chuyển nhượng thêm 1 triệu tấn CO2.

Đến khi có kết quả đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, Bộ NN&PTNT đề xuất phương án quản lý, sử dụng đối với lượng giảm phát thải còn dư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo baochinhphu.vn