Thứ 7, 23/11/2024, 12:52[GMT+7]

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh từ gốc

Chủ nhật, 01/09/2024 | 08:12:42
2,052 lượt xem
Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sau khi được triển khai thực hiện đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đảng viên Chi bộ thôn Trưng Vương, xã Vũ Lăng (Tiền Hải) tích cực sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”.

Xây vững hạt nhân chính trị

Bám sát các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Kết luận số 21-KL/TW đã chỉ ra, với mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh từ gốc, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và củng cố tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, chỉ đạo duy trì thực hiện thống nhất ngày sinh hoạt chi bộ hàng tháng trong toàn Đảng bộ tỉnh và phân công cán bộ tỉnh, huyện về dự sinh hoạt với chi bộ, đảng bộ cơ sở. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, đề án đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng thực chất, hiệu quả và nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, chất lượng đánh giá, xếp loại tổ chức đảng hàng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ đều đạt trên 90%.

Điển hình như việc sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” trong Đảng bộ tỉnh đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thông qua việc cung cấp một cách hệ thống, đầy đủ quy trình sinh hoạt chi bộ và tạo điều kiện để đảng viên được tiếp cận các thông tin về nội dung sinh hoạt sớm hơn, giúp cho việc đánh giá, tham gia ý kiến trong sinh hoạt chi bộ nhanh hơn, sâu hơn, rút ngắn thời gian sinh hoạt mà vẫn bảo đảm chất lượng. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ): Hiện nay, 100% chi bộ trong Đảng bộ xã đều ứng dụng phần mềm trong sinh hoạt chi bộ. Thông qua việc sử dụng phần mềm đã giúp sinh hoạt chi bộ ở cơ sở đi vào nền nếp. Các chi bộ duy trì sinh hoạt đúng thời gian quy định, đảng viên sắp xếp công việc đến dự họp đúng thời gian. Các bước sinh hoạt theo đúng quy định. Do được tiếp cận trước nội dung sinh hoạt, đảng viên có thời gian nghiên cứu nên trong các buổi sinh hoạt có sự tương tác, trao đổi tích cực, chất lượng nghị quyết của chi bộ nhờ vậy cũng được nâng lên.

Cùng với đó, việc xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện hiệu quả, đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng hoạt động của chi bộ. Năm 2023, toàn tỉnh có 293 chi bộ được xét công nhận chi bộ kiểu mẫu. Năm 2024, toàn tỉnh có 519 chi bộ thực hiện xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu. 

Ông Bùi Xuân Tiếp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyên Xá (Vũ Thư) cho biết: Năm 2023, Đảng ủy lựa chọn 2 chi bộ xây dựng chi bộ kiểu mẫu, trong đó có 1 chi bộ đạt. Năm 2024, chúng tôi tiếp tục lựa chọn 4 chi bộ để tập trung chỉ đạo xây dựng chi bộ kiểu mẫu. Qua thực tế triển khai có thể khẳng định việc tổ chức xây dựng chi bộ kiểu mẫu đã góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nâng cao ý thức, trách nhiệm tự giác, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; nâng cao chất lượng chi ủy, bí thư chi bộ; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên

Cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp bảo đảm về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành đồng bộ các văn bản về công tác cán bộ để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh như: quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý... Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác quy hoạch, cụ thể hóa tiêu chuẩn các chức danh cán bộ để bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; xây dựng kế hoạch và thực hiện việc luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý theo phân cấp quản lý; triển khai thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm. 

Ông Tống Xuân Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Thái Hưng (Hưng Hà) cho biết: Hiện đội ngũ cán bộ, công chức xã có 17 đồng chí. Hàng năm, Đảng ủy đều quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức đi học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhờ vậy đến nay 100% cán bộ, công chức xã đều có trình độ đại học, 96% có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Việc bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, đúng sở trường đã phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ, qua đó giúp địa phương lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Tại huyện Thái Thụy, hiện nay đa số các đồng chí cấp trưởng diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có thời gian giữ chức vụ từ 8 năm trở lên đều được luân chuyển theo quy định; 25/36 xã, thị trấn có cán bộ chủ chốt không là người địa phương; 4 cán bộ huyện được luân chuyển về các xã, thị trấn. 

Theo ông Đỗ Văn Hiện, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy: Về cơ bản, các đồng chí được luân chuyển, điều động giữ cương vị mới đều nỗ lực, phát huy được vai trò, trách nhiệm, có nhiều cố gắng trong công tác, lãnh đạo địa phương kịp thời tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Nhiều địa phương khi có cán bộ luân chuyển đến đã có sự phát triển rõ rệt, tập thể cấp ủy đoàn kết, thống nhất, sinh hoạt nền nếp hơn, kỷ cương được tăng cường; hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được nâng cao hơn trước, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều hoàn thành.

Ngoài ra, cấp ủy các cấp còn thực hiện nghiêm quy định về từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kiên quyết, kịp thời thực hiện miễn nhiệm, cho từ chức đối với những cán bộ được xác định là vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm trách nhiệm nêu gương, vi phạm pháp luật... Tại huyện Kiến Xương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo HĐND, UBND huyện đã thực hiện các thủ tục đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện việc tạm đình chỉ công tác, khai trừ đảng, miễn nhiệm đối với 10 cán bộ có vi phạm, bảo đảm kịp thời theo quy định.

Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, từ đó góp phần cảnh báo, răn đe, phòng ngừa vi phạm trong tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Các trường hợp vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật đều được cấp ủy các cấp xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. 

Theo ông Hoàng Văn Túy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tiền Hải: 3 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra hai cấp trên địa bàn huyện đã thi hành kỷ luật 147 đảng viên (khiển trách 107, cảnh cáo 11, cách chức 6, khai trừ 23). Trong số đảng viên bị thi hành kỷ luật, 26 đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, qua đó góp phần giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.

Đào Quyên