Thứ 7, 23/11/2024, 10:21[GMT+7]

Sức hút du lịch tâm linh nhìn từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Thứ 6, 28/04/2023 | 18:59:40
12,167 lượt xem
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là sợi dây liên kết quá khứ - hiện tại – tương lai mà còn là sợi dây liên kết chặt chẽ các cộng đồng dân tộc trong thực tại.

Rước kiệu vào Đền Thượng Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Ngày 29/4 là chính hội Giỗ tổ Hùng Vương nhưng từ nhiều ngày qua, không khí náo nức đã tràn ngập vùng đất tổ với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao… trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - du lịch đất tổ 2023.

Bao đời nay, trong tâm thức người Việt Nam, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị tổ dựng nước của dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm, lòng tự tôn và tự hào dân tộc. Đặc biệt, khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012, sức lan tỏa của di sản này càng trở nên mạnh mẽ, sâu đậm hơn.

Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, Đền Hùng và thành phố Việt Trì nằm trong danh mục tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, với định hướng du lịch về nguồn. Phú Thọ cũng là địa phương duy nhất trên toàn quốc có 2 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan. Cùng với đó, địa phương này còn có gần 260 lễ hội được tổ chức trong năm. Đây chính là nền tảng để địa phương xác định du lịch tâm linh là định hướng lớn, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch đất tổ.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn liền với truyền thống nông nghiệp lúa nước, kết tinh là bánh chưng, bánh dày, tượng trưng cho trời tròn, đất vuông, cho sự hài hòa vẹn toàn trong vũ trụ. Về dự lễ Giỗ tổ Hùng Vương ở Phú Thọ, từ nhiều năm nay du khách được hòa mình vào trong cuộc thi gói bánh chưng, bánh dày của người dân địa phương. Năm nay, hội thi độc đáo riêng này vừa được tổ chức vào ngày 27/4 tại khu vực trung tâm di tích lịch sử Đền Hùng, với sự tham dự của hàng ngàn du khách.

Xã hội càng phát triển, con người càng có xu hướng tìm về những giá trị cổ truyền của ông cha, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là sợi dây liên kết quá khứ - hiện tại – tương lai mà còn là sợi dây liên kết chặt chẽ các cộng đồng dân tộc trong thực tại, khẳng định sự trường tồn bất diệt của đạo lý nhớ về cội nguồn, đoàn kết dân tộc. Đạo lý ấy đã giúp dân tộc Việt vượt qua những thử thách của lịch sử, là cội nguồn sức mạnh bước tới tương lai.

Theo vtv.vn