Thứ 7, 23/11/2024, 17:31[GMT+7]

Phát huy tiềm năng của phụ nữ

Thứ 4, 04/09/2024 | 09:12:02
6,236 lượt xem
Tự hào khi được sinh ra ở vùng đất địa linh nhân kiệt, phụ nữ Thái Bình luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đặc biệt, trong thời đại mới, chị em đã phát huy tiềm năng, ngày càng tự tin, năng động, sáng tạo vươn lên đóng góp xây dựng quê hương.

Mạnh thường quân trao tặng xe máy điện cho em Vũ Minh Châu (người ngoài cùng bên trái), thôn Việt Phong, xã Tân Lập (Vũ Thư).

Đẹp thay những tấm lòng

Nhận được thông báo trúng tuyển lớp 10, Trường THPT Nguyễn Trãi, niềm vui vỡ òa xen lẫn nỗi lo với em Vũ Minh Châu, thôn Việt Phong, xã Tân Lập (Vũ Thư). Lo về hành trình 3 năm học tiếp theo, tiền ở đâu mà theo học. Bố mất khi em chưa đầy 2 tuổi, em gái mới 1 tuổi, mẹ cũng bỏ đi biệt tích từ đó. Hơn 10 năm qua, hai chị em Châu nương tựa vào cụ nội gần 100 tuổi và bà cô 62 tuổi bị bệnh tim. Cả nhà trông vào tiền trợ cấp người cao tuổi và người khuyết tật của cụ, của bà cô và tấm lòng nhân ái của bà con hàng xóm, các mạnh thường quân. Trước hoàn cảnh đó, nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Lập là cầu nối tiếp sức đến trường cho 2 em. Mới đây nhất, qua tổ chức hội phụ nữ, các mạnh thường quân đã tặng Châu 1 chiếc xe máy điện giúp em thuận tiện đến trường. Châu cho biết: Hàng tháng các bác, các cô hỗ trợ gạo cho cụ cháu, kêu gọi mạnh thường quân giúp tiền, đồ dùng học tập cho hai chị em. Tình cảm của các bác, các cô đã nuôi lớn hai chị em. Em không bao giờ quên ân nghĩa này.

Chị Trần Thị Giang, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập trăn trở: Chị em Châu rất hiếu học, chặng đường phía trước của 2 cháu còn nhiều khó khăn. Tôi rất mong có nhiều sự giúp đỡ để các cháu vững tâm đến trường. Ngoài 2 chị em cháu Châu, trên địa bàn xã còn các hoàn cảnh khó khăn khác cần hỗ trợ. Tôi và Ban Chấp hành Hội LHPN xã đang cố gắng làm sao để không có hội viên, phụ nữ, trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Tình yêu, lòng nhân ái, sự sẻ chia chính là liều thuốc chữa lành những vết thương, bù đắp những thiệt thòi, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Nhận thức sâu sắc điều đó, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về phụ nữ yếu thế, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đã 2 năm kể từ khi nhận hỗ trợ xây nhà mới do Hội LHPN huyện Thái Thụy, Hội LHPN xã Sơn Hà (Thái Thụy) kết nối, hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Luyến, thôn Bắc Thịnh, xã Sơn Hà đã ổn định cuộc sống. Bà cho biết: Năm 2022, kinh tế khó khăn do dịch Covid-19, gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Khoản thu nhập từ làm nông không đủ chi phí sinh hoạt chứ chưa nói đến tích lũy để làm nhà. Nếu không có sự quan tâm, kết nối của tổ chức hội thì không biết đến khi nào gia đình tôi mới được ở trong căn nhà khang trang rộng rãi. Giờ tôi và con yên tâm đi làm mà không lo sợ ngôi nhà sẽ sập bất cứ lúc nào.

Khởi nghiệp để nâng cao vị thế

Với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó cùng sự hỗ trợ từ các chương trình, đề án, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị trí của mình. Chị Lê Thị Hằng, thôn Lường, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) là một trong số đó.

Từng lăn lộn với nhiều nghề, từ công nhân ở công ty giầy đến làm khăn cho làng nghề, chị Hằng nhận thấy làm thuê không chủ động được trong công việc, thu nhập không cao. Được sự động viên của gia đình, cùng với số vốn tiết kiệm đã lâu và 100 triệu đồng do Hội LHPN xã đứng ra tín chấp với ngân hàng, năm 2021, chị mạnh dạn đầu tư mở xưởng may. Những ngày đầu nhiều khó khăn, chị vừa làm vừa học hỏi, thuê người có kỹ thuật về xưởng đào tạo nghề cho lao động. Chị cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn, tham quan mô hình do hội LHPN các cấp tổ chức. Với nỗ lực không mệt mỏi, đến nay chị Hằng đã xây dựng được 3 cơ sở may, doanh thu trung bình khoảng 10 tỷ đồng/ năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động với thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/người/ tháng. Chị Hằng cho biết: Theo tôi, để thành công chị em cần mạnh mẽ và quyết đoán. Nhiều người vẫn nói là phụ nữ làm chủ thì rất khó nhưng mình có quyết tâm thì sẽ làm được. Trong thời gian tới, tôi dự định mở rộng mô hình. Các chị em muốn học hỏi kinh nghiệm tôi sẵn sàng giúp đỡ.

Còn với bà Nguyễn Thị Chanh, thôn Minh Đức, xã Lô Giang (Đông Hưng), từ mô hình chăn nuôi gia đình bà có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ năm. Bà bày tỏ: Là “phái yếu” nhưng trong thời kỳ hội nhập chị em phụ nữ không chỉ thực hiện tốt vai trò trong gia đình mà còn tự tin, quyết tâm theo đuổi đam mê nghề nghiệp, tìm cách độc lập tài chính, tự chủ kinh tế. Khi có kinh tế, tôi cũng như những chị em khác tự khẳng định bản thân, tự tin tham gia các hoạt động cộng đồng.

Khẳng định vai trò của phụ nữ trong thời đại mới

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Phụ nữ Thái Bình ngày càng khẳng định vai trò của mình trong sự phát triển chung của tỉnh. Ngoài thiên chức trong xây dựng gia đình, phụ nữ Thái Bình đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để cải thiện điều kiện sống, phát triển kinh tế và làm giàu bền vững. Chị em ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội; tham gia đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; có ý thức trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, nêu cao đạo đức, văn hóa công sở, phục vụ nhân dân... Để hỗ trợ phụ nữ nâng cao vị thế, với phương châm “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”, ở từng cấp, hội phụ nữ cụ thể hóa nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành phong trào gắn với các tiêu chí sát thực tiễn. Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh trong triển khai thực hiện nghị quyết là phải luôn đổi mới, sáng tạo về phương thức, cách thức hoạt động và đa dạng, phong phú về nội dung; lấy cán bộ, hội viên, phụ nữ là đối tượng trung tâm của phong trào, hoạt động; hướng các hoạt động về cơ sở. Đồng thời, luôn khích lệ sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, vừa bảo đảm hiệu quả vừa lan tỏa các hoạt động hội và phong trào phụ nữ. Từ đó thay đổi tư duy, đặc biệt là khơi dậy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của phụ nữ.

Qua phát động của các cấp hội và hưởng ứng của phụ nữ, 8 nhóm chỉ tiêu nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đề ra đều đạt và vượt. Phụ nữ trong tỉnh đã tham gia thực hiện 3.223 công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Đã có hơn 54.000 hội viên, phụ nữ được vay hơn 3.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Các cấp hội đã hỗ trợ thành lập 3 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý; giúp 2.010 hộ thoát nghèo, cận nghèo. Các cấp hội đã vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 123 mái ấm tình thương trị giá 4,63 tỷ đồng; đỡ đầu 873 trẻ em mồ côi với tổng số tiền đã trao hơn 3,71 tỷ đồng và hơn 12,7 tấn gạo. Các cấp hội tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Bà Nguyễn Thị Phượng cho biết thêm: Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, các cấp hội phụ nữ tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI đã đề ra, gắn nhiệm vụ chính trị của tỉnh, từng ngành, địa phương, đơn vị để tiếp tục cụ thể hóa và triển khai sáng tạo, hiệu quả; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả nhiệm kỳ ở mức cao nhất.

3 cơ sở may của chị Lê Thị Hằng, thôn Lường, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) cho doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 200 lao động.

Phương Chi