Chủ nhật, 10/11/2024, 05:59[GMT+7]

8 tháng, CPI tăng 4,04%

Thứ 6, 06/09/2024 | 10:53:37
1,635 lượt xem
Trong 8 tháng đầu năm 2024, 10/11 nhóm hàng tiêu dùng chính có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Ảnh minh họa.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng Tám tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới. Tính chung tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng(CPI) ổn định so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, giá 10 nhóm hàng tăng nhẹ, riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước.

Tính chung, CPI 8 tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,23% so với tháng trước.

Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm nay có xu hướng tăng, giảm đan xen theo quy luật tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Tháng 1/2024, CPI tăng 0,31% do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu.Sang tháng 2/2024, CPI tăng cao nhất 1,04% do là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao, giá gạo, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới. Tháng 3/2024, CPI giảm 0,23% do nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Từ tháng 4/2024 đến tháng 7/2024, CPI liên tục tăng lần lượt là 0,07%; 0,05%; 0,17% và 0,48% chủ yếu do giá gạo, thịt lợn, xăng dầu, điện sinh hoạt và bảo hiểm y tế tăng. Sang tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng ổn định so với tháng trước.

8 tháng, CPI tăng 4,04% - Ảnh 1.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, 10/11 nhóm hàng tiêu dùng chính có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ năm 2023

Về nguyên nhân khiến CPI 8 tháng tăng 4,04%, cơ quan thống kê cho biết chủ yếu đến từ: nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng; trong năm học 2023-2024 và 2024-2025, một số địa phương đã tăng mức học phí; giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng và bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở.

Thống kê cho thấy trong 8 tháng đầu năm, 10/11 nhóm hàng tiêu dùng chính có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ. Trong đó tăng cao nhất là chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,33%, làm CPI chung tăng 0,51 điểm phần trăm. Tiếp theo là chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,35%, tác động làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm..

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 8/2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Theo vtv.vn